| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội bàn cách cho lưng người nông dân được thẳng

Thứ Năm 30/07/2020 , 10:30 (GMT+7)

Cấy tay là công đoạn nặng nhọc nhất của nghề nông ngày nay khi nông dân phải còng lưng, cắm mặt xuống bùn trong giá rét của vụ xuân, trong nắng lửa của vụ hè.

Cấy lúa là công đoạn nặng nhọc nhất hiện nay của người nông dân (Ảnh minh họa).

Cấy lúa là công đoạn nặng nhọc nhất hiện nay của người nông dân (Ảnh minh họa).

97% vẫn phải còng lưng cấy

Hà Nội tuy là đầu não về chính trị - kinh tế - văn hóa của cả nước nhưng vẫn có 24 quận, huyện, thị xã sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích trên 195.800 ha trong đó gieo trồng lúa hai vụ 182.982 ha/năm, lớn nhất nhì miền Bắc.

Hiện nay, cơ giới hóa trong sản xuất lúa của thành phố này mới tập trung chủ yếu vào khâu làm đất chiếm trên 95%, khâu thu hoạch chiếm trên 85%, còn gieo cấy mới áp dụng được khoảng 3%, đồng nghĩa với 97% vẫn phải còng lưng cấy.

Theo tính toán, với mật độ cấy 30-40 khóm/m2, tương đương trên dưới 10.000 khóm cho 1 sào Bắc Bộ 360m2 là vài ngàn lần người nông dân phải gập người xuống mặt ruộng. Bởi thế cấy lúa là một trong những nghề khiến cho nông dân bị thoái hóa hệ xương khớp, sa sút về sức khỏe nhanh nhất.  

Vất vả nhưng thu nhập lại thấp nên các nông dân trẻ đang chuyển dịch mạnh mẽ sang các ngành nghề khác như công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ khiến cho nhiều vùng trồng lúa của Thủ đô lâm vào tình trạng bỏ ruộng hoang.

Xác định được vấn đề đó, những năm gần đây, Hà Nội đã định hướng vào giải quyêt khâu yếu nhất hiện nay của cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa: mạ khay, máy cấy.  

Từ năm 2012, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã xây dựng và thực hiện đề án phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2012 - 2016. Ngay năm đầu tiên, đơn vị này trình diễn 20 ha lúa cấy bằng máy tại 4 HTX ở 4 huyện trọng điểm là Ba Vì, Phú Xuyên, Quốc Oai và Ứng Hòa.

Lúc đó, loại máy sử dụng vẫn còn rất nhỏ, Kubota 1,5 mã lực, cấy chỉ được 4 hàng lúa tuy nhiên với 1 ngày làm việc 8 giờ đã cấy được từ 0,8 - 1 ha tương đương bằng giải phóng tấm lưng cho 25 - 30 người vừa cấy và nhổ mạ.

Hơn thế, lúa cấy máy sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất và lợi nhuận bình quân cao hơn lúa cấy truyền thống 6.9 triệu đ/ ha…

Đến năm 2019 toàn thành phố có 330 máy cấy (trong đó có 280 máy cấy lúa 4 hàng, 36 máy cấy lúa 6 hàng và 14 máy cấy lúa 8 hàng), diện tích lúa được cấy bằng máy đạt trên 5.000 ha, chiếm 2,73%.

Vụ xuân năm 2020, do ảnh hưởng bất thường của thời tiết như mưa to, giông lốc kèm theo mưa đá xảy ra trên một số địa phương gây ảnh hưởng không nhỏ đến diện tích mạ đã gieo, vì vậy diện tích lúa cấy bằng máy chỉ đạt 1.956,2 ha, chiếm 2,25%. Đó là những con số vô cùng khiêm tốn so với tiềm lực của Thủ đô.

Gánh mạ ra đồng để cấy tay. Ảnh: Dương Đình Tường.

Gánh mạ ra đồng để cấy tay. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tại sao hiệu quả từ áp dụng máy cấy được đánh giá là khá cao nhưng diện tích lúa được áp dụng cách này lại phát triển rất chậm? Có khá nhiều lý do được chỉ ra.

Thứ nhất là mặc dù đã được dồn ô đổi thửa, song một số địa phương đồng ruộng vẫn còn manh mún, không bằng phẳng, khó điều tiết nước dẫn đến đưa cơ giới hóa khâu gieo, cấy gặp khó khăn.

Thứ hai là nhiều nơi các cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm tới những tiến bộ kỹ thuật mới.

Thứ ba là một số địa phương nhận thức của người dân về lúa cấy máy còn hạn chế, họ vẫn thích cấy mau trong khi cấy bằng máy thưa nên có khi mới áp dụng thử đã xảy ra tranh luận quyết liệt vì sự “không quen mắt” so với thói quen tồn tại từ ngàn đời ấy.

Thứ tư là cơ cấu giống lúa còn dàn trải trong khi nông nghiệp Hà Nội vẫn chủ yếu là nông hộ quy mô nhỏ nên việc đầu tư cơ giới hóa gặp nhiều khó khăn, các loại máy có công suất lớn khó xuống được đồng.

Thứ năm là khâu làm mạ vẫn còn một loạt các tồn tại như giá thể không đảm bảo, mạ gieo không đều dẫn, số dảnh cấy không đều, tốn nhiều công tỉa, dặm…

Thứ sáu là chính sách của thành phố đã ban hành nhưng mức hỗ trợ còn thấp nên không khuyến khích được nông dân mua máy tốt, máy có công suất lớn (ví dụ chi phí đầu tư mua máy cấy 6 hàng trị giá 365 triệu đồng, nhà nước chỉ hỗ trợ 75 triệu đồng…).

Tháo gỡ cách nào?

Nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn trong khâu sản xuất mạ khay để phục vụ cho cấy máy, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ xây dựng mô hình 17 dây chuyền gieo tự động. Với năng suất gieo trung bình của 1 dây chuyền đạt 500 - 600 khay/giờ, cấy đủ cho 2 ha lúa, giúp giảm chi phí sản xuất từ 180 - 200 nghìn đồng/ha so với gieo mạ khay theo phương pháp thủ công bằng giàn đẩy tay.

Ngoài ra, mô hình còn là nơi tham quan học tập cho bà con tại địa phương và nhân rộng ra trong thực tiễn. Tính đến nay toàn thành phố có khoảng 35 dây chuyền gieo mạ khay tự động theo kiểu này và 114 giàn gieo đẩy tay đang hoạt động.

Đồng thời với hỗ trợ xây dựng mô hình dây chuyền gieo mạ tự động, Trung tâm tiếp tục hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất mạ khay.

Năm 2019, hỗ trợ gieo 108.000 khay mạ để cấy máy cho 400 ha lúa/ 2 vụ tại 5 điểm của 4 huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Ứng Hòa và Đông Anh. Các điểm tham gia mô hình được hỗ trợ 50% lượng giống, giá thể, khay nhựa gieo mạ.

Kết quả sau 2 vụ gieo cấy cho thấy lúa cấy bằng máy sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất đạt từ 60 - 62 tạ/ha; chỉ tính riêng chi phí khâu gieo mạ khay, cấy máy so với gieo mạ dược, cấy tay theo truyền thống giảm từ 3,8 - 5,4 triệu đồng/ha.

Mặt khác, gieo mạ khay cấy máy ruộng lúa thông thoáng, giảm sâu bệnh gây hại, giảm chi phí thuốc sâu, thuốc bệnh, góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ được sức khỏe của nhà nông và người tiêu dùng khi tiếp cận được sản phẩm nông sản sạch…

Một máy cấy như thế này có thể giải phóng hàng trăm tấm lưng cho nông dân. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một máy cấy như thế này có thể giải phóng hàng trăm tấm lưng cho nông dân. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tại hội thảo bàn giải pháp phát triển sản xuất mạ khay, cấy máy trên địa bàn thành phố tổ chức ở huyện Phú Xuyên- một trong những địa phương có tỷ lệ lúa cấy bằng máy cao nhất (đạt gần 14%), Sở Nông nghiệp & PTNT đã mạnh dạn đề nghị Hà Nội: Tiếp tục hỗ trợ, giống, vật tư, máy cấy lúa, dây chuyền gieo mạ khay tự động…để khuyến khích mở rộng diện tích lúa cấy bằng máy. Hỗ trợ hình thành mỗi huyện từ 1 - 2 trung tâm sản xuất mạ khay. Tăng mức hỗ trợ để khuyến khích người dân mua máy có công suất lớn, máy tốt (hỗ trợ 50%, tối đa không quá 150 triệu đồng/máy).

Tạo điều kiện cho các hợp tác xã nông nghiệp vay vốn để mua máy. Tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu cho người sử dụng máy móc, thiết bị về kỹ thuật sử dụng, sửa chữa máy, thiết bị nông nghiệp nói chung, máy cấy lúa, dây chuyền gieo mạ khay tự động nói riêng. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân thấy được hiệu quả từ việc đưa cơ giới hóa khâu gieo, cấy…

Các huyện chỉ đạo các xã tạo điều kiện bố trí mặt bằng cho các hợp tác xã nông nghiệp phát triển sản xuất mạ khay. Có cơ chế chính sách riêng của từng huyện khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất mạ khay để mở rộng được diện tích lúa cấy bằng máy.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm