| Hotline: 0983.970.780

Hà Giang có giống bò vàng [Bài 1]: Con bò, cỏ voi thắng cây anh túc

Thứ Năm 17/08/2023 , 14:27 (GMT+7)

Thung lũng Đường Thượng giờ vắng bóng cây anh túc, loài cây từng khiến bao gia đình người Mông khốn khó, giờ đây cây ngô, con bò vàng đã giúp đổi thay vùng đất này.

LTS: Hà Giang có trên 110.000 con bò vàng hay còn có tên gọi khác là bò Mông, gắn bó mật thiết, lâu đời với bà con ở 4 huyện vùng cao nguyên đá gồm Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ. Giống bò vàng Hà Giang có nguồn gen đặc hữu, rất quý, có khả năng chịu lạnh, chịu được điều kiện chăm sóc kham khổ, sức đề kháng tốt, thể trạng to lớn, cho năng suất thịt cao, chất lượng thịt thơm ngon.

Những năm trở lại đây, trong các chương trình, nghị quyết, tỉnh Hà Giang đã đưa con bò vàng trở thành vật nuôi chủ lực trong phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu chỉ dẫn địa lý và phát triển du lịch.

Cây ngô, con bò vàng vực dậy bản làng

Trong mịt mùng mưa chiều, các bản làng ở xã Đường Thượng, huyện Yên Minh đã lên đèn điện. Tiếng chuông bò cũng vồn vã theo những khuẩy tấu cỏ được chủ nhà mang từ trên nương trở về.  

Vàng Mí Vư, cán bộ khuyến nông xã Đường Thượng bảo với chúng tôi rằng, phụ nữ ở Đường Thượng sợ người đàn ông hay say rượu. Làm được đồng nào họ tìm cách cho chui tọt qua nút của chai rượu. Nhưng nó không đáng sợ bằng việc họ nằm lả lướt với cái bàn đèn. Để rồi bao nhiêu gà, lợn, bò cũng chui vào cái bàn đèn mà bay đi mất kéo theo nghèo đói về làm khổ những bà vợ.

Các giống cỏ voi, cỏ VA06... được trồng bạt ngàn trên vùng núi đá Hà Giang để làm thức ăn cho gia súc, trong đó chủ lực là cho bò. Ảnh: Đào Thanh.

Các giống cỏ voi, cỏ VA06... được trồng bạt ngàn trên vùng núi đá Hà Giang để làm thức ăn cho gia súc, trong đó chủ lực là cho bò. Ảnh: Đào Thanh.

Đường Thượng vốn là vùng đất được coi là thủ phủ của cây thuốc phiện (anh túc) trên cao nguyên đá. Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, cây thuốc phiện mọc nhiều trên rừng đá mênh mông và bất tận. Những cây thuốc phiện như có bùa ấy đã khiến những người đàn ông ở Đường Thượng trở nên yếu ớt, sinh ra bao tệ nạn, khiến bao gia đình tan nát…

Đầu năm 1990, nhà nước có chủ trương triệt phá cây thuốc phiện. Bí thư Đảng ủy xã Đường Thượng Hùng Minh Hải nhớ lại, để làm được việc tưởng khó hơn leo hết mấy ngọn núi đá, nhiều năm liền cán bộ phải ăn, ở cùng dân. Lãnh đạo tỉnh cử công an, dân vận nằm vùng. Những đối tượng cộm cán bị xử lý, phải bám vào người uy tín, người có chức sắc và địa vị ở làng bản để tuyên truyền cho dân hiểu, dân nghe và làm theo.

Đường Thượng trước đây được coi là thủ phủ của cây thuốc phiện nay cây ngô, con bò, cây cỏ được thay thế. Ảnh: Đào Thanh.

Đường Thượng trước đây được coi là thủ phủ của cây thuốc phiện nay cây ngô, con bò, cây cỏ được thay thế. Ảnh: Đào Thanh.

Cây ngô, cây đậu tương, cây lạc, cây cải dầu được nhà nước lựa chọn thay thế. Con bò vàng, cỏ voi, cỏ VA06… cũng được mang về vùng đất này để giúp bà con xóa cây thuốc phiện. Người dân nghe theo nhà nước tậu con bò về chuồng nuôi, cây ngô, cây cỏ voi dần dần xanh tốt đầy nương… Mất 10 năm ròng rã, đến cuối những năm 90 cây thuốc phiện mới cơ bản được xóa bỏ. Đến nay, xã Đường Thượng có gần 1.800 con bò, hơn 100ha trồng cỏ voi tại 10 thôn bản. Đường Thượng cũng là một trong những địa phương nuôi nhiều bò vàng nhất huyện Yên Minh.

