| Hotline: 0983.970.780

Náo nức Tổ Khuyến nông cộng đồng

Thứ Tư 31/08/2022 , 06:45 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Đi khắp Hải Phòng, đâu đâu nông dân cũng hồ hởi, háo hức, kỳ vọng khi các Tổ Khuyến nông cộng đồng mới được thành lập ở các xã.

Vừa thành lập, đã diệt được hàng nghìn con chuột

Ngũ Phúc là xã thuần nông của huyện Kiến Thụy (Hải Phòng), cây lúa bao đời nay vẫn là thu nhập chính của nông dân nơi đây với tổng diện tích gieo cấy mỗi vụ 347ha.

Nhiều năm nay, do phối hợp với doanh nghiệp trong việc diệt chuột, bảo vệ mùa màng nên năng suất lúa của xã tăng đáng kể, có vụ đạt tới 85 tạ/ha, tạo sự phấn khởi cho bà con.

Năm nay, vụ mùa thời vụ ngắn, gặp thời tiết mưa kéo dài, thêm vào đó, diện tích lúa cấy xong chưa lồng được hết ruộng nên việc diệt chuột đợt đầu hiệu quả không cao.

Empty

Tổ Khuyến nông cộng đồng xã Ngũ Phúc và người dân tham gia diệt chuột, bảo vệ mùa màng. Ảnh: Đinh Mười.

Bằng nhiều cách khách nhau, chính quyền và nhân dân đã phối hợp triển khai 4 đợt diệt chuột mà chuột vẫn còn nhiều khiến bà con đau đầu, lo ngại vụ này sẽ bị chuột phá hoại, có thể sẽ thất thu.

Tuy nhiên, từ khi thành lập được Tổ Khuyến nông cộng đồng của xã, các thành viên trong Tổ đã tích cực chia sẻ kinh nghiệm trong vận động nhân dân, phổ biến các mẹo để diệt chuột nên đã tổ chức được phong trào sôi nổi, diệt được hàng nghìn con chuột, tạo phấn khởi lớn cho bà con.

Bà Nguyễn Thị Dung, trưởng thôn Xuân Chiếng, thành viên Tổ Khuyến nông cộng đồng xã Ngũ Phúc cho biết, sau khi tham gia Tổ Khuyến nông cộng đồng, bà đã chia sẻ với Ban Nông nghiệp xã về kinh nghiệm vận động nhân dân tham gia diệt chuột và đạt hiệu quả bất ngờ. Mỗi đợt, Tổ Khuyến nông đã huy động được hơn 20 người, diệt được hàng nghìn con chuột.

Ngoài kinh nghiệm trong tiêu diệt chuột bảo vệ mùa màng, bà Dung cho biết sẽ tiếp tục chia sẻ với người dân về chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản làm sao cho bền vững.

Theo bà Dung, nguyên nhân khiến việc liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp hay đổ vỡ có nhiều yếu tố, đầu tiên là do người dân chưa tuân thủ triệt để những cam kết chung, dẫn đến hợp tác không bền vững. Mặt khác, người dân phải đoàn kết, làm tập thể, không đi theo cá nhân, nếu không liên kết được thì tiêu thụ sản phẩm sẽ rất khó khăn, bài học được mùa mất giá sẽ tái diễn.

Tổ Khuyến nông cộng đồng xã Ngũ Phúc họp bàn, chia sẻ kinh nghiệm trước khi thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: Đinh Mười.

Tổ Khuyến nông cộng đồng xã Ngũ Phúc họp bàn, chia sẻ kinh nghiệm trước khi thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: Đinh Mười.

Bà Bùi Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Ngũ Phúc, Tổ trưởng Tổ Khuyến nông cộng đồng của xã cho hay, sau khi triển khai, người dân tham gia rất tích cực, phấn khởi.

Việc làm đầu tiên là phân phối phân bón và diệt chuột, phân bón thì đã cung ứng được 30 tấn cho bà con với giá ưu đãi, thấp hơn thị trường và được trả chậm. Còn về diệt chuột, Tổ Khuyến nông cộng đồng phối hợp với các thôn bắt được hơn 1.000 con chuột.

