Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum vừa tổ chức tọa đàm: “Trao đổi kinh nghiệm xây dựng quy chế hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng tại tỉnh Kon Tum”.
Thời gian qua, hoạt động khuyến nông Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, đóng góp vào sự thành công chung của ngành nông nghiệp nước nhà. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác khuyến nông hiện đang gặp những khó khăn, thách thức và thiếu ổn định, bền vững. Cụ thể, các địa phương sau khi sắp xếp lại bộ máy đã gây nên tình trạng “đứt gãy” hệ thống khuyến nông, làm hệ thống suy yếu và thiếu tính liên kết bền vững. Mặt khác, hoạt động khuyến nông chưa chú trọng đến phát triển thị trường, liên kết theo chuỗi giá trị, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc…
Trước những vấn đề cấp bách đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã xây dựng đề án: “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng” và đã được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT ban hành theo Quyết định số 1094/QĐ-BNN-KN ngày 25/3/2022.
Theo đó, đề án sẽ thí điểm xây dựng và kiện toàn được ít nhất là 26 mô hình tổ khuyến nông cộng đồng tại các vùng nguyên liệu tập trung gắn với hệ thống khuyến nông trên địa bàn 13 tỉnh. Tại đây, các tổ khuyến nông cộng đồng sẽ tư vấn, hỗ trợ các HTX nông nghiệp trên địa bàn nhằm khắc phục những hạn chế, nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn.
Tuy nhiên, việc xây dựng quy chế hoạt động của các tổ khuyến nông cộng đồng vẫn còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ.
Ông Đỗ Ngọc (thành viên tổ khuyến nông cộng đồng xã Đăk La, huyện Đắk Hà, Kon Tum) cho biết, hiện nay các tổ khuyến nông cộng đồng còn khá mới mẻ nên các thành viên cần có kiến thức để triển khai công tác hoạt động, tư vấn, hướng dẫn cho các HTX, người dân đạt được mục đích đề ra.
Mặt khác, các thành viên của khuyến nông cộng đồng thường là những cán bộ công chức, bán chuyên trách, chủ yếu làm việc trong giờ hành chính nên không có nhiều thời gian phục vụ cho tổ khuyến nông cộng đồng, như vậy sẽ có những ảnh hưởng nhất định. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ kinh phí để tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả hơn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tri Sáu, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung (huyện Đắk Hà) cho biết, tổ khuyến nông cộng đồng được thành lập như tổ liên ngành hoạt động nhiều lĩnh vực, nhưng trên thực tế chuyên môn các thành viên chưa cao. Do đó, việc tập huấn cho người dân của tổ khuyến nông cộng đồng còn rất nhiều lúng túng.
Quan trọng nhất, cần có phương thức hoạt động để các thành viên trong tổ khuyến nông cộng đồng hiểu nhau, giao nhiệm vụ cho từng thành viên để cùng phát triển. Chẳng hạn, thành viên nào có năng khiếu, chuyên môn về lĩnh vực gì thì giao nhiệm vụ đó. Muốn vậy, các thành viên phải ngồi lại với nhau, bàn bạc và đi vào thực tiễn để chia sẻ cho nhau kinh nghiệm trong công tác khuyến nông.
“Chẳng hạn khi người dân cần tổ khuyến nông cộng đồng chữa bệnh cho cây cà phê bị vàng lá, các thành viên phải làm được. Nếu trình độ chuyên môn của các thành viên không cao sẽ rất khó thuyết phục được người dân”, ông Sáu chia sẻ.
Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, những ý kiến của các thành viên tổ khuyến nông cộng đồng sẽ được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia ghi nhận để bố trí thực hiện đạt được kết quả tốt nhất.
Ông Hồng cũng cho biết, tổ khuyến nông cộng đồng mới đi vào hoạt động, mọi thứ còn mới mẻ và khó khăn, nhất là thời gian và kinh phí thực hiện. Trong đó, thời gian có thể khắc phục được nhưng kinh phí thực hiện sẽ khó khăn hơn.
“Chúng tôi hi vọng, tổ khuyến nông cộng đồng sẽ xây dựng được quy chế hoạt động càng cụ thể, chi tiết càng tốt và có báo cáo với các cấp có thẩm quyền. Từ việc có quy chế hoạt động, chúng ta sẽ thống nhất được về mặt thời gian cho các thành viên là cán bộ công chức, cũng như kinh phí thực hiện cho các hoạt động này”, ông Hoàng Văn Hồng chia sẻ.