| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội có nên trồng nhiều cây phượng?

Thứ Hai 25/07/2016 , 07:39 (GMT+7)

Những ngày qua, người dân Hà Nội xen lẫn cảm xúc băn khoăn và mơ màng về một thành phố sẽ ngập tràn hoa phượng đỏ không chỉ vào mùa hè, mà còn có cả hoa phượng tím quanh năm...

* Đã trồng khoảng 300 cây

Nhắc đến hoa phượng, người ta thường nghĩ ngay đến Hải Phòng, vốn được mệnh danh là thành phố hoa phượng đỏ. Tuy nhiên, những ngày qua, người dân Hà Nội xen lẫn cảm xúc băn khoăn và mơ màng về một thành phố sẽ ngập tràn hoa phượng đỏ không chỉ vào mùa hè, mà còn có cả hoa phượng tím quanh năm...

Hoa phượng sẽ nở quanh năm?

Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm ngày 18/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay, ông rất quan tâm tới vấn đề cây xanh trên địa bàn. "Mỗi ngày tôi dành 30 - 45 phút để cập nhật thông tin về trồng cây của thành phố từ công ty cây xanh", ông Chung nói.

Theo người đứng đầu chính quyền thành phố, Hà Nội đang hoàn thành đề án để phát triển cây xanh trong vòng 20 năm tới và đây là vấn đề chiến lược. Ông Chung chia sẻ, ông đã nghiên cứu rất kỹ trên mạng về vấn đề cây xanh.

Hơn nữa, ông còn trực tiếp đến Melbourne (Australia), một thành phố được công nhận 5 năm liền là thành phố đáng sống nhất trên thế giới; đến Thượng Hải (Trung Quốc) tham dự hội nghị 147 thị trưởng các thành phố lớn trên thế giới để nghiên cứu cách trồng cây xanh của nước bạn.

Cũng theo ông Chung thì lãnh đạo Cty Công viên - cây xanh Hà Nội đã sang Côn Minh (Trung Quốc) để học tập kinh nghiệm. Phía Trung Quốc đã cử 6 giáo sư, tiến sĩ sang giúp Cty về kỹ thuật cắt tỉa, bàn giao phần mềm quản lý, cắt tỉa cây xanh trên 3D, công nghệ tạo rễ để cây phát triển quanh năm.

6 tháng đầu năm 2016, TP Hà Nội trồng được trên 80.000 cây bóng mát, trong đó, trên các phố khoảng 5.000 cây, còn lại trên 75.000 cây là hệ thống rừng và các tuyến đường cao tốc ngoài TP. Năm 2016, Hà Nội phấn đấu trồng 200.000 cây trong kế hoạch trồng 1 triệu cây xanh trong 5 năm. Vừa qua, thành phố đã trồng mới khoảng 300 cây phượng trên dải phân cách ở một số tuyến phố...

Trước thông tin khác nhau về việc trồng cây phượng ở giữa dải phân cách trên các tuyến phố Láng Hạ, Trần Khát Chân, Xã Đàn... ông Chung giải thích, phượng là cây xanh đô thị. Khi nghiên cứu các nhà khoa học trong nước và chuyên gia nước ngoài cũng khuyên nên trồng cây phượng.

“Cây phượng được trồng để tạo bóng mát sang hai bên và sẽ được cắt tỉa thường xuyên chứ không để mọc tự do. Lá phượng nhỏ, rụng có thể trôi xuống cống khi mưa.

Ngoài ra, xe hút bụi đi vệ sinh đường phố cũng hút được lá. Sắp tới, thành phố sẽ phấn đấu trồng cây phượng không chỉ ra hoa mùa hè mà ra hoa quanh năm. Ngoài hoa màu đỏ, phượng còn có màu tím”, ông Chung cho biết.

Còn băn khoăn

Là người Hà Nội gốc, ông Nguyễn Duy Bình ở làng Quan Nhân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân (Hà Nội) bày tỏ quan điểm không đồng tình với chủ trương trồng "phủ kín" cây phượng ở nhiều tuyến phố.

Theo ông Bình, phượng là loài cây tán rộng, có cả rễ chùm và cọc, thân giòn dễ gãy nên dễ dẫn đến tai nạn giao thông trong mùa mưa bão... nên không phù hợp với không gian đô thị chật chội như Hà Nội.

Đồng quan điểm trên, chị Nguyễn Thúy Phương ở quận Đống Đa cũng lo lắng: "Với mật độ trồng dày đặc ở các tuyến phố, tôi e ngại chi phí cây giống, thuê trồng, chăm sóc, cắt tỉa sẽ tốn kém".

Trái với hai ý kiến trên, anh Vũ Duy Tân, bác sỹ Đông y cho biết: "Khi còn học bên Côn Minh (Trung Quốc), tôi thấy loài cây có thân giống cây phượng nhưng cho hoa màu tím mà mấy ngày qua ở Hà Nội người ta đề cập nhiều.

Thực tế quan sát bên Côn Minh, tôi cảm nhận được, đây là loài cây cho bóng mát, hợp với không gian oi bức vào mùa hè; mùa đông hoa tím nở rợp đường, công viên cho cảm giác lãng mạn, thơ mộng vô cùng. Tôi mong mùa đông năm sau, phượng tím nở thì thành phố sẽ đẹp lung linh".

Trước băn khoăn của một số người dân, ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Tổng Giám đốc Cty Công viên - cây xanh Hà Nội cho rằng, ngoài số cây đã trồng, Cty đang tiếp tục khảo sát tại các tuyến phố khác để xem xét trồng nếu hội đủ điều kiện. “Phượng là một trong những cây nằm trong danh mục chủng loại cây xanh đô thị, có tuổi đời trung bình 60 - 70 năm nên phù hợp trồng ở đô thị”, ông Hưng cho biết.

Về lo ngại trồng phượng dễ gãy đổ khi gió bão, ông Hưng cho rằng trước khi tiến hành trồng phượng, Sở Xây dựng Hà Nội đã chủ trì cuộc họp lấy ý kiến của các nhà chuyên môn và đi đến thống nhất phương án.

“Hải Phòng, Đà Nẵng là hai thành phố biển thường đón bão, nhưng tại đây vẫn trồng nhiều phượng mà không hề có vấn đề gì. Ngoài ra, cây cũng được cắt tỉa thường xuyên đề phòng việc gãy đổ”, ông Hưng trấn an.

Trả lời câu hỏi về việc trồng cây to đã bị cắt tỉa cành trước dễ gây nấm mốc xâm nhập làm mục ruỗng thân cây, ông Hưng cho rằng, trồng cây to là lựa chọn tối ưu vì trồng cây to thì thời gian phủ xanh đô thị sẽ nhanh hơn cây nhỏ rất nhiều. Còn việc sợ nấm mốc xâm nhập, đơn vị trồng có phương pháp khoa học và khi trồng tuân thủ đúng kỹ thuật thì không có vấn đề gì.

Xem thêm
[Bài 3] Kinh nghiệm sau những trận dịch

Sau khi trải qua những trận đại dịch và chịu thiệt hại nặng nề, ngành chăn nuôi Thái Nguyên đã rút ra được cho mình nhiều bài học.

Chó hoang cắn 4 người: Lấy mẫu xét nghiệm bệnh dại

Con chó hoang chạy trên đường cắn 4 người bị thương được cơ quan chức năng lấy mẫu đưa đi xét nghiệm bệnh dại.

Quảng Ngãi ban hành đề án phát triển bền vững ngành hàng sắn

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ban hành đề án phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kỳ vọng mô hình du lịch cộng đồng làng nghề muối

BẠC LIÊU Tỉnh Bạc Liêu đặt nhiều kỳ vọng vào mô hình Làng Du lịch cộng đồng Muối thông minh được triển khai tại xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình).

Bình luận mới nhất