“Tín hiệu ban đầu rất ổn, Ngũ Phúc là xã nông nghiệp nên Tổ Khuyến nông cộng đồng được thành lập, dù kinh phí không có nhưng người dân phấn khởi lắm, tham gia rất hăng hái”, bà Hằng chia sẻ.

Cách xã Ngũ Phúc không xa, vừa khơi bờ mương để hạ mực nước ruộng trước khi bão số 3 đổ bộ về, chị Nguyễn Thị Hà – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Thụy Hương xởi lởi: “Mưa lớn cũng không lo đâu, nước thoát nhanh, hơn nữa lúa đến giai đoạn chuẩn bị làm đòng rồi, ngập cũng không sợ bị ảnh hưởng nhiều”.

Chị Hà là người khá nổi tiếng với thương hiệu "gạo ruộng rươi", đã được chứng nhận sản phẩm OCOP, là người đứng đầu HTX với diện tích cấy lúa lên đến hàng trăm ha nhưng những công việc nhỏ nhặt nhất của người nông dân luôn đến tay chị.

Đồng ruộng mênh mông, lại cấy lúa trên diện tích nuôi rươi nên không thể dùng thuốc BVTV. Để đạt được năng suất cao, hàng năm các thành viên trong HTX đều nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan chuyên môn, nhất là Trạm Khuyến nông huyện Kiến Thụy.

Lúa rươi

Những mô hình sản xuất rươi - lúa hữu cơ đòi hỏi cao về vốn, kỹ thuật và đầu ra sản phẩm nên rất cần hỗ trợ của Tổ Khuyến nông cộng đồng. Ảnh: Đinh Mười.

Xuất phát từ yêu cầu sống còn trong sản xuất hàng ngày nên sau khi nghe thông tin xã Thụy Hương thành lập Tổ Khuyến nông cộng đồng, chị Hà đã đăng ký tham gia ngay.

Theo chị Hà, Tổ Khuyến nông cộng đồng quy tụ những người có kinh nghiệm sản xuất, có khuyến nông viên cùng tham gia hứa hẹn sẽ tạo lợi nhuận, môi trường tốt cho bà con học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức sản xuất nông nghiệp.

“Từ trước đến nay mới chỉ có trạm khuyến nông ở huyện, chuyên về kỹ thuật chăn nuôi, nuôi trồng, thủy hải sản… hàng năm đều hỗ trợ rất tốt cho người dân nhưng chúng tôi cần nhiều hơn nên khi thành lập Tổ Khuyến nông cộng đồng ở cấp xã, tôi tham gia ngay, không cần điều kiện gì”, chị Hà bộc bạch.

Sẽ hạn chế được bỏ ruộng

Ghi nhận tại nhiều địa phương ở Hải Phòng, dù Tổ Khuyến nông cộng đồng mới thành lập nhưng người dân và lãnh đạo các địa phương đều rất phấn khởi, bởi lẽ họ tin tưởng rằng với sự hỗ trợ đắc lực của các thành viên vừa có chuyên môn, vừa có kinh nghiệm sẽ giúp hạn chế được tình trạng bỏ ruộng.

Tại xã Chiến Thắng, huyện An Lão, dù đã hết giờ làm việc nhưng hội trường xã vẫn sáng đèn, trong phòng họp có gần 10 người, ngồi chủ tọa là ông Đào Đăng Dũng đang say sưa triển khai các nhiệm vụ cho thành viên Tổ Khuyến nông cộng đồng của xã vừa mới được thành lập.

Xã Chiến Thắng có 259ha cấy lúa nhưng thời gian qua có tới 11,3ha ruộng bị bỏ hoang, dù các cấp các ngành đã nỗ lực đủ cách nhưng vẫn chưa thể khắc phục triệt để.

Tổ Khuyến nông cộng đồng xã Chiến Thắng họp triển khai nhiệm vụ. Ảnh: Đinh Mười.

Tổ Khuyến nông cộng đồng xã Chiến Thắng họp triển khai nhiệm vụ. Ảnh: Đinh Mười.

“Trong giai đoạn hiện nay, việc thành lập các Tổ Khuyến nông cộng đồng là rất cần thiết, rất có lợi cho nông dân. Tổ Khuyến nông với các thành phần nòng cốt là những người có uy tín, chuyên môn và kinh nghiệm sẽ giúp bà con rất nhiều trong sản xuất, hạn chế bỏ ruộng. Chúng tôi rất tâm đắc với việc thành lập Tổ này”, ông Dũng phấn khởi.

