Chế biến gỗ xuất khẩu. |
Cụ thể, trong tháng 10, lần đầu tiên trong lịch sử xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, giá trị xuất khẩu trong 1 tháng vượt mốc 1 tỷ USD. Đến giữa tháng 11, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã vượt kỷ lục 8,907 tỷ USD của năm 2018. Hết tháng 11, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lần đầu tiên vượt mốc 9 tỷ USD (đây cũng là mặt hàng đầu tiên của ngành nông nghiệp vượt qua mốc này).
Đến giữa tháng 12, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt xấp xỉ 10 tỷ USD và chắc chắn sẽ lần đầu tiên vượt mốc 10 tỷ USD khi kết thúc năm.
Trên cơ sở đó, Bộ Công thương cho rằng, trong năm 2020, ngành gỗ hoàn toàn có thể đạt mốc xuất khẩu 12 tỷ USD. Bởi ngoài thị trường lớn nhất là Mỹ, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đang có cơ hội tăng trưởng mạnh ở một số thị trường quan trọng khác như Nhật Bản, Anh, Canada, Đức, Hà Lan…
Trong đó, Nhật Bản và Canada là các thị trường thành viên trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2019 tăng trưởng tốt sang hai thị trường này, ngoài nhu cầu gia tăng, còn có sự đóng góp của việc bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ CPTPP.
Việc cam kết cắt giảm thuế quan của các nước thành viên CPTPP đã làm tăng khả năng cạnh tranh của gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam so với các nguồn cung khác ngoài CPTPP, giúp cho gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam mở rộng tại các thị trường này.
Liên minh châu Âu (EU) là một trong những thị trường xuất khẩu chính đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Trong thời gian tới, khi EVFTA được phê chuẩn và có hiệu lực, sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn hơn, nhờ vào việc cắt giảm hàng rào thuế quan theo lộ trình. Khi ấy, gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam sẽ trở nên cạnh tranh hơn so với hàng hóa cùng loại từ các nước chế biến gỗ khác chưa có FTA với EU.