| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội chuẩn bị Festival nông sản và làng nghề tại trường đua F1

Thứ Năm 08/12/2022 , 19:51 (GMT+7)

Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ hai năm 2022 sẽ diễn ra trong 5 ngày 14/12-18/12 tại khu trường đua F1 (Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội)

Thành phố Hà Nội vừa qua đã giao Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội mà trực tiếp là Trung tâm Khuyến nông Hà Nội là cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan để tổ chức Festival lần thứ hai năm 2022. Sự kiện này nhằm giới thiệu những thành tựu đạt được trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn của thành phố Hà Nội. Trưng bày, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm sản xuất theo chuỗi, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm làng nghề của Hà Nội. Tôn vinh các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề của Hà Nội và các tỉnh, thành phố.

Hỗ trợ kết nối liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp - Nhà nông. Tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và địa phương quảng bá sản phẩm nông sản, sản phẩm làng nghề, vật tư, máy móc, thiết bị nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm OCOP đã được chứng nhận và các sản phẩm tiềm năng 5 sao của thành phố; giới thiệu mô hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái góp phần gìn giữ nghề truyền thống và duy trì đặc sản địa phương. Kêu gọi hợp tác đầu tư trong nước và quốc tế vào Hà Nội. 

Công tác chuẩn bị đang được Ban tổ chức xúc tiến. Ảnh: Tư liệu.

Công tác chuẩn bị đang được Ban tổ chức xúc tiến. Ảnh: Tư liệu.

Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ hai năm 2022 bao gồm các sự kiện:  Lễ khai mạc từ 19h00 - 21h30 ngày 14/12; Trưng bày, quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại sản phẩm trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn từ 8h00 - 21h00 các ngày với quy mô 15.000 m2 gồm các khu: Khu trưng bày sinh vật cảnh; Khu trưng bày sản phẩm nông nghiệp và làng nghề tiêu biểu, sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội; Khu ẩm thực;

Khu trưng bày sản phẩm đồ gỗ dân dụng và đồ gỗ mỹ nghệ; Khu trưng bày sản phẩm gốm sứ, mây, tre, giang đan; Khu trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác (đồ đồng, đồ mạ, quà tặng…); Khu trưng bày sản phẩm nông nghiệp và làng nghề của các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp; Khu trưng bày máy móc, thiết bị và mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; Khu trưng bày sản phẩm nông sản của các quận, huyện, thị xã; Khu trưng bày, giới thiệu mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn Hà Nội.

Trong khuôn khổ Festival sẽ diễn ra các hội nghị, hội thảo: Hội nghị sơ kết đề án “Phát triển năng lực phân tích và chứng nhận sản phẩm nông nghiệp”; Hội thảo đánh giá kết quả phối hợp đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng nông, lâm, thủy sản với các tỉnh, thành phố; ký kết hợp tác tiêu thụ nông sản và Hội thảo về giải pháp phát triển ngành kinh tế sinh vật cảnh.

Công tác chuẩn bị đang được Ban tổ chức xúc tiến. Ảnh: Tư liệu.

Công tác chuẩn bị đang được Ban tổ chức xúc tiến. Ảnh: Tư liệu.

Bên cạnh đó, Ban tổ chức sẽ tổ chức Hội thi sinh vật cảnh và vinh danh các nghệ nhân. Trưng bày, giới thiệu sinh vật cảnh ba miền. Tôn vinh các nhà khoa học, nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn tiêu biểu trên địa bàn thành phố.

Các sự kiện khác ở lễ hội là không gian văn hóa ẩm thực với quy mô 16 gian hàng ẩm thực của các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ giới thiệu đến khách thăm quan những món ăn truyền thống đặc trưng của Hà Nội như bánh cuốn Thanh Trì, bánh tẻ Phú Nhi, bánh dày Quán Gánh, chè lam Thạch Xá, cốm làng Vòng... Đây sẽ là một trong những sự kiện của Festival nhằm tôn vinh giá trị văn hóa lịch sử nổi bật của các món ăn; quảng bá những nét độc đáo, tinh hoa văn hóa ẩm thực đặc trưng vùng miền của người xưa. Đặc biệt, tại khu ẩm thực sẽ diễn ra trình diễn tay nghề của các nghệ nhân, chế biến các món ăn từ các sản phẩm nông sản của Hà Nội như trình diễn gói giò, pha chế cocktail...

Sân khấu của Festival. Ảnh: Tư liệu.

Sân khấu của Festival. Ảnh: Tư liệu.

Trình diễn tay nghề của các nghệ nhân đến từ các làng nghề nổi tiếng trên địa bàn thành phố Hà Nội: Nghệ nhân Xuân Nguyên trình diễn thêu tranh; Nhóm nghệ nhân Xuân Cường cùng nghệ nhân mây tre đan Nguyễn Văn Tĩnh, nghệ sĩ tết dây Linh cùng kết hợp làm vòng dây đeo cổ, vòng tay, hoa tai và một số sản phẩm khác trên các chất liệu sừng, sơn, mây tre, tơ, chỉ màu; Nghệ nhân làng nghề mây tre đan Phú Vinh trình diễn đan tết các sản phẩm tiêu dùng, phụ kiện thời trang bằng chất liệu mây; Nghệ nhân Đỗ Văn Cường trình diễn tay nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ; Nghệ nhân Vũ Như Quỳnh trình diễn nghề gốm; Nghệ nhân Hương Thủy trình diễn tay nghề làm hoa nghệ thuật từ đất; Nghệ nhân Vũ Huy Mến trình diễn vẽ tranh sơn mài; Nghệ nhân Nguyễn Tiến Cường biểu diễn quy trình làm dép lốp cao su.

Ngoài còn diễn ra các tiết mục biểu diễn văn nghệ dân gian như: Màn múa Giảo long của quận Long Biên; múa lụa của phường Vạn Phúc, quận Hà Đông; múa lân sư rồng của huyện Chương Mỹ; hát chầu văn, hát chèo của huyện Phú Xuyên; điệu múa cổ làng Triều Khúc của huyện Thanh Trì; hát dô của xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai; trình diễn thời trang của Hiệp hội thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội; hát trống quân của xã Khánh Hà, huyện Thường Tín.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

Bình luận mới nhất