Diện mạo đổi thay
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn (NTM) mới với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của cấp uỷ, chính quyền các cấp, của toàn xã hội, nhất là phát huy sức sáng tạo, tinh thần cộng đồng của nhân dân, diện mạo nông thôn thực sự được đổi mới, đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và các công trình phục vụ phúc lợi công cộng.
Chương trình đã làm thay đổi nhận thức của cán bộ và nhân dân, từ chỗ đa số còn tư tưởng trông chờ vào đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động, tự tin tham gia tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới. Phong trào “chung sức xây dựng NTM” đã trở thành một phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trên phạm vi toàn tỉnh. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp và toàn xã hội, đặc biệt là sự đồng lòng, hưởng ứng của người dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã triển khai hiệu quả vai trò giám sát và phản biện xã hội, phát huy dân chủ, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng xây dựng nông thôn mới.
Ngày 31/12/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định công nhận tỉnh Hà Nam hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020. Cùng đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam tổ chức lễ công bố tỉnh Hà Nam hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020 theo quy định.
Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực nông thôn năm 2020 tăng xấp xỉ 3,7 lần so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh từ 10,68% năm 2010 xuống còn khoảng 2,20% năm 2020, trong đó có 0,65% hộ nghèo đa chiều đã trừ đối tượng bảo trợ xã hội, khoảng cách phát triển giữa nông thôn – đô thị từng bước được thu hẹp.
Cùng đó, các tuyến đường huyện đều được tập trung đầu tư làm mới và nâng cấp đảm bảo đạt chuẩn 100%, ô tô đi lại thuận tiện quanh năm và được duy tu, bảo trì đảm bảo theo quy định. Đường thủy chạy qua địa bàn các huyện đều được lắp đặt hệ thống biển báo đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông. Các bến xe khách tại các huyện đều được quy hoạch, bố trí ở trung tâm, đạt loại IV trở lên và được bố trí điểm dừng, điểm đỗ tại trung tâm các xã dọc theo quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện có tuyến vận tải khách công cộng theo quy hoạch. Đến nay, 100% số huyện đạt chuẩn tiêu chí về giao thông.
Trong giai đoạn 2010- 2020 đã huy động được là trên 30.935 tỷ đồng và 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 06/06 huyện, thành phố.
Hình thành các vùng sản xuất tập trung
Theo quy hoạch vùng huyện đã được UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt và xác định rõ Bình Lục, Lý Nhân là hai huyện trọng điểm về sản xuất nông nghiệp. Cùng đó, huyện Duy Tiên phát triển công nghiệp, dịch vụ; thành phố Phủ Lý là trung tâm phát triển giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, đô thị thương mại dịch vụ, đô thị sinh thái, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao.
Kim Bảng phát triển các đô thị và khu công nghiệp, trung tâm dịch vụ, du lịch trọng điểm của tỉnh. Và Thanh Liêm phát triển công nghiệp đa ngành, công nghiệp chế biến, sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu; phát triển dịch vụ công nghiệp, dịch vụ thương mại từ các định hướng đó các huyện, thành phố, thị xã đã triển khai thực hiện và đã mang lại kết quả góp phần phát triển kinh tế xã hội cũng như nâng cao thu nhập chung của cả tỉnh.
Về phát triển sản xuất nông nghiệp, Hà Nam đã xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung liên kết sản xuất và tiêu thụ với sản phẩm chủ lực lúa chất lượng cao với diện tích lúa khoảng xấp xỉ 27.000 ha; các vùng trồng cây ăn quả với diện tích trên 5.000 ha.
Cùng đó, đã tích tụ, tập trung được gần 1.900 ha ruộng đất để xây dựng 161 mô hình sản xuất lúa, rau củ quả, hoa, cây dược liệu, cây ăn quả tham gia chuỗi liên kết sản xuất nông sản sạch; 59 mô hình ứng dụng cây trồng mới theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm chủ lực; các khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích quy hoạch trên 656 ha.
Hà Nam cũng đã đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, điển hình có thể kể đến Công ty TNHH đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam,...
Bên cạnh đó, Hà Nam cũng đã xây dựng các mô hình Hợp tác xã liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá nông nghiệp chủ lực như rau, củ, quả, thủy sản. Cùng đó, xây dựng những mô hình chăn nuôi bò sữa với 195 trại bò sữa có tổng số 4.037 con. mô hình chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt chất lượng cao trên 28.500 con.Tỉnh cũng đã xây dựng mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ “Sông trong ao” sản xuất theo chuỗi liên kết và nhiều các mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ và thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020.
Năm 2019 UBND tỉnh đã công nhận 18 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh (trong đó có 8 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 10 sản phẩm đạt hạng 3 sao). Còn năm 2020, UBND tỉnh đã phê duyệt 25 ý tưởng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2020. Dự kiến năm 2020 có thêm 15-20 sản phẩm được sếp hạng đạt từ 3 sao cấp tỉnh trở lên.
Xây dựng nông thôn mới được tỉnh Hà Nam xác định là quá trình liên tục, lâu dài có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc và là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, với mục tiêu là không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Theo đó, Hà Nam phấn đấu đến năm 2025 sẽ có ít nhất 01 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao kiểu mẫu; 35 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và 12-15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn sẽ đạt 68 triệu đồng/người/năm trở lên. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo tiêu chí nông thôn mới phấn đấu còn dưới 0,5%. Cùng đó, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải khu vực nông thôn đạt từ 95% trở lên.
Bên cạnh đó, Hà Nam sẽ tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm chủ lực, đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Phát triển mạnh các mô hình liên kết sản xuất với tiêu thụ; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, thành lập các HTX chuyên ngành. Gắn sản xuất với sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất liên kết chuỗi giá trị đạt hiệu quả; tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)…