| Hotline: 0983.970.780

Gỡ khó cho nuôi trồng thủy sản lòng hồ

Thứ Sáu 27/10/2023 , 19:52 (GMT+7)

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, để phát triển nuôi trồng thủy sản lòng hồ cần chỉ rõ hồ nào có thể khai thác đa giá trị, đơn giá trị.

Chiều 27/10, trong khuôn khổ Lễ hội cá tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình lần thứ nhất, hội chợ nông nghiệp và triển lãm sản phẩm OCOP vùng Trung du miền núi phía Bắc năm 2023, Bộ NN-PTNT phối hợp cùng UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội nghị Phát triển kinh tế thủy sản hồ chứa.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, tiềm năng, dư địa phát triển nuôi trồng thủy sản khu vực lòng hồ còn rất lớn. Ảnh: Trung Quân.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, tiềm năng, dư địa phát triển nuôi trồng thủy sản khu vực lòng hồ còn rất lớn. Ảnh: Trung Quân.

Tiềm năng lớn

Theo Cục Thủy lợi, hiện nay cả nước có hơn 6.700 hồ chứa thủy lợi (4 hồ chứa quan trọng đặc biệt, 888 hồ lớn, hơn 1.600 hồ vừa, hơn 4.200 hồ nhỏ) với tổng dung tích trữ khoảng 14,5 tỷ m3. Các hồ chứa được nhà nước quan tâm đầu tư nên có khả năng trữ nước phục vụ sản xuất quanh năm, điều tiết nước lũ. Nguồn nước sạch trong các hồ chứa là điều kiện thuận lợi cho nuồi trồng thủy sản phát triển.

Thống kê của Cục Thủy sản cũng cho thấy, cả nước hiện có hơn 1.200 hồ chứa có hoạt động nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ. Cả nước có 13 hồ chứa với diện tích trên 5.000ha, trong đó các hồ Hòa Bình, Sơn La, Na Hang (Tuyên Quang), Thác Bà (Yên Bái), Trị An (Đồng Nai) là nhóm hồ chứa có tiềm năng, khả năng phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa, trách nhiệm, bền vững. Hồ Plei-Krông, Yaly, Sê San 4, Đồng Nai 3, Lai Châu, Bản Chát, Thác Mơ thuộc nhóm hồ chứa có tiềm năng nuôi trồng thủy sản ở mức trung bình.

Tại 23 tỉnh có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa hiện có hơn 29.000 lồng nuôi cá. Sản lượng nuôi trồng thủy sản hồ chứa 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt hơn 36.400 tấn (đạt 102% so với cùng kỳ và 100% kế hoạch đề ra).

Việc tận dụng được mặt nước từ các hồ chứa cùng với việc đầu tư bài bản, khoa học sẽ giúp hoạt động nuôi trồng thủy sản nước ngọt trong lòng hồ phát triển mạnh mẽ. Từ đó, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo việc làm, đảm bảo an ninh dinh dưỡng, phát triển du lịch, gia tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là đồng bào miền núi.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc mà hoạt động nuôi trồng thủy sản lòng hồ đang gặp phải. Ảnh: Trung Quân.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc mà hoạt động nuôi trồng thủy sản lòng hồ đang gặp phải. Ảnh: Trung Quân.

Còn nhiều "nút thắt"

Tại hội nghị, các đại biểu đều chung đánh giá, tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa thủy lợi, thủy điện của cả nước rất lớn. Tuy nhiên, diện tích mặt nước được khai thác nuôi trồng thủy sản chưa nhiều do quá trình triển khai thực hiện vẫn gặp những khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, về quản lý, hồ chứa nước là công trình thủy lợi được quản lý, khai thác theo nguyên tắc phát huy hiệu quả khai thác tổng hợp, phục vụ đa mục tiêu, bảo đảm hài hòa giữa khai thác với bảo vệ tài nguyên, môi trường; phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, việc nuôi trồng thủy sản là hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi phải được cấp phép (thẩm quyền cấp phép thuộc UBND tỉnh). Trình tự thủ tục và hồ sơ cấp phép theo Điều 13, 14, 15, 16, 17, 21, 22 Nghị định 67/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi. Bên cạnh đó, theo Điều 47, Luật Thủy lợi để được cấp phép thì hoạt động này phải có trong quy hoạch thủy lợi được phê duyệt. Nhưng đến nay hầu hết các địa phương đều chưa phê duyệt quy hoạch bổ sung nội dung nuôi trồng thủy sản cho các hồ chứa.

