Nhiều điểm sáng về chăn nuôi bò
Bên cạnh điều kiện tự nhiên thuận lợi, ngành chăn nuôi bò ở Thủ đô còn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Thành phố và các sở ban ngành liên quan, dư địa phát triển vẫn còn khá lớn. Quy hoạch ngành cùng với định hướng tới cơ cấu trong ngành chăn nuôi được triển khai hiệu quả, đã giúp cho nhiều tiềm năng và lợi thế được khai thác tối đa, qua đó đạt được nhiều sự phát triển đột phá, đặc biệt là trong ngành chăn nuôi bò.
Thông tin từ Sở NN-PTNT Hà Nội, Thủ đô luôn đứng tốp đầu cả nước về tổng đàn và chất lượng đàn gia súc, gia cầm. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao được ứng dụng trong thực tiễn sản xuất.
Số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, đến tháng 9/2022, tổng sản lượng thịt hơi của cả nước đạt khoảng 5,15 triệu tấn, giá trị sản xuất chăn nuôi tăng 5,5% so với năm 2021; với tổng đàn lợn khoảng 281 triệu con, 540 triệu con gia cầm, 6,42 triệu con bò, 2,26 triệu con trâu và 2,8 triệu con dê, cừu.
Hiện tại, Hà Nội có ngành chăn nuôi phát triển nhất cả nước, cũng là nơi tiêu thụ lớn lượng thực phẩm, với nhu cầu 320.000 tấn/năm, tương đương 900 tấn/ngày, để phục vụ 8,4 triệu dân và 2 triệu khách du lịch. Toàn thành phố có tổng đàn gia cầm 40,1 triệu con (nhiều nhất trong số các tỉnh/thành cả nước, 1,41 triệu con lợn (thứ hai cả nước), cùng với trên 130 nghìn con bò (dẫn đầu khu vực đồng bằng song Hồng). Giá trị sản xuất chăn nuôi đạt trên 50% tỷ trọng nông nghiệp.
Đề cập riêng về lĩnh vực chăn nuôi bò, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: “Sau nhiều năm tập trung cải tạo giống bò, nhiều giống mới có năng suất, chất lượng cao đã được đưa vào thực tiễn sản xuất, giúp người chăn nuôi trên địa bàn thành phố có lợi nhuận và thu nhập ổn định. Điển hình là các giống bò chuyên sinh sản như lai Zebu (lai Sind (sin), Brahman (bờ rat man)), Senepol; hoặc các giống bò chuyên thịt như BBB (3 bê), Charolai (Cha rô lai), Angus (An gớt), Wagyu (guây du)...”.
Công tác phát triển giống bò thịt của thành phố đã được định hình rõ nét theo 3 nhóm chiến lược: Nhóm bò thịt năng suất cao (BBB, Charolais, Angus); Nhóm bò thịt chất lượng cao (Wagyu); Nhóm bò kiêm dụng (Red Sind, Brahman, Senepol...). Được biết, Hà Nội là một trong những tỉnh/thành sớm thông qua nghị quyết của HĐND quy định vùng và chính sách cho chăn nuôi. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế đi đôi với phát triển hệ thống dịch vụ, hậu cần, tạo thành mạng lưới phát triển hệ thống dịch vụ liên kết giữa các tỉnh.
Bên cạnh những lợi thế từ tự nhiên và sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, Hà Nội luôn coi khoa học công nghệ là động lực phát triển, là lực lượng sản xuất quan trọng để tạo những bước đột phá cho những sản phẩm chất lượng và giá trị cao, có tính cạnh tranh trên thị trường. Từ đó có những chính sách cho phát triển chăn nuôi kịp thời, tiếp thu nhanh những tiến bộ kỹ thuật về giống, đặc biệt là việc áp dụng công nghệ cao, hiện đại, đồng bộ và khép kín nhằm nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm, phát huy tiềm năng và thế mạnh của mỗi huyện.
Đặc biệt, toàn thành phố đã xây dựng 15 vùng chăn nuôi chuyên canh, gồm: 2 vùng chăn nuôi bò sữa, 4 vùng chăn nuôi lợn và 9 vùng chăn nuôi gia cầm; có nhiều mô hình thực hiện nông nghiệp tuần hoàn có hiệu quả như ở Ba Vì, Sơn Tây...
Hiện nay, 9/13 cơ sở giống gốc gia súc, gia cầm của Bộ NN-PTNT đang được đặt ở Hà Nội. Trong đó đáng chú ý là 2 trung tâm sản xuất tinh bò với những giống bò cao sản của thế giới, tỷ lệ thụ tinh nhân tạo cho bò thịt chiếm 85%, 100% cho bò sữa, cung cấp cho sản xuất trên 50 nghìn con bò giống hướng thịt, 30 nghìn con bê sữa, 4 triệu lợn giống, 100 triệu gia cầm và hàng triệu liều tinh bò.
Vượt qua nhiều thách thức để phát triển
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến: Ngành NN-PTNT những năm qua phải thực hiện kế hoạch trong điều kiện đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt sự tăng giá vật tư đầu vào, nhất là thức ăn chăn nuôi tăng 30 - 40 %.
Mặc dù vậy, ngành chăn nuôi đã nhận được sự chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước, cùng với chiến lược phát triển ngành phù hợp, Bộ NN-PTNT cùng với các bộ, ngành và địa phương đã triển khai các kế hoạch sát với thực tế. Vì thế, ngành chăn nuôi vẫn duy trì phát triển với tốc độ 4 - 6%; giá trị sản xuất tăng từ 20,35% lên 25,2% tỷ trọng nông nghiệp.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng cho biết kế hoạch sản xuất năm 2022 dự kiến ngành chăn nuôi sẽ tăng trưởng 5 - 6% so với năm 2021; đạt trên 18,4 tỷ quả trứng gia cầm, trên 1,25 triệu tấn sữa, cơ bản chủ động được nguồn thực phẩm cho tiêu dùng, một phần cho xuất khẩu.
Đánh giá cao điểm sáng Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng: “Hà Nội đã chủ động sản xuất đáp ứng trên 80% nhu cầu của tiêu dùng cả thành phố về trứng, 60% nhu cầu thịt lợn và gia cầm, 20% về thịt bò. Chính vì chăn nuôi của Hà Nội phát triển nên những lúc khó khăn nhất như thời điểm giãn cách xã hội thì Hà Nội vẫn cơ bản chủ động được nguồn thực phẩm cho tiêu dùng”.
Để ngành chăn nuôi cung cấp được các sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và nhu cầu của các nhà máy chế biến, xuất khẩu, có đủ điều kiện để cạnh tranh được với sản phẩm chăn nuôi của các nước trên thế giới và khu vực, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề nghị các cấp chính quyền của thành phố Hà Nội, các sở, ngành liên quan tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Đáng chú ý là: Tiếp tục tuyên truyền thể chế quản lý của ngành chăn nuôi, các luật, nghị định, thông tư, hoàn thiện hệ thống thú y chiến lược.
Chăn nuôi an toàn sinh học, theo hướng hữu cơ, đặc biệt chú ý công tác giống, phương thức chế biến phụ phế phẩm làm thức ăn dinh dưỡng. Tăng cường kiểm soát giết mổ, giám sát an toàn thực phẩm để đảm bảo sức khoẻ cộng đồng. Kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kinh tế tuần hoàn.
Phát huy lợi thế của Hà Nội có 150.000 ha đồi gò, 155 bãi phù sa, đẩy mạnh phát triển gia súc ăn cỏ, đặc biệt là bò thịt. Đây cũng là đối tượng thực hiện giải pháp nông nghiệp tuần hoàn tốt nhất để nâng cao hiệu quả và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tiếp tục nâng quy mô, năng suất và chất lượng đàn bò.
Tăng cường chế biến sâu để nâng cao giá trị của sản phẩm chăn nuôi. Xây dựng mã định danh cho các cơ sở chăn nuôi phục vụ truy xuất nguồn gốc, sản phẩm sản xuất theo chuỗi không những trong phạm vi Hà Nội mà cả với các tỉnh có vùng nguyên liệu, quản lý bằng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Phát huy lợi thế của các giống vật nuôi bản địa, tiếp tục xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm, gắn với du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, tư duy theo hướng làm nông nghiệp công nghệ cao và công nghệ 4.0, lấy đổi mới khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực, phát triển tư duy kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh để mang lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng.