| Hotline: 0983.970.780

Cảnh giác cao độ, bảo vệ trang trại an toàn trước dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Ba 25/06/2024 , 09:08 (GMT+7)

Tỉnh Thái Nguyên đang triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế thấp nhất việc phát sinh các ổ dịch tả lợn Châu Phi cũng như ngăn ngừa bệnh dịch lây lan.

Dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện tại nhiều hộ chăn nuôi thuộc huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: PH.

Dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện tại nhiều hộ chăn nuôi thuộc huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: PH.

Hạn chế thấp nhất các ổ dịch phát sinh

Thời gian qua, bệnh dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Hiện, 2 xã Tràng Xá và Dân Tiến, huyện Võ Nhai có 131 con lợn mắc bệnh và nghi mắc bệnh, với khối lượng tiêu hủy trên 3.200kg.

Theo ông Nông Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Tràng Xá, ngay khi dịch bệnh xuất hiện, chính quyền địa phương đã thông báo rộng rãi trên hệ thống loa truyền thanh để các hộ chăn nuôi chủ động phòng, chống cho đàn lợn của gia đình.

Cùng với đó, địa phương đã phối hợp với ngành chức năng của huyện tổ chức tiêu hủy số lợn nhiễm bệnh và nghi nhiễm bệnh. Xã Tràng Xá đã cấp 3 tấn vôi bột, 96 lít hóa chất cho các hộ chăn nuôi để thực hiện kịp thời việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc khu vực chăn nuôi.

Ngoài ra, ngay khi nắm bắt tình hình dịch bệnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Võ Nhai đã cấp phát 1.300 lít hoá chất khử trùng, tiêu độc và 100 lít hóa chất diệt ruồi, muỗi cho các địa phương trên địa bàn huyện để phòng bệnh.

“Trung tâm cũng đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức 21 lớp tập huấn tuyên tuyền phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi cho các nhân viên thú y và cộng tác viên, trưởng xóm, tổ trưởng tổ dân phố, các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Võ Nhai”, bà Đặng Thị Hiếu, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Võ Nhai cho biết.

Các địa phương đang cùng với người chăn nuôi tích cực thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế thấp nhất việc phát sinh các ổ dịch, ngăn ngừa bệnh dịch lây lan. Ảnh: PH.

Các địa phương đang cùng với người chăn nuôi tích cực thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế thấp nhất việc phát sinh các ổ dịch, ngăn ngừa bệnh dịch lây lan. Ảnh: PH.

Hiện, tổng đàn lợn của huyện Võ Nhai đạt khoảng 38.000 con, chủ yếu chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình. Theo bà Bùi Thị Sen, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai, huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng đến kinh tế của người dân.

“Huyện cũng đã yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh. Đồng thời phải xử lý nghiêm trường hợp giấu dịch, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường làm lây lan dịch bệnh cũng như tích cực tuyên truyền đến người dân chăn nuôi bằng nhiều hình thức…”, lãnh đạo UBND huyện Võ Nhai nhấn mạnh.

Cảnh giác cao độ trước những nguồn lây nhiễm

Hiện nay, những địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chưa có bệnh dịch tả lợn Châu Phi phát sinh, các hộ chăn nuôi cũng đã và đang triển khai các biện pháp phòng ngừa. Điển hình như trang trại lợn với quy mô 60 con lợn thịt 1 lứa của ông Trương Văn Quảng tại xóm Tân Yên, xã Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ.

Với kinh nghiệm chăn nuôi lợn đã gần 20 năm nay, cho đến thời điểm hiện tại, trang trại của ông Quảng chưa từng phát sinh dịch tả lợn Châu Phi do người chăn nuôi luôn tuân thủ nghiệm ngặt, chặt chẽ những biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.

“Lối ra vào cũng như xung quanh chuồng nuôi cần thường xuyên được vệ sinh, khử trùng. Đàn lợn thịt của tôi đều được tiêm vacxin dịch tả lợn Châu Phi cũng như kiểm tra sức khỏe hằng ngày. Đặc biệt, tôi luôn cảnh giác cao độ trước những nguồn lây nhiễm từ bên ngoài thông qua thương lái, phương tiện vận chuyển lợn, cám và những người lạ”, ông Trương Văn Quảng chia sẻ.

Người dân rắc vôi bột khử khuẩn khu chuồng trại của gia đình. Ảnh: PH.

Người dân rắc vôi bột khử khuẩn khu chuồng trại của gia đình. Ảnh: PH.

Theo thống kê, hiện tổng đàn lợn trên địa tỉnh Thái Nguyên đạt khoảng 600.000 con, tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt 46.500 tấn. Thời gian qua, ngoài việc triển khai giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên đã tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nói chung và bệnh dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn nói riêng.

“Ngay sau khi xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi tại huyện Võ Nhai, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh cũng như tổ chức công tác tiêm phòng vacxin đợt 1 trên đàn lợn. Chi cục cũng đề nghị các địa phương tăng cường giám sát, báo cáo dịch bệnh định kỳ trên hệ thống phần mềm của Bộ NN-PTNT. Đồng thời chỉ đạo Đội cơ động của Chi cục tăng cường kiểm dịch động vật, kiểm soát việc vận chuyển động vật…”, ông Đỗ Đình Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên cho hay.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.