Theo quy định về điều kiện cơ sở nuôi trồng thủy sản thì địa điểm xây dựng cơ sở nuôi trồng thủy sản phải tuân thủ quy định về sử dụng đất để nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các hồ chứa đều chưa được cấp quyền sử dụng đất, sử dụng mặt nước, gây khó khăn trong trong việc cấp phép nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ.

Nhiệm vụ chính của các hồ chứa là tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, điều tiết lũ. Về mùa kiệt, nhiều hồ chứa có mực nước rất thấp làm ảnh hưởng lớn đến việc nuôi trồng thủy sản trong hồ. Về mùa lũ mực nước hồ dâng cao sẽ chảy qua tràn, thủy sản sẽ theo dòng chảy thất thoát về hạ lưu, nếu dùng lưới chắn sẽ gây cản trở dòng chảy làm mất an toàn công trình.

Về hạ tầng, hầu hết các hồ chứa nằm ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn; chưa có hệ thống điện phục vụ cho nuôi cá thâm canh và bán thâm canh. Một số khu vực nuôi cá lồng bè phải sử dụng điện thông qua hộ dân gần khu vực nên gây khó khăn cho sản xuất. Lồng nuôi công nghiệp sử dụng vật liệu sắt, inox, HDPE còn ít, trong khi hàng năm chịu tác động lớn của bão, lũ.

Nuôi cá lồng bè trên hồ chứa còn mang tính tự phát, chưa tập trung thành vùng chuyên canh nên không tạo được vùng nuôi an toàn. Chưa có chính sách khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế, doanh nghiệp đầu tư vào nuôi trồng thủy sản tại hồ chứa; chưa có nhà máy chế biến sâu…

Các hộ nuôi cá lòng hồ cần đa dạng hóa đối tượng nuôi theo hướng đáp ứng được những sản phẩm mà thị trường cần và hướng tới xuất khẩu. Ảnh: Trung Quân.

Các hộ nuôi cá lòng hồ cần đa dạng hóa đối tượng nuôi theo hướng đáp ứng được những sản phẩm mà thị trường cần và hướng tới xuất khẩu. Ảnh: Trung Quân.

Quy hoạch nuôi trồng thủy sản cụ thể cho từng hồ chứa

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, hiện nay ngành thủy sản đang phát triển theo hướng giảm tỷ lệ khai thác, tăng tỷ lệ nuôi trồng. Tuy nhiên, nếu chỉ trồng chờ vào một mình hoạt động nuôi biển thì những mục tiêu đặt ra sẽ rất khó khăn để đạt được. Yêu cầu đặt ra là phải đa dạng hóa các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế ở cả nước mặn, ngọt, lợ…

Thứ trưởng cũng đánh giá, tiềm năng, dư địa để phát triển nuôi trồng thủy sản khu vực lồng hồ còn rất lớn, thậm chí nếu khai thác tốt có thể hình thành ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản lòng hồ.

Do đó, các đơn vị, địa phương đã nhận diện được những khó khăn, vướng mắc cần khẩn trương triển khai các biện pháp tháo gỡ. Trong đó, tập trung khuyến khích người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất; minh bạch hóa thông tin để truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, phát triển hoạt động sản xuất có trách nhiệm, bền vững. Bên cạnh đó, đa dạng hóa đối tượng nuôi theo hướng đáp ứng được những sản phẩm mà thị trường cần và hướng tới xuất khẩu.

Các đơn vị nghiên cứu tiếp tục chọn tạo ra những bộ giống mới có chất lượng để phục vụ nhu cầu sản xuất; nâng cấp, tạo ra các loại thức ăn dinh dưỡng mới để tăng chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường nuôi.

Các cơ quan quản lý chuyên ngành, địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá, xây dựng quy hoạch, đề án phát triển cụ thể cho từng hồ chứa; chỉ rõ hồ nào có thể khai thác đa giá trị, đơn giá trị. Đồng thời, xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích hình thành các chuỗi liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt có cơ chế để thu hút doanh nghiệp tham gia chế biến sâu sản phẩm thủy sản lòng hồ.

 

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối nhiều ngày, ngư dân khốn đốn

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Nhiều chủ tàu cập cảng tại Quảng Trị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm