| Hotline: 0983.970.780

Góc khuất trong công nghiệp trồng sâm ở Pennsylvania, Hoa Kỳ

Thứ Sáu 27/08/2021 , 13:50 (GMT+7)

Một nghiên cứu gần đây đăng trên Tạp chí Economic Botany hé lộ góc khuất về ngành công nghiệp chứa đựng nhiều bí mật này.

Sâm mọc trong một trang trại rừng ở Pennsylvania (Hoa Kỳ). Ảnh: Eric Burkhart.

Sâm mọc trong một trang trại rừng ở Pennsylvania (Hoa Kỳ). Ảnh: Eric Burkhart.

Sâm là một loại thảo mộc có nguy cơ tuyệt chủng, thường xuyên được tìm kiếm từ các tầng rừng của Pennsylvania do nhu cầu tăng cao ở châu Á.

Nhân sâm Hoa Kỳ đã được thu hái thương mại ở vùng đông bắc nước này trong gần ba thế kỷ. Mỗi năm, khoảng hơn 450 kg củ nhân sâm khô được xuất khẩu từ Pennsylvania. Phần lớn trong số đó được bán dưới dạng nhân sâm hoang dã, đã được liệt kê trong Hiệp định về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng từ năm 1975.

Nhưng một nghiên cứu mới cho thấy rằng nhân sâm có thể "hoàn toàn không hoang dã" - và có thể có tác động tiêu cực đối với các quần thể cây trồng bản địa.

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Economic Botany tiến hành kiểm tra việc trồng nhân sâm trong rừng trên toàn tiểu bang Pennsylvania.

8 năm qua, để hiểu rõ hơn về ngành công nghiệp này, các nhà nghiên cứu từ Đại học Pennsylvania State hàng năm đều gửi phiếu khảo sát cho những người thu hoạch nhân sâm, xem có bao nhiêu người đang trồng sâm, hạt giống có nguồn gốc từ đâu và những hạt giống đó có thể đóng góp như thế nào vào số lượng thu hoạch nhân sâm hoang dã.

Phát hiện của họ làm nổi bật mối lo ngại rằng loại hạt giống nhân sâm không phải bản địa, được nuôi thương mại có thể đe dọa các quần thể nhân sâm hoang dã, vốn đang gặp nguy cơ tuyệt chủng. 

Trong khi nhiều người thu hoạch nhân sâm ở Pennsylvania đang trồng hạt giống trong rừng với nỗ lực bảo tồn và bổ sung các quần thể nhân sâm bản địa, họ thường sử dụng hạt giống không phải bản địa mà mua trực tuyến từ các địa điểm như Wisconsin.

Nghiên cứu cho thấy 3 trong số 10 người bán lẻ bán nhân sâm “hoang dã” thực sự trồng nhân sâm bằng cách rải hạt trong rừng. Trong khi đó, cứ 4 người trồng nhân sâm thì có 1 người cho biết sử dụng nguồn giống thương mại thường thích nghi với các vùng khác nhau và được chăm sóc bằng sử dụng phân bón.

Eric Burkhart, nhà thực vật học và là Phó Giáo sư giảng dạy của Đại học Pennsylvania State, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, nói rằng dữ liệu này là cần thiết để xây dựng chính sách tốt hơn nhằm đảm bảo sự tồn tại của các loài nhân sâm bản địa.

“Chúng tôi có sâm - được cho là một trong những loài thực vật có giá trị nhất, được kiểm soát chặt chẽ nhất từ ​​vùng hoang dã của Bắc Mỹ. Nhưng chúng tôi dường như không thể bảo tồn nó thông qua các biện pháp truyền thống như yêu cầu của luật và quy định", ông nói. “Thị trường khá hỗn loạn. Những người trong chuỗi cung ứng không có sự hiểu biết thực sự về những gì đang diễn ra trong các phần khác nhau của chuỗi”.

Burkhart nói rằng bí mật tồn tại bởi vì các chủ đất và những người đào nhân sâm, trồng hạt giống nhân sâm quan ngại việc bị chính phủ theo dõi khi nộp thủ tục giấy tờ. Mối quan ngại xuất phát từ nỗi sợ mất giá, trộm cắp và bị đánh thuế.

Những người đào nhân sâm cũng thường không đồng ý về những gì nên được phân loại là nguyên liệu thực vật hoang dã, vì giá thị trường đối với củ nhân sâm mọc hoang dã cao hơn gấp 100 lần so với rễ sâm nhân tạo trồng ngoài đồng. Kết quả là nhiều nhà sản xuất sẽ lập lờ phân loại khi mà họ có thể bán sâm trồng với giá của sâm hoang dã.

Các nhà nghiên cứu cũng trình bày một lộ trình khả thi nhằm thúc đẩy canh tác rừng trong khi bảo tồn nhân sâm có nguồn gốc hoang dã. Đầu tiên, cần vạch ra chuỗi giá trị sản phẩm để làm tăng tính minh bạch. "Việc phân tích tính khả thi và xem xét các chuỗi giá trị thay thế để thúc đẩy lợi nhuận của nông dân trồng rừng có thể là một cách để tạo động lực", theo các nhà nghiên cứu.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu khuyến nghị tạo ra một cơ chế cho phép bảo tồn các loài nhân sâm hoang dã còn sót lại. Điều này có thể liên quan đến việc khuyến khích và dạy nông dân bảo tồn nguồn giống gia truyền trong khi phát triển các vườn ươm nhân sâm để sản xuất giống hoang dã.

Họ cũng nhìn thấy cơ hội để nhân sâm trồng trong rừng được bán trên thị trường như một sự thay thế xanh cho các sản phẩm hoang dã, với sự quan tâm ngày càng tăng về tính bền vững trong thực phẩm.

Mặc dù thực tế là tìm hiểu việc bảo tồn nhân sâm, Burkhart hy vọng nghiên cứu có thể gợi ý cho các nhà hoạch định chính sách về thực phẩm và nông nghiệp hướng suy nghĩ về cách tiếp cận, ứng xử với các loài có nguy cơ.

“Không ai muốn nhìn thấy một loài bị tuyệt chủng, và tôi nghĩ đây là cơ hội để xem cách các vùng nông thôn có thể phối hợp tốt hơn với chính phủ thực hiện công tác bảo tồn trong thế kỷ 21”, Burkhart kết luận.

(Theo ModernFarmer)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.