Từ 35 triệu đồng/kg nay chỉ còn 2 - 3 triệu đồng/kg
“Cánh thương lái Trung Quốc ăn chực nằm chờ trong thôn, chỉ chờ có rùa con là xuống tiền. Người dân xã Thiệu Hợp cầm tiền đếm mỏi tay. Vậy mà chỉ mới có mấy năm, vật nuôi đặc sản này bán không ai mua, cho không ai lấy”, anh Quản Văn Hải, hộ dân nuôi rùa câm tại xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết.
Anh Hải là một trong số các hộ nuôi rùa câm quy mô lớn tại xã Thiệu Hợp với khoảng 100 cá thể. Nhiều năm về trước anh Hải và nhiều hộ dân tại xã Thiệu Hợp đã phất lên nhờ con đặc sản này.
"Rùa mới nở đã xuất bán được 3,5 triệu đồng/con, có thời điểm giá rùa lên tới 35 triệu đồng/kg vẫn không có hàng để bán. Bởi thế người dân trong xã đua nhau nuôi rùa. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, do thị trường Trung Quốc đóng cửa nên giá rùa tụt dốc không phanh, từ 35 triệu đồng/kg nay chỉ còn 2 - 3 triệu đồng/kg nhưng vẫn không có người mua. Rùa câm từng là con đặc sản đem về thu nhập tiền tỷ, giờ đây vật nuôi này bán chẳng ai mua, nhiều người nuôi còn đem đi cho để đỡ tốn thức ăn và công chăm sóc”, anh Hải cho biết.
Căn nhà 3 tầng khang trang của ông Đỗ Hữu Nhung (69 tuổi) nằm sát triền đê xã Thiệu Hợp cũng từ nuôi rùa câm mà có được. Ông Nhung cho biết, hơn 10 năm trước, ông là một trong 4 người đầu tiên đưa giống rùa câm về nuôi ở xã Thiệu Hợp, mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi vụ. Vậy nhưng, vài năm trở lại đây, ông Nhung đã phải đổi nghề để kiếm thu nhập vì rùa câm bí đầu ra.
Ông Nhung cho biết "cơn sốt" rùa câm kéo dài khoảng 5 năm (2009 - 2014). Cả xã Thiệu Hợp khi ấy có 397 hộ dân thì gần 200 hộ nuôi rùa câm. Nhờ nuôi rùa câm mà nhiều người làm giàu, tích lũy được đất đai, nhà cửa.
"Lúc bấy giờ đất đai ở xã Thiệu Hợp đắt như ở trung tâm huyện, nhà cửa cao tầng mọc lên san sát. Nhiều hộ dân tích lũy được tài sản lớn nhờ rùa câm. Tuy nhiên hiện nay do thị trường không có nhu cầu, số lượng các hộ nuôi rùa câm tại xã Thiệu Hợp đã giảm đáng kể (chỉ còn khoảng 100 hộ). Nhiều người dân vẫn duy trì vật nuôi này và hi vọng thương lái quay lại thu mua", ông Nhung chia sẻ.
Cần định hướng rõ cho con đặc sản
Thanh Hóa hiện có khoảng 2,25 triệu con nuôi đặc sản với các đối tượng phổ biến như lợn rừng, vịt Cổ Lũng, thỏ, rùa câm, nhím, dúi... gồm hơn 1.000 hộ được cấp phép nuôi. Những năm qua, việc phát triển con nuôi đặc sản tại Thanh Hóa có thời điểm phát triển mạnh, tạo thu nhập cao cho bà con nông dân.
Ông Trịnh Quang Tuấn, Trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa) cho biết: “Để phát triển con nuôi đặc sản trên địa bàn tỉnh, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm phối hợp với các địa phương, các hộ dân kiểm tra nguồn gốc vật nuôi, điều kiện nuôi, hướng dẫn các hộ gia đình hoàn tất các thủ tục để gây nuôi.
6 tháng đầu năm 2024, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã cấp thêm 18 giấy phép nuôi con đặc sản. Nhìn chung, các hộ gia đình đã tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật trong việc phát triển con nuôi đặc sản, bước đầu đem lại hiệu quả, thu nhập khá”.
Qua khảo sát cho thấy, nét đặc trưng cơ bản của con nuôi đặc sản là tự phát, thông qua giới thiệu quảng bá mà nhiều người tiếp cận với nghề nên giá các loại con nuôi đặc sản lên xuống là điều khó tránh khỏi. Việc phát triển bền vững con nuôi đặc sản tại xã Thiệu Hợp nói riêng, tại nhiều địa phương trong tỉnh Thanh Hóa nói chung cần có những giải pháp hiệu quả, kịp thời để nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Trọng Cường, Trưởng phòng Quản lý giống và Kỹ thuật chăn nuôi (Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa) cho biết: “Tại Thanh Hóa có nhiều vật nuôi đặc sản được cấp phép gây nuôi và có lợi thế tiêu thụ. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ đối với các vật nuôi này còn hạn chế, chủ yếu trong tỉnh. Để khắc phục hạn chế này, chính quyền địa phương phải định hướng rõ ràng về phát triển các vật nuôi chủ lực, trong đó trú trọng xây dựng thương hiệu vật nuôi đặc sản. Liên kết, đấu nối với các đơn vị để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm…”.
Cũng theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa, về lâu dài, các địa phương cần tuyên truyền, định hướng cho người dân phát triển con nuôi đặc sản phù hợp với điều kiện từng vùng, không chạy theo phong trào, tự phát. Đồng thời, các hộ chăn nuôi cần chủ động liên kết với các đơn vị chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi; tìm hiểu kiến thức về chăn nuôi, tìm hiểu về các đơn vị cung ứng nguồn giống đảm bảo chất lượng, thực hiện các biện pháp về phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cao.
Mục tiêu của việc phát triển con nuôi đặc sản không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi mà điều quan trọng là còn duy trì, bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm ở từng địa phương. Do đó, trên cơ sở quy hoạch, chính quyền địa phương và người dân cần xác định thế mạnh của từng con nuôi đặc sản trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu thị trường để có định hướng phát triển bền vững.