Đó là những lời khuyên của ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp dành cho Hà Nội tại hội nghị công bố quyết định và trao bằng công nhận danh hiệu làng nghề, chứng nhận sản phẩm OCOP cấp thành phố năm 2023, được tổ chức ngày 12/4.
Năm 2023, theo kế hoạch, TP Hà Nội được giao tổ chức đánh giá, phân hạng 400 sản phẩm OCOP nhưng thực tế đã đánh giá, phân hạng được 544 sản phẩm OCOP trong đó có 440 sản phẩm 3 sao, 104 sản phẩm tiềm năng 4 sao của 200 chủ thể.
Sản phẩm được đánh giá xếp hạng OCOP của Hà Nội đa dạng về chủng loại gồm: 280 sản phẩm thực phẩm chế biến chiếm 51,5%; 16 sản phẩm thực phẩm thô, sơ chế chiếm 2,9%; 61 sản phẩm thực phẩm tươi sống, chiếm 11,2%; 16 sản phẩm đồ uống, chiếm 2,9%; 01 sản phẩm thảo dược, chiếm 0,2%; 142 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, vải may mặc chiếm 26,1%; 28 sản phẩm sinh vật cảnh, chiếm 5,1%.
Lũy kế đến nay, TP đã đánh giá, phân hạng và chứng nhận được 2.711 sản phẩm OCOP trong đó có 6 sản phẩm OCOP 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao, 1.220 sản phẩm 3 sao, trở thành điểm sáng và đi đầu của cả nước trong phát triển chương trình OCOP.
Hà Nội đặt mục tiêu cho năm 2024 sẽ tổ chức đánh giá, phân hạng ít nhất 400 sản phẩm mới dự thi. Muốn làm được điều đó, các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các chủ thể đánh giá, phân hạng lại các sản phẩm đã hết thời hạn; hỗ trợ các chủ thể nâng cấp những sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng hàng năm để dự thi nâng hạng sản phẩm OCOP. Để đảm bảo đầu ra cho OCOP, cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại đưa các sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online...