Tại xã An Hồng, huyện An Dương, địa phương này có hơn 145ha trồng lúa, trước đây người dân bỏ ruộng nhiều nhưng những năm gần đây, được hỗ trợ giống, công làm đất, thuốc trừ cỏ… nên bà con đã quay lại trồng lúa và chỉ còn 2ha ruộng bỏ hoang.

Theo lãnh đạo xã An Hồng, quan trọng nhất với người dân là sản xuất phải hiệu quả, có lãi và an toàn. Do vậy, việc Tổ Khuyến nông cộng đồng ra đời với mục tiêu hỗ trợ người dân trong sản xuất nông nghiệp về kỹ thuật và các vấn đề liên quan là rất cần thiết, không chỉ giúp người dân cải thiện sản xuất, nâng cao đời sống mà còn hạn chế tình trạng ruộng bỏ hoang.

 “Chúng tôi sợ nhất là trồng lúa hữu cơ mà năng suất, sản lượng thấp hơn so với sản xuất lúa thông thường. Bởi năng suất thấp thì người dân sẽ không mặn mà, khó tạo niềm tin để người dân tiếp tục sản xuất. Vì vậy, thông qua Tổ Khuyến nông cộng đồng, tôi mong muốn người dân sẽ được hỗ trợ tốt về kỹ thuật và các vấn đề liên quan để đảm bảo năng suất, sản lượng, đồng thời tìm kênh tiêu thụ ổn định, giá cao cho sản phẩm lúa hữu cơ để bà con yên tâm gắn bó với cây lúa theo định hướng sản xuất hữu cơ”, bà Trần Thị Dung – Chủ tịch UBND xã An Hồng nêu ý kiến.

Cũng theo bà Dung, hiện tại, trên địa bàn xã An Hồng đang cấy lúa hữu cơ với tổng diện tích 40ha. Trồng lúa hữu cơ yêu cầu rất nhiều về kỹ thuật canh tác để đảm bảo năng suất, do vậy thời gian tới người dân rất cần sự quan tâm sát sao của lực lượng khuyến nông, nhất là Tổ Khuyến nông cộng đồng, qua đó giúp địa phương phủ xanh được những cánh đồng đang bỏ hoang.

Người dân hào hứng tham gia các hoạt động của Tổ Khuyến nông cộng đồng. Ảnh: Đinh Mười.

Người dân hào hứng tham gia các hoạt động của Tổ Khuyến nông cộng đồng. Ảnh: Đinh Mười.

Hải Phòng hiện tại có khoảng 82.978 ha đất sản xuất nông nghiệp và khoảng 346.000 hộ tham gia sản xuất, diện tích đất sản xuất nông nghiệp hiện nay bình quân khoảng 1,35 nghìn m2/hộ, từ 3 - 4 mảnh/hộ, nhìn chung diện tích sản xuất ít, manh mún, nhỏ lẻ.

Do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra nhanh, gây không ít sự xáo trộn quy hoạch trong nông nghiệp (bình quân mỗi năm chuyển đổi 700 - 1.000ha đất nông nghiệp sang mục đích sử dụng khác); diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp và chia nhỏ, xen kẹt đã gây ra tình trạng bỏ hoang ruộng đồng.

Kỳ vọng khơi thông đầu ra cho nông sản

Việc Hải Phòng vừa thành lập 135 Tổ Khuyến nông cộng đồng, từ người dân đến chính quyền các địa phương đều háo hức, mong mỏi và đặt nhiều kỳ vọng sẽ giúp người dân phát huy tối đa giá trị canh tác và tạo luồng gió mới cho nông nghiệp Đất Cảng.

Ông Nguyễn Văn Toản, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện An Dương cho biết: Trên địa bàn huyện,  hiện các xã đều đã thành lập được Tổ Khuyến nông cộng đồng, các thành viên đều tự nguyện tham gia, có cam kết hoạt động tích cực và rất phấn khởi.

Một lớp tập huấn cho các thành viên Tổ Khuyến nông cộng đồng tại Thủy Nguyên. Ảnh: Đinh Mười.

