| Hotline: 0983.970.780

GS Đào Thế Tuấn, người luôn bênh vực nông dân

Thứ Ba 08/02/2011 , 09:55 (GMT+7)

 Những năm chiến tranh phá hoại, tôi được cử về Nghệ An “nằm vùng” ba năm liền. Cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân, để hướng dẫn bà con xây dựng hợp tác xã dưới đạn bom Mỹ! Ba năm vất vả, nguy hiểm ấy khiến cho tôi thấu hiểu nguyện vọng sâu xa, thầm kín của bà con đối với ruộng đất. Nhờ vậy, sau này tôi luôn lựa chọn những đề tài thiết thực với ruộng đồng, để dốc lòng nghiên cứu, tránh viển vông, phù phiếm", GS Đào Thế Tuấn nói.

“Đời tôi gắn bó với nông dân”

Tôi đến thăm GS Đào Thế Tuấn vào một ngày giữa thu. Ngôi nhà ông xa trung tâm, nằm trong một ngõ nhỏ giữa phố Trần Duy Hưng, một phố mới của Hà Nội. Ông đưa ra “khoe” với tôi một cuốn sách mới của hai học trò người Pháp, cuốn Khám phá các làng nghề, mười lộ trình quanh Hà Nội (À la découverte des villages de métier au Vietnam, dix itinéraires autour Hanoi). Ngay ở trang đầu, hai tác giả Sylvie Fanchette và Nicholas Stedman đã trang trọng đề: Kính tặng GS Đào Thế Tuấn. Chính GS Tuấn đã gợi ý và hướng dẫn Sylvie, tiến sĩ địa lý học, và Nicholas, thạc sĩ văn chương, viết cuốn sách ấy. Cuốn sách được Nhà xuất bản Thế giới in bằng ba thứ tiếng Pháp, Việt, Anh.

Qua mười lộ trình, hai tác giả Pháp dẫn dắt du khách thăm cụm làng gốm, làng gỗ mỹ nghệ và giấy, làng nghề dát vàng quỳ và thuốc Đông dược, làng tranh dân gian, làng gò đồng, tre hun, làng sơn mài, khắc gỗ và đồ sừng, làng thêu và khảm trai, làng làm đồ tre và đan lát, các làng nghề chế biến nông sản, ... Đó là những tua du lịch văn hoá, thăm chùa chiền, miếu mạo, đình đền, chợ búa, các xưởng nghề, nhà thờ tổ nghề, ... Bên cạnh các bài viết, sách in nhiều bức ảnh đẹp, chân thật.

GS Tuấn mời tôi nếm thử một loại bánh trung thu lạ, nhân bằng cao chè xanh đặc quánh, màu lục thẫm, vị chát ngọt, ăn đỡ ngán.

- Chắc anh thấy đấy, trong nhà tôi - GS Tuấn nói - lủng củng quá nhiều kiểu ấm trà? Tôi đang nghĩ cách làm thế nào để tạo ra nét đặc sắc của trà đạo Việt Nam. Ngày nay, các nhà khoa học trên thế giới đều thừa nhận Việt Nam là một “cái nôi” của cây chè. Những gốc chè cổ thụ ở Suối Giàng, Nghĩa Lộ còn cao tuổi hơn chè ở Trung Quốc. Nhưng, ta chưa chế biến được những loại chè sang trọng, đắt tiền như chè Long Tỉnh, Ô Long… Thưởng trà thường đi liền với toạ thiền, nhập tĩnh.

- Đúng thế - tôi tiếp lời - trà không những được các thiền sư, mà còn được các nho gia, đạo gia ưa chuộng. Nguyễn Du từng viết: Thiền trà cạn chén hồng mai/ Thong dong nối gót thư trai cùng về… . Vậy “thiền trà” có nét đặc sắc gì? “Chén hồng mai” có nghĩa thế nào?

