Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã thông tin trong những bài viết trước, sau hơn 4 năm lưu chứa rác cho Hoành Bồ, Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên, đến thời điểm này khối lượng rác mà các địa phương trên đổ vào dự án Trung tâm Xử lý chất thải rắn (viết tắt là CTR) của Công ty CP Tập đoàn Indevco tại xã Vũ Oai, Hòa Bình (TP Hạ Long) đã lên đến gần 1 triệu tấn.
Do quy trình, thủ tục triển khai dự án không đúng quy định của pháp luật nên đến giờ Indevco vẫn chưa nhận được tiền lưu giữ rác. Điều này đồng nghĩa với việc các địa phương đang có rác lưu chứa tại CTR chưa phải thanh toán một đồng nào cho Indevco.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh về tình hình thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, từ năm 2016 đến nay, các địa phương Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên đang quản lý khoảng 230 tỷ tiền xử lý rác đã thu của dân.
Hiện PV chưa rõ số tiền này được quản lý thế nào, gửi ngân hàng lấy lãi hay vẫn còn nguyên trong "két" của các địa phương?
Trao đổi với PV, đại diện Tập đoàn Indevco cho biết, chi phí tiếp nhận, lưu chứa rác mà Công ty bỏ ra hơn 4 năm qua hết khoảng 120 tỷ đồng. Tuy nhiên, do liên ngành của tỉnh Quảng Ninh đã có ý kiến từ cuối năm 2020 là "đề nghị hỗ trợ của Công ty không không phù hợp với quy định của pháp luật nên không xem xét giải quyết" nên Indevco sẽ không đề nghị thanh toán số tiền này nữa. Còn lượng rác gần 1 triệu tấn trong dự án, Indevco đã có biên bản thống nhất với TP Hạ Long, sẽ bàn giao lại khối lượng rác cho địa phương quản lý, đồng thời Indevco sẽ tặng gần 100 héc ta đất của Công ty cho địa phương để làm nơi lưu chứa rác.
Giá trị 100 héc ta đất mà Indevco tặng cho địa phương ước tính khoảng 200 tỷ đồng gồm tiền giải phóng mặt bằng và san lấp, làm hạ tầng.
Hơn 4 năm indevco làm không công
Dự án Trung tâm xử lý chất thải rắn (CTR) của Tập đoàn Indevco được triển khai theo "quy trình ngược" trong tình thế hết sức cấp bách.
Về quy định, dự án xử lý rác thải phải qua các bước lập quy hoạch, phê duyệt chủ trương đầu tư, lập đánh giá tác động môi trường, thiết kế xây dựng…, giao đất cho nhà đầu tư tiến hành xây dựng; sau khi xây xong phải xin cấp phép để chạy thử, đạt các chỉ tiêu về môi trường mới được nghiệm thu, được phép đi vào hoạt động. Từ đó dự án mới được tiếp nhận rác vào xử lý và tính tiền.
Tuy nhiên, tháng 11/2016, bãi rác Đèo Sen, Hà Khẩu của Hạ Long, Cẩm Phả quá tải, để đóng cửa hai bãi rác này, UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các Công ty thu gom rác đổ tạm vào đất của Indevco - gần nghĩa trang An Lạc (Hoành Bồ, nay là TP Hạ Long), đồng thời động viên Indevco làm Dự án nhà máy xử lý rác để nhanh chóng tiếp nhận và lưu giữ rác của các địa phương vào khu vực dự án.
Như vậy, năm 2016, khi dự án còn trên giấy, Indevco đã phải tiếp nhận rác của các địa phương. Đến năm 2017 dự án mới được phê duyệt đánh giá tác động môi trường. Năm 2018 cơ bản xây xong nhà máy và mãi đến tận tháng 03/2019 tỉnh Quảng Ninh mới có quyết định bàn giao đất cho Indevco làm Dự án CTR.
Do trình tự, thủ tục pháp lý của dự án không đúng quy định như đã nêu ở trên nên phát sinh nhiều rắc rối cho việc tính tiền lưu giữ gần 1 triệu tấn rác hơn 4 năm qua. Bởi tính tiền đốt rác là sai quy định vì nhà máy chưa đốt rác mà tính tiền chôn rác cũng không xong, vì đây không phải là dự án chôn lấp rác. Do đó, sau hơn 4 năm hoạt động, dù đã bỏ ra gần 800 tỷ đầu tư cho dự án nhưng Indevco vẫn chưa thu được một đồng nào.
Hiện tại, rác thải hàng ngày của TP Hạ Long vẫn đang được đổ vào bãi cấp bách của thành phố, nằm trong 100 héc ta đất mà Indevco tặng cho TP Hạ Long.