Một lớp tập huấn cho các thành viên Tổ Khuyến nông cộng đồng tại Thủy Nguyên. Ảnh: Đinh Mười.

Theo ông Toản, Tổ Khuyến nông cộng động hoạt động dưới sự quản lý của địa phương nhưng chuyên môn thì theo hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng. Quan trọng nhất là có cán bộ khuyến nông trong Tổ sẽ giúp các thành viên trong Tổ thực hiện tốt về chuyên môn kỹ thuật, các thành viên như là "cánh tay nối dài" của các khuyến nông viên, giúp truyền tải những thông tin, kỹ thuật, canh tác hiệu quả đến các thành viên trong Tổ và từ đó lan tỏa ra cộng đồng.

“Có những cánh đồng, trước đây bà con dùng thuốc BVTV rất nhiều, nay thông qua Tổ này, người dân sẽ được hướng dẫn cụ thể để làm thế nào sử dụng hiệu quả, hạn chế tối thiểu việc lạm dụng thuốc BVTV, tạo ra những sản phẩm an toàn. Tổ này sẽ giúp bà con nông dân canh tác tốt hơn, các thành viên hoạt động trên tinh thần tự nguyện”, ông Toản chia sẻ.

Còn bà Bùi Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Ngũ Phúc thì kỳ vọng: "Cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực cho người dân, bởi lẽ ngoài yếu tố kỹ thuật, trong sản xuất còn liên quan đến yếu tố thời tiết, thị trường... Do vậy, nếu không có yếu tố kích cầu sẽ rất khó triển khai. Trước mắt, Tổ Khuyến nông cộng đồng xa Ngũ Phúc sẽ hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc cây, con hiệu quả, sau đó là cung ứng giống, phân bón ưu đãi cho bà con và cuối cùng là liên kết tiêu thụ nông sản cho bà con".

Theo Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, việc thành lập Tổ Khuyến nông cộng đồng là một trong những điều kiện trong bộ tiêu chí xây nông thôn mới, là việc làm hết sức cần thiết với xu thế phát triển nông nghiệp hiện nay.

Hoa (2)

Những mô hình sản xuất có sự hỗ trợ của khuyến nông đều được liên kết đầu tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, nông dân rất kỳ vọng vào Tổ Khuyến nông cộng đồng khi được thành lập. Ảnh: Đinh Mười.

Mỗi Tổ Khuyến nông cộng đồng được thành lập có ít nhất 5 thành viên, nòng cốt là cán bộ khuyến nông cơ sở và các cá nhân trên địa bàn, gồm đại diện các tổ chức chuyên môn, chính trị, xã hội, đoàn thể, kinh tế và nông dân sản xuất giỏi tại địa phương.

Nhiệm vụ của Tổ Khuyến nông cộng đồng là tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ về khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp do cấp có thẩm quyền giao cũng như các hoạt động tư vấn, dịch vụ và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn, xây dựng nông thôn mới, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá, cộng đồng dân cư nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái.

“Người dân rất mong mỏi về thành lập Tổ Khuyến nông cộng đồng nên sau khi thành lập đã tạo ra không khí vui tươi, phấn khởi. Về lâu dài, sẽ có những giải pháp để các Tổ có thể hoạt động độc lập, tự chủ về tài chính. Ví dụ như tư vấn kỹ thuật canh tác, chăm sóc cây con, kết nối để giới thiệu những nguồn giống, phân bón tốt, có nhiều ưu đãi cho người dân và khơi thông đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp cho nông dân”, ông Nguyễn Ngọc Đam, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng cho biết.

Xem thêm
Áp dụng quy trình chuẩn chỉ, nuôi lợn nông hộ tại Mường Nọc lãi lớn

Từng thất bại nặng nề trong giai đoạn đầu nuôi lợn nhưng chị Phạm Thị Hoài không nản chí, chính quyết tâm cao độ đã mang lại thành quả hết sức ngọt ngào.

Nhiều thách thức khi xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật sang Trung Quốc

Trung Quốc có nhu cầu sản phẩm thịt lên tới gần 400 tỷ USD/năm và là thị trường đầy tiềm năng xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật của Việt Nam.

Thay đổi lớn trên 3 cây trồng chủ lực của Hà Nội

Sáng 30/12, Hà Nội tổ chức sơ kết thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2024.