Người đối thoại của tôi, GS Đào Thế Tuấn, trông hao hao giống nhà học giả Đào Duy Anh thuở trước. Tôi từng may mắn được gặp cụ Đào vài ba lần, tại căn phòng chật chội của gia đình tôi, dạo còn ở đầu phố Tràng Thi bên Hồ Gươm, Hà Nội. Dạo ấy, cụ thường ghé thăm cha tôi, một vị tú tài nho học sống ẩn dật. Phong thái của cụ thật khoan thai điềm đạm, dung mạo tiên phong đạo cốt…

Tết Tân Mão này, GS Tuấn bước sang tuổi 81. Tôi chợt nhớ tới bài viết bằng tiếng Pháp Ma vie lie aux paysans mà GS Đào Thế Tuấn đã đọc năm 2003 tại xê-mi-na ở Paris nhân dịp giới nông học Pháp trao tặng ông Giải thưởng René Dumont. Phải rồi, “Đời tôi gắn bó với nông dân”, chính ông đã tóm lược nét nổi bật nhất của đời ông.

- Những năm chiến tranh phá hoại, tôi được cử về Nghệ An “nằm vùng” ba năm liền - GS Đào Thế Tuấn nói - cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân, để hướng dẫn bà con xây dựng hợp tác xã dưới đạn bom Mỹ! Ba năm vất vả, nguy hiểm ấy khiến cho tôi thấu hiểu nguyện vọng sâu xa, thầm kín của bà con đối với ruộng đất. Nhờ vậy, sau này tôi luôn lựa chọn những đề tài thiết thực với ruộng đồng, để dốc lòng nghiên cứu, tránh viển vông, phù phiếm. René Dumont là một nhà bác học Pháp viết nhiều về nông thôn Á, Phi, nổi tiếng thế giới. Đặc biệt, ông luôn bênh vực nông dân. Sau khi ông qua đời, các bạn Pháp lập ra Quỹ René Dumont để trao giải thưởng cho những nhà nông học xuất sắc ở Pháp và trên thế giới gắn bó với nông dân. Tôi cảm thấy rất vinh hạnh khi được nhận giải thưởng mang tên nhà bác học cao quý ấy…

Nông dân yếu thế nhất và ít hưởng lợi nhất 

 

Sau khi về hưu, ông đứng ra sáng lập Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam và được bầu làm Chủ tịch Hội. Sở dĩ cần sự hiện diện của Hội này là vì, trong thời gian qua, việc phát triển nông thôn thường tập trung vào nâng cao năng suất nông nghiệp, mang tính chất thuần tuý kỹ thuật, chưa chú ý đến sinh kế bền vững (sustainable livelihoods) của người nông dân (như việc làm, thu nhập, phúc lợi xã hội). Cho nên, rồi đây, các chương trình phát triển nông thôn phải mang tính tổng hợp hơn, không chỉ tập trung vào phát triển nông nghiệp, mà còn phải phát triển một nền kinh tế nông thôn toàn diện, có sự tham gia của quần chúng, và phải chú ý hơn đến sinh kế của nông dân.

Nông nghiệp là một ngành kinh tế. Nông thôn là các vùng lãnh thổ khác với đô thị. Nông thôn không chỉ có nông nghiệp. Mục tiêu của phát triển nông thôn là phát triển toàn diện cả khu vực nông thôn, chứ không phải chỉ phát triển nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp được giao thêm nhiệm vụ phát triển nông thôn, nhưng thật ra, trong lĩnh vực thứ hai này, một mình Bộ không “kham” xuể, chẳng hạn: sinh kế bền vững của nông dân, bảo hiểm y tế và lương hưu cho nông dân, xây dựng đường sá, trạm điện, trường học, bệnh viện ở nông thôn, ... Đó là những công việc của nhiều bộ, ngành khác.

Hội Phát triển Nông thôn đang cùng Bộ vạch ra nội dung khoa học và chiến lược phát triển nông thôn tổng hợp trong những thập niên tới.

Trong hơn ba thập niên, kể từ sau khi nước nhà thống nhất, là một nhà lãnh đạo Viện Khoa học - Kỹ thuật Nông nghiệp, GS Đào Thế Tuấn cộng tác chặt chẽ với nhiều nhà nông học nổi tiếng ở Pháp trong Chương trình Sông Hồng, thực hiện nhiều dự án hợp tác Việt - Pháp về hệ thống nông nghiệp ở châu thổ con sông này.

Từ vốn hiểu biết rộng và sâu, cũng như từ trải nghiệm của cả cuộc đời, ông vận dụng các lý thuyết mới vào hoàn cảnh nước ta, đề ra một chiến lược phát triển nông thôn tổng hợp, với hy vọng tiến công vào nghèo khổ một cách toàn diện, tạo nên sự phát triển lâu bền ở nông thôn. Ông phê phán khuynh hướng tôn sùng kinh tế thị trường, một khuynh hướng đang ngày càng mạnh ở nước ta.

Đáng lo thay, nông dân hiện là bộ phận yếu thế nhất trong nhân dân, không có quyền mặc cả trên thị trường, không được tham gia quyết định giá cả nông sản, vì thiếu nghiệp đoàn nông dân! Buôn bán với nông dân không công bằng. Quyền lợi của nông dân không được bảo vệ. Nông dân thiếu chủ quyền về đất đai, mất đất mà không ai bênh vực!

Nghịch cảnh thay, nông dân từng là “chủ lực quân của cách mạng giải phóng dân tộc”, và cũng là người đã - lặng lẽ âm thầm khởi xướng công cuộc Đổi mới, nhưng lại ít được hưởng lợi nhất từ Đổi mới!

GS Đào Thế Tuấn lưu ý dư luận nước ta về lời cảnh báo của “phái tả mới” gồm nhiều trí thức ở Trung Quốc như Thôi Chí Nguyên (Đại học Thanh Hoa), Lưu Quốc Quang (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội), ... cho rằng, nếu càng cải cách mà khoảng cách giàu nghèo càng rộng, thì cuộc cải cách đang chệch hướng, có nguy cơ thất bại! Họ đòi hỏi xã hội Trung Quốc giàu hơn, nhưng phải “sạch” hơn, chứ không được “bẩn” hơn!

Kinh tế hộ không dẫn đến chủ nghĩa tư bản

Nhạy cảm trước cái mới, ngay từ năm 1988, GS Đào Thế Tuấn đã vận dụng lần đầu tiên ở nước ta các quan điểm nghiên cứu hiện đại.

Cuốn Kinh tế hộ nông dân của Đào Thế Tuấn được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia in năm 1997. Theo ông, kinh tế hộ nông dân không chỉ quan trọng trong “thời kỳ khoán 10”, mà còn quan trọng trong hiện tại và tương lai. Ở các nước phát triển cao như Mỹ, Pháp, nông dân chỉ còn chiếm khoảng 3-7% dân số, ấy vậy mà họ vẫn đủ sức nuôi sống cả xã hội, lại còn thừa nông sản để xuất khẩu với khối lượng lớn. Sản xuất nông nghiệp hầu như chỉ dựa vào trang trại gia đình. Mỗi trang trại rộng từ 20-30 đến 200-300 héc-ta, thế mà chỉ vài ba người trong gia đình tự mình canh tác lấy, không thuê mướn nhân công. Lao động làm thuê trong nông nghiệp hầu như biến mất!

Trong quá trình công nghiệp hoá, những nông dân giàu hoặc nghèo thường bỏ làng ra đô thị, hoặc để hưởng thụ nhiều lạc thú hơn, hoặc để kiếm việc làm trong công nghiệp, dịch vụ. Trụ vững ỏ nông thôn chỉ còn những hộ trung nông giỏi nghề. Những hộ này mua lại ruộng đất của những người bỏ ra thành phố và dần dà tích luỹ thành trang trại gia đình. Thu nhập của họ cao hơn mức thu nhập trung bình ở thành phố. Họ bám trụ nông thôn là vì họ có thu nhập cao, có sinh kế bền vững.

Theo GS Đào Thế Tuấn, con đường đúng đưa nông thôn nước ta tiến lên, không phải là kêu gọi các nhà doanh nghiệp ngoài nông nghiệp “nhảy vào” đầu tư cho nông nghiệp, bỏ tiền của ra mua ruộng đất của nông dân, mở những trang trại lớn, rồi mướn những người nông dân không còn tấc đất làm thuê cho họ, theo kiểu tư bản chủ nghĩa; mà là giúp các hộ trung nông thạo việc, giỏi nghề, am tường thổ nghi quê cảnh, vươn lên mở mang trang trại gia đình, tự mình canh tác lấy, không thuê mướn nhân công. Đồng thời, phải tạo việc làm mới - phi nông nghiệp cho những nông dân nghèo không còn tham gia sản xuất nông nghiệp, giúp họ di dân hợp pháp ra thành phố, hoặc ở lại nông thôn làm dịch vụ hay công nghiệp nhỏ.

Nhiều nước tôn vinh 

 

GS Đào Thế Tuấn là người viết nhiều - hay nói theo cách các cụ đồ xưa - là học giả “trước tác đẳng thân” (sách chồng cao ngang đầu). Thời sinh viên, ông đã đưa in ở Tashkent (Liên Xô cũ) cuốn sách đầu tiên bằng tiếng Nga, về cây lúa. Trở về nước, theo năm tháng, ông lần lượt đưa in thêm 18 cuốn sách nữa ở nhiều nhà xuất bản lớn.

Ông còn kịp thời công bố hàng loạt bài báo khoa học, giải quyết những vấn đề thời cuộc. Tính đến năm 2005 (năm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh), ông đã in 206 công trình trên các tạp chí tiếng Việt, 36 trên các tạp chí tiếng Anh, 58 trên các tạp chí tiếng Pháp, và 5 trên các tạp chí tiếng Nga. Những con số thật đáng nể!

Chịu ảnh hưởng của cha về khuynh hướng “bách khoa thư”, về lòng ham thích “trước thư, lập ngôn”, bên cạnh các công trình sinh lý học thực vật, ông viết cả những công trình khoa học xã hội: Việt Nam có phải là quê hương cây lúa không? Về nguồn gốc cây lúa ở Trung Quốc; Làng ở vùng châu thổ sông Hồng - vấn đề còn bỏ ngỏ; Từ Mộ Trạch đến lịch sử nông nghiệp đồng bắng sông Hồng; Dân số Việt Nam trong lịch sử; Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ; Nguyễn Ái Quốc với nông dân; Kinh tế hộ nông dân và thể chế tập thể ở Việt Nam; Hệ thống nông nghiệp và vấn đề nghiên cứu xã hội học ở Việt Nam; Văn hoá và phát triển, ...

Các bài viết của ông về khoa học tự nhiên cũng như khoa học xã hội được in trên các tạp chí trong và ngoài nước, được trình bày tại các cuộc hội nghị quốc tế về Việt Nam học, các hội thảo Trường Viễn Đông Bác Cổ (Pháp), các hội nghị khoa học tại Nga, Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Anh, Hà Lan, Thuỵ Sĩ, Canada, Brazil, Cuba, Thái Lan, Senegal, ...

Ông không chỉ được đánh giá cao ở nước ta (Anh hùng Lao động, Giải thưởng Hồ Chí Minh), mà còn được vinh danh ở nhiều nước khác. Năm 1985, Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Lênin (Liên Xô cũ, nay là LB Nga) bầu ông làm Viện sĩ nước ngoài. Chính phủ Pháp tặng ông Huân chương Hiệp sĩ Công trạng Nông nghiệp (hạng ba), rồi Huân chương Sĩ quan Cành cọ Hàn lâm (hạng nhì) và, mới đây Huân chương Chỉ huy Công trạng Nông nghiệp (hạng nhất).

Giới nông học Pháp gọi ông là “cha đẻ của cách mạng xanh ở Việt Nam”.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.