Theo dự báo năm 2019 ở ĐBSCL lũ nhỏ, mực nước lũ vùng đầu nguồn không cao. Tuy nhiên do trùng thời điểm nước lũ đầu nguồn đổ về và triều cường cuối tháng 9 âm lịch từ hướng biển Đông vào kết hợp mưa to về chiều làm cho mực nước dân cao hơn dự báo. Trên truyến quốc lộ 1A đoạn từ TP Vĩnh Long về TP Cần Thơ tái diễn cảnh ngập lụt. Riêng TP Cần Thơ đa số các tuyến đường phố, nhà cửa nền đất thấp bị ngập sâu, giao thông đi lại ách tắc, khó khăn.
Đoạn đường QL 1A qua Hậu Giang - Sóc Trăng ngập lụt do triều cường (Ảnh: HĐ) |
Xe ô tô dồn ứ kéo dài thành đoàn, có chỗ ngập sâu xe gắn máy không chạy qua được. Trong khi đó một đoạn quốc lộ 1A dài khoảng 500 m giáp ranh giữa 2 tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng cũng ngập sâu khoảng 30-50 cm làm nhiều xe chết máy, giao thông đi lại qua đoạn đường này rất khó khăn.
Đường Nguyễn Việt Hồng, TP Cần Thơ - phố biến thành sông (Ảnh: KC) |
Ông Nguyễn Quý Ninh, Phó Chánh Văn phòng Chỉ huy Phòng chống Thiên tai - Tìm kiếm Cứu nạn (PCTT-TKCN) TP Cần Thơ cho biết, vào lúc 17h ngày 29/9 đỉnh triều cao nhất trên sông Hậu đạt mức 2,22m. Sáng 30/9, vào lúc 5h30 mực nước đo được là 2,25m. Mực nước thực đo cao hơn 15cm so với mực nước dự báo (2,10m). Đây là mức triều cao lịch sử, bởi so cùng kỳ vào mùng 2 tháng 9 âm lịch năm 2018 mực nước đỉnh triều cao nhất tại TP Cần Thơ là 2,23m. Tuy nhiên nước dâng cao và rút nhanh theo triều.
Triều cường dâng cao tại khu nội đô TP Cần Thơ, ngã ba đường Nguyễn Việt Hồng và Phan Văn Trị vào sáng 30/9 (Ảnh: KC) |
Từ giữa tháng 9, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ dự báo vào cuối tháng nước trên sông Hậu sẽ lên 1,9m đến 1,95m, cao hơn báo động III (1,9m) và những ngày sau đó mực nước sẽ còn tiếp tục lên cao xấp xỉ báo động III. TP Cần Thơ hiện đang cập nhật tình hình thiệt hại và diễn biến triều cường trên địa bàn các quận, huyện.