Nuôi gà mía thả vườn
Nhiều người dân TP Sơn Tây (Hà Nội) cho biết, giống gà mía đã có ở đây từ lâu đời, nhưng trước chỉ phát triển nhỏ lẻ ở một số hộ gia đình vùng Đường Lâm. Do gà nuôi theo kiểu truyền thống thả vườn, thời gian nuôi mỗi lứa thường kéo dài 4-5 tháng nên thịt gà mía chắc, đậm, thơm ngon, bổ dưỡng được nhiều người ưa thích.
Giá bán gà mía thương phẩm tại chỗ thường cao hơn hẳn các giống gà khác từ 20-30 ngàn đồng/kg nên đây cũng là một nguồn thu không nhỏ của người dân Sơn Tây. Theo thống kê của Phòng Kinh tế Sơn Tây, hiện nghề chăn nuôi gà mía thuần chủng đã phát triển đến 27 xã, phường của thành phố và một số huyện khác như Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai với gần 5.000 hộ gia đình tham gia.
Chỉ tính riêng thành phố Sơn Tây đã có gần 300 hộ chăn nuôi gà mía với qui mô tập trung đạt từ 100-300 mái sinh sản hoặc 300-500 con gà thương phẩm mỗi lứa. Nhiều hộ đã tự lắp đặt máy ấp nở trứng để chủ động nguồn giống thuần chủng cung cấp cho các hộ trong khu vực. Chúng tôi đến gia đình anh Lê Văn Thiết ở xã Xuân Sơn, một trong những hộ chăn nuôi gà mía lớn của thành phố khi anh vừa xuất xong lứa gà giống và gà thịt đầu tiên với trên 500 con mái sinh sản và trên 200 con gà thịt thu về gần 270 triệu đồng.
Anh Thiết cho biết: Tuy phải đầu tư vốn ban đầu tương đối lớn nhưng gà mía dễ nuôi, giá cao, dễ bán, hiệu quả gấp 2-3 lần so với nuôi các giống gà khác. Kinh nghiệm của anh Thiết là mua giống chuẩn của những cơ sở ấp trứng có uy tín, cho ăn đầy đủ bằng các loại thức ăn có sẵn như thóc, ngô, khoai, sắn, rau, cỏ, côn trùng… và nuôi cách ly trong các vườn trại có rào chắn sẽ ít bị dịch bệnh, gà lớn nhanh, khỏe mạnh.
Được biết, thành phố Hà Nội đang có chủ trương khuyến