Diện tích chè của Hà Giang được trồng chủ yếu tại 5 huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì và huyện Xín Mần.
Một khu vực sản xuất chè hữu cơ tại huyện Vị Xuyên (Hà Giang). |
Tiểu vùng khí hậu đặc thù đã tạo cho Hà Giang một số thương hiệu chè đặc sản như chè Shan tuyết Lũng Phìn (huyện Đồng Văn), Shan Nậm Ty (huyện Hoàng Su Phì), chè Cao Bồ (huyện Vị Xuyên)… nổi tiếng trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, trên địa bàn Hà Giang tồn tại nhiều vườn chè có độ tuổi hàng trăm năm như quần thể chè cổ thụ tại xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên, chè cổ thụ tại xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì, quần thể chè cổ thụ tại xã Lũng Phìn, huyện Đồng Văn…
Tính đến thời điểm cuối năm 2018, trên địa bàn Hà Giang đã có 1.820ha chè được cấp chứng nhận chè hữu cơ. Tỉnh hiện có 600 công ty, doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh và chế biến chè nhưng chỉ có 1 công ty cổ phần, 3 doanh nghiệp và 2 HTX là chế biến các sản phẩm chè hữu cơ. Sản phẩm chè hữu cơ của Hà Giang sau khi chế biến được sử dụng tiêu dùng trong nội tỉnh và xuất bán nguyên liệu thô đi các tỉnh khác với giá bình quân từ 320.000 - 350.000 đồng/kg.
Đẩy mạnh sản xuất chè hữu cơ, tỉnh Hà Giang đã đề ra chủ trương: Quy hoạch vùng sản xuất chè Shan tuyết hữu cơ, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, HTX xây dựng và mở rộng các vùng chè hữu cơ; lựa chọn 6 doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh đầu tư phát triển và chế biến chè theo tiêu chuẩn chè hữu cơ theo chương trình hợp tác công tư; thành lập 56 nhóm sở thích trồng chè hữu cơ; phát triển sản phẩm chè hữu cơ gắn với quản lý, khai thác hiệu quả Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chè Shan tuyết hữu cơ của Hà Giang.