Loa phường "không thể thay thế"
Những ngày qua, thông tin Hà Nội lên kế hoạch khôi phục lại hệ thống loa phường tạo ra sự chú ý trong dư luận. Sáng 27/7, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã họp báo để cung cấp thêm thông tin về vấn đề này.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hương - Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội, hiện nay thành phố có 579 xã/phường/thị trấn, tương ứng với đó vẫn có 579 đài truyền thanh cơ sở. Qua các giai đoạn khác nhau, căn cứ vào nhu cầu và mục tiêu tuyên truyền, loa phường vẫn phục vụ công tác tuyên truyền xuống cơ sở một cách hiệu quả nhất.
Mục đích thông tin cơ sở là phải đến được với người dân. Hệ thống truyền thanh khác với những loại hình truyền thông khác và “không thể thay thế được”. Điều này giúp cho những chủ trương của thành phố, các công việc nội bộ của khu dân cư đến được với nhân dân nhanh nhất. Trong thời điểm có dịch bệnh, hệ thống loa phường đã phát huy vai trò rất lớn trong việc chống dịch.
Cũng theo bà Hương, trước đây ở mỗi địa phương, tổ dân phố lắp đặt những cụm loa lớn từ 5-10 loa thì những hộ dân sinh sống gần đó bị ô nhiễm tiếng ồn lớn. Do vậy, tới đây nếu triển khai sẽ duy trì số lượng loa ít đi, chỉ khoảng 2 chiếc. Trong đó các địa phương căn cứ vào nhu cầu truyền thông, chủ động quyết định số lượng loa và vị trí đặt loa.
Riêng vị trí đặt loa cũng cần tuân theo nguyên tắc tránh những khu vực đã quy định như trường học, khu vực có người già, đoàn ngoại giao… Đồng thời có quy định cả về thời lượng phát loa 15 phút/buổi với những quận nội thành, một ngày không quá 2 buổi, trừ trường hợp đặc biệt (dịch bệnh, ngày lễ phải tuyên truyền đặc biệt - có chỉ đạo của thành phố).
Bà Hương cho rằng với thời lượng 15 phút phát thanh sẽ không gây tiếng ồn, làm ảnh hưởng đến người dân. Trong đó 1 tuần chỉ phát tối đa 5 ngày (trừ thứ 7, chủ nhật).
Loa phường phát những gì?
Về nội dung phát trên loa phường, bà Hương cho biết các thông tin được phát phải thật sự thiết yếu, những hoạt động cụ thể của cộng đồng, thiên tai, hoạt động phòng chống dịch (Covid-19, sốt xuất huyết, cúm, tiêm phòng…). Phải đưa thông tin đến người dân những thông tin cần thiết, hiệu quả.
“Đây là một kênh không thể thay thế được. Nhóm zalo có thể xem, không xem nhưng khi phát trên loa thì người dân sẽ nghe được. Nhiều nước tiên tiến trên thế giới vẫn đang áp dụng và duy trì”, bà Hương nói.
Theo bà Hương, đây là chủ trương lớn của Chính phủ, được cụ thể hóa trong chiến lược của Bộ Thông tin và Truyền thông. Hiện có 20 địa phương đang triển khai, trong đó có Hà Nội.
“Đây không phải là cái gì đó rất riêng mà chúng ta gọi là khai tử hay khôi phục. Hà Nội chưa hề dừng hoạt động của loa phường để phải khôi phục”, bà Hương nhấn mạnh và cho biết sẽ chỉ điều chỉnh cách thức vận hành để loa phường thân thiện với người dân và tránh ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Về mặt kỹ thuật, bà Hương cho biết đã có văn bản quy định rõ nét từ Bộ Thông tin và Truyền thông. Phải xây dựng hệ thống thông tin nguồn từ Trung ương đến địa phương. Khi Trung ương nhấn nút phát tin thì cấp xã phường cũng nhận được thông tin đó. Việc sử dụng các hệ thống truyền thanh mới, có ứng dụng trên nền tảng viễn thông, internet sẽ giảm thiểu và tiết kiệm được nhân lực. Thay vì mỗi xã phường phải có 1 người đọc, một người soạn tin bài thì thông tin có thể chuyển thẳng từ Trung ương xuống qua giọng đọc AI (trí tuệ nhân tạo).
Về những bức xúc của người dân liên quan đến tiếng ồn, bà Hương cho biết, thực tiễn cho thấy, có lúc, có nơi, người dân còn bức xúc với loa truyền thanh phường do nội dung chưa phong phú, chất lượng phát thanh chưa cao, bộ trí khung thời gian, chương trình chưa hợp lý.
Do vậy, thành phố Hà Nội đặc biệt yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động thông tin cơ sở, trong đó có truyền thanh cơ sở, cả về nhân lực và cơ sở vật chất, nhằm cung cấp cho người dân thông tin chính xác, kịp thời, phong phú, chất lượng, chú trọng chuyển đổi số trong hoạt động thông tin cơ sở, làm tốt nhiệm vụ đưa thông tin thiết yếu đến người dân.