Sùng Mý Tỏa, thôn Sảng Pả Một có 10 con bò vàng và là hộ nuôi nhiều bò thứ hai ở Đường Thượng. Thấy chúng tôi đến, Tỏa mở cửa rồi niềm nở bật điện sáng khắp nhà và cả khu chuồng bò.

Trước đây cây anh túc làm cho cả làng của Tỏa nghèo khổ. Nhiều đứa trai cùng trang lứa nghiện và đã về với tổ tiên khi còn chưa kịp lấy vợ. Trong khi cán bộ tuyên truyền bảo phải bỏ cây thuốc phiện nhiều hộ dân chưa nghe bố mẹ Tỏa đã tiên phong nhổ bỏ cây thuốc phiện để thay vào đó là cây ngô, cây đậu tương. Khi bò vàng bán được giá, nhà Tỏa cũng nuôi nhiều bò, trồng nhiều cỏ nhất vùng.  

Sùng Mý Tỏa bộc bạch, nhờ nuôi nhiều bò, cái nghèo cũng được đẩy lùi. Bò ở đây bán dễ, thương lái đến tận thôn bản thu mua. Con gầy xấu mang ra trung tâm huyện Yên Minh, Quản Bạ hoặc về thành phố Hà Giang là bán được. Những con mã đẹp hơn được đưa về các tỉnh miền xuôi. Ở Hà Nội nhiều người rất thích ăn thịt bò vàng Hà Giang.

Cơn mưa rừng cuối chiều giờ đã ngớt cũng là lúc đêm tối tĩnh mịch bao phủ trên các bản làng ở Đường Thượng. Tiếng người cười nói bên mâm cơm cuối ngày, tiếng chân bò đạp vào vách chuồng xen lẫn tiếng chuông ngân.

Sùng Mý Tỏa bảo rằng, ở vùng này, sau mỗi trận mưa lớn, ngày mai thức dậy sẽ có nắng to, bao nhiêu cây cối lại bừng lên sức sống, xanh tốt bời bời. Những nương cỏ của người Mông vùng cao nguyên cũng sẽ xanh tốt cùng nắng gió.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Giang kiểm tra diện tích cỏ phục vụ cho việc chăn nuôi đại gia súc tại các địa phương. Ảnh: Đào Thanh.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Giang kiểm tra diện tích cỏ phục vụ cho việc chăn nuôi đại gia súc tại các địa phương. Ảnh: Đào Thanh.

Mỗi cô con gái gả chồng tặng một bò vàng

Nhà của Sùng Chú Ly, thôn Sảng Pả Một, người đàn ông nuôi nhiều bò nhất xã Đường Thượng có một tường rào đá, đi qua cái cổng là vào nhà. Một ngôi nhà làm bằng gỗ, những mảnh gỗ gép lại với nhau đen kịt bởi khói bếp như minh chứng nó đã tồn tại đã bao năm cùng với thời gian.

Khác với những làng Mông ở vùng cao nguyên đá, bản Sảng Pả Một không có nhà trình tường, bởi đất vùng này pha cát nên không làm được nhà trình tường.

Bố của Sùng Chú Ly cũng là một người đàn ông bị nghiện thuốc phiện. Cái nghiện đã khiến nhiều con bò chui tọt qua ống điếu của bàn đèn, đẩy gia đình của Ly nghèo nhất làng, không có nổi một tiếng gà. Bằng ấy ngày tháng đằng đẵng nghèo khổ cứ níu lại trong đầu Ly chẳng thể nào giống như dòng nước lũ trôi qua các đỉnh núi đá được.

Ly và các em mình quyết không nghiện. Ly cũng không uống rượu nhiều như nhiều đứa trai cùng lứa hay những người đàn ông của bản. Ly chăm chỉ làm nương ngô, trồng cỏ và nuôi bò.

Con bò vàng nặng hơn 6 tạ của Sùng Chú Ly. Ảnh: Đào Thanh.

Con bò vàng nặng hơn 6 tạ của Sùng Chú Ly. Ảnh: Đào Thanh.

