| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội huy động cầu phao 60 tấn vượt ngập

Thứ Sáu 07/11/2008 , 22:21 (GMT+7)

Quốc lộ 32 tại đập Phùng (huyện Đan Phượng) vẫn ngập sâu dưới 1,5m, giao thông tuyến Nhổn - Sơn Tây tê liệt.

Đêm 6/11, Quốc lộ 32 tại đập Phùng (huyện Đan Phượng) vẫn ngập sâu dưới 1,5m, giao thông tuyến Nhổn - Sơn Tây tê liệt. Trong đêm, Bộ Tư lệnh Công Binh đã phải bắc cầu phao dài 150m, nặng 60 tấn để vượt lụt.

Đã bước sang ngày thứ 7 của trận "đại hồng thủy", Hà Nội đã hửng nắng, nước nhiều nơi đã rút hẳn. Tuy nhiên, tuyến Quốc lộ 32 huyết mạch giữa TP. Sơn Tây đi Nhổn tiếp tục bị chia cắt, tại Km24+800 (thuộc huyện Đan Phượng), hơn 150m đường vẫn chìm dưới độ sâu trung bình 1,2m.

 
Từ trưa 6/11, Lữ đoàn Công binh vượt sông 249, (thuộc Bộ Tư lệnh Công Binh) đã huy động 4 chiếc thuyền VSN 150Ket để chở người qua đoạn đường này.

Trung úy Nguyễn văn Dũng kể, suốt buổi chiều đến đêm 6/11, khi anh cùng các đồng đội kéo thuyền đưa dân vượt lụt, nước vẫn ngập đến cổ, khoảng 1,4m và cả buổi chiều dường như không hề có dấu hiệu rút.

"13h đến 19h30 cùng ngày, 4 chiếc thuyền của chúng tôi chở được 140 chuyến, mỗi chuyến khoảng 12 lượt xe máy, tổng cộng có 1126 lượt người và xe máy vượt qua được, nhưng không xuể. Hàng ngàn người dân khác đã phải qua đây bằng thuyền dịch vụ tự phát với giá 70ngàn/người và xe vào buổi chiều và giá này vào ban đêm là 150ngàn", Trung úy Dũng nói.

Tung tá Tô Tiến Toàn, Trợ lí Chính trị Lữ đoàn 249 cho biết, trước tình hình nước rút quá chậm và ách tắc của tuyến đường, đúng 19h30, Lữ đoàn 249 nhận được lệnh từ Binh chủng "phải bắc cầu phao chuyên dụng vượt lụt", Chỉ huy Trưởng của "chiến dịch" là Đại tá, Lữ đoàn Trưởng Nguyễn Đình Phương.

Lập tức, lực lượng của Tiểu đoàn 1, Lữ 249 với 60 chiến sĩ, 24 xe KpaB chở 24 đốt cầu, 2 xe Zin chở đốt mố được huy động, di chuyển hơn 50km từ TP. Sơn Tây về thị trấn Phùng ngay trong đêm cho kịp bắc cầu phao PMP nặng 60 tấn, dài 150m, rộng 8m đủ cho 2 làn xe ô tô.

Thượng tá Nguyễn Hữu Hùng, Chỉ huy lực lượng trực tiếp bắc cầu cho hay, trên lí thuyết, để bắc một chiếc cầu như vậy phải mất 6 tiếng, độ sâu của nước cũng phải từ 2m trở lên. Song, trong tình trạng cấp bách, cầu phao đã hoàn thành vượt thời gian 2 tiếng. "Hạ thủy lúc 22h10p, đến 2h sáng ngày 7/11 thì thông cầu và đón chuyến xe vượt lụt đầu tiên qua cầu vào 4h30", Thượng tá Hùng nói.

Từ 4h30 đến 11h30  ngày 7/11, cầu phao đã giúp hơn 400 lượt ô tô và hàng ngàn lượt xe máy, người đi bộ vượt qua đoạn đường này.

"12h giờ trưa 7/11, điểm ngập sâu nhất tại Km 24+800 còn ở mức 1,2m, Lữ đoàn tiếp tục giúp dân vượt lụt cho đến khi nhận lệnh mới", Chính trị viên Lữ đoàn 249 nói thêm.

Đây là lần đầu tiên người Hà Nội được qua cầu phao chuyên dụng kể từ sau lần "vượt" sông Hồng bằng cầu phao Khuyến Lương, trong dịp cầu phao Khuyến Lương được huy động để giảm tải cho cầu Chương Dương tại SeaGames 22, năm 2003.

Trung tá Tô Tiến Toàn còn cho biết, trước khi hạ thủy, theo báo cáo của các trinh sát, toàn bộ cọc tiêu hai bên đường bị chìm sâu trong nước, nhưng điểm ngập nước sâu nhất cũng chỉ 1,5m, thấp hơn 0,5m so với điều kiện hạ thủy. Thông thường, nước sâu đủ 2m thì xe đỗ mố cầu và dễ dàng rút đi. Còn đêm qua, do nước không đủ tiêu chuẩn nên khi đổ, mố cầu xe bị "mắc cạn" do chạm đất (đáy). Tuy nhiên, các lượng lượng và phương tiện chuyên dụng đã được hỗ trợ và cầu được hoàn thành vượt thời gian cho phép tới 130 phút.

Xem thêm
Chủ động với các kiểu thiên tai nguy hiểm giai đoạn chuyển mùa

Bến Tre Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre có công văn yêu cầu chủ động phòng tránh, ứng phó các kiểu thiên tai giai đoạn chuyển mùa.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đề xuất xây cầu 3.500 tỷ đồng nối Bến Tre và Trà Vinh

Trà Vinh Dự án cầu Cổ Chiên 2 với vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2030.

'Vườn treo' Nậm Pồ: Nghị quyết hồi sinh vùng đất khó

Khu nhà màng trồng rau trải dài theo những ngọn đồi nhấp nhô, từng bị bỏ hoang, nay trở thành nguồn cung cấp rau xanh cho hơn 16.000 học sinh của huyện.