Theo bà Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Nội, từ cuối tháng 4/2020 đến tháng 5/2021, thành phố đã hỗ trợ cho tổng số 515.515 người thuộc các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với số tiền hơn 608 tỉ đồng.
Thông qua việc triển khai chính sách, các cơ quan chức năng, trong đó Sở với vai trò chủ trì thực hiện, đã rút ra bài học sâu sắc: Phải rõ tiêu chí, rõ đối tượng thì nguồn lực hỗ trợ mới đến đúng người cần trợ giúp. Điều gì tốt nhất cho người lao động, Hà Nội sẽ áp dụng, đồng thời đưa nguồn lực đến đúng đối tượng, tạo điểm tựa cho người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn.
Tiếp đó, Hà Nội triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội năm 2021 theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết ngay sau khi nhận được Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng, Sở đã thành lập tổ công tác và phân công trách nhiệm cho các thành viên.
"Hiện, nội dung dự thảo quyết định lần thứ nhất đã hoàn thành và được gửi đến các Sở, ban, ngành chức năng, các địa phương lấy ý kiến góp ý. Chậm nhất đến cuối ngày 16/7, Sở sẽ tiếp thu ý kiến góp ý để hoàn thiện, sau đó trình UBND thành phố xem xét, ban hành", bà Bạch Liên Hương thông tin.
Đồng thời, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cũng đã thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, phản ảnh và kiến nghị của người dân trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người lao động và người sử dụng lao động.
Về đối tượng hỗ trợ, riêng với các hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19, trước khi có Nghị quyết 68/NQ-CP, Hà Nội đã thống nhất chủ trương hỗ trợ cho đối tượng này, do Cục Thuế TP. Hà Nội chủ trì thực hiện.
Đối với nhóm lao động tự do, đối tượng ưu tiên đề xuất hỗ trợ là người lao động làm công việc tự do, bị ảnh hưởng về việc làm tại những địa bàn phải cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19 theo quyết định của các cơ quan có thẩm quyền.
Cùng với đó là những người làm các công việc không có giao kết hợp đồng lao động tại những địa điểm, lĩnh vực có thời gian dài phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND thành phố và các địa phương như: bán nước vỉa hè, cắt tóc, gội đầu, spa… Người được hỗ trợ phải có hoàn cảnh khó khăn, không phải tất cả lao động tự do đều được hỗ trợ.
Trước đó, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm trong lĩnh vực người lao động, người có công và xã hội và thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP (gói 26.000 tỷ đồng) và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, ngày 14/7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết mới có 33/63 tỉnh thành báo cáo kế hoạch hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19 dù Nghị quyết 68 đã được Chính phủ ban hành cách đây 1 tuần.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ngoài các tỉnh như Đồng Nai ban hành quyết định hỗ trợ lao động tự do từ ngày 13/7, Long An từ ngày 12/7... thì nhiều địa phương triển khai rất chậm, trong đó có TP. Hà Nội. Theo đó Bộ trưởng yêu cầu các địa phương cần giảm bớt thủ tục, giấy tờ để tiền hỗ trợ đến người dân sớm nhất.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhắc nhở: "Hà Nội triển khai Nghị quyết 68 đến nay là chậm. Hết tháng 7 mới triển khai xong thủ tục hành chính là chậm trễ. Thủ tục hành chính mức độ thôi. Nghị quyết 68 và Quyết định 23 đã quy định rất rõ, rất thông thoáng.
"Hai ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội đã có hướng dẫn cụ thể. Tinh thần là Bộ không ban hành văn bản, thủ tục hành chính gì nữa. Do đó, Hà Nội phải chủ động triển khai. Khó như triển khai hỗ trợ lao động tự do như Nghị quyết 42 mà còn triển khai được thì không có lý do gì Hà Nội không làm tốt được", Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH lưu ý đối với TP. Hà Nội.