Ly có hai bà vợ. Một bà vợ Ly lấy về lúc 21 tuổi, nhưng xấu số đã qua đời sau vài năm làm vợ làm chồng để lại cho Ly một đứa con gái còn chưa biết tự lấy mèn mén để ăn. Bà vợ thứ 2 là Vừ Thị Dính, ở thôn Chúng Pả cùng xã Đường Thượng cũng đã qua một đời chồng và có một đứa con riêng.

Bản Sảng Pả Một và Chúng Pả cách nhau khoảng hai cây số. Số nóc nhà còn ít hơn ngọn núi đá nên Ly và Dính đều biết nhau. Nhưng mãi đến Lễ hội Gầu Tào mùa xuân, sau cái va vào nhau khi cùng chơi trò đánh con quay họ mới quen lối về ngôi nhà của nhau.

Tôi hỏi: Cả hai người đã có vợ, có chồng, có con riêng về ở với nhau không sợ cái khổ nhân đôi? Vừ Thị Dính cười: Sợ thì đã không về. Bố của lũ trẻ chẳng uống rượu giỏi như người ta, lại không mê thuốc phiện như người ta. Chỉ biết lo nghĩ làm sao đi làm để có đủ ngô đổ đầy nồi mèn mén, trồng thật nhiều cỏ để nuôi bò rồi lo chu đáo cho lũ trẻ. Người như thế về ở cùng khổ cũng muốn chịu.

Hơn 20 năm ở với nhau, vợ chồng Ly có thêm 4 đứa con chung. Những đứa gái con riêng của anh và vợ mình lớn nhanh như cây ngô gặp mưa xuân. Má ửng hồng màu của hoa tam giác mạch chớm nở. Tối đến có nhiều đứa trai bản ngó nghiêng ở sau bờ rào đá. Ly và vợ mình lần lượt gả chồng cho từng đứa, đứa nào họ cũng tặng một con bò vàng.

Ly và bà vợ mình không phân biệt đứa nào là con riêng, đứa nào là con chung.Ly bảo, cChúng đều là con của vợ chồng Ly. Ở lâu với vợ chồng Ly, ăn cùng nồi mèn mén bao nhiêu năm, cùng lên nương lấy cỏ về cho đàn bò, cùng đón bao nhiêu mùa xuân bên căn nhà gỗ với ông bà tổ tiên chúng đều là con, là cháu nhà họ Sùng.

Con bò đực của gia đình anh Sùng Chú Ly vừa đem về cho vợ chồng anh 2 giải Nhất tại hội thi do UBND huyện Yên Minh tổ chức. Ảnh: Đào Thanh.

Con bò đực của gia đình anh Sùng Chú Ly vừa đem về cho vợ chồng anh 2 giải Nhất tại hội thi do UBND huyện Yên Minh tổ chức. Ảnh: Đào Thanh.

Lấy nhau về, Sùng Chú Ly và Vừ Thị Dính cùng chăm chỉ làm ruộng nương, nuôi bò. Hơn 20 năm trôi qua, sự chăm chỉ ấy đã mang về thêm cho hai vợ chồng họ bao nhiêu là bò.

Đầu năm nay, Sùng Chú Ly vừa bán 6 con bò, được hơn 100 triệu. Anh mua thêm được một thửa đất ở đầu làng và một mảnh nương rộng 4.000m2 để trồng cỏ. Những đồi cỏ ấy giúp Ly nuôi sống thêm bao nhiêu lứa bò vàng. Hiện tại, trong chuồng của nhà anh còn 11 con bò.

Niềm vui nối tiếp niềm vui khi dịp tháng 5 vừa rồi, con bò đực nặng hơn sáu tạ của vợ chồng Ly đạt hai giải Nhất tại cuộc thi do UBND huyện Yên Minh tổ chức. Gồm giải Nhất môn thi “Bò có ngoại hình đẹp” và môn thi “Lực sỹ bò vàng”. Sau hội thi, con bò của Ly vinh dự được chọn để nhân giống với những con bò cái của các bản làng người Mông trong vùng.

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Quảng Trị sẽ hoàn thành gieo cấy vụ đông xuân trước 20/1

Ông Hà Sỹ Đồng, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị ngành nông nghiệp và các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn nông dân hoàn thành gieo cấy trước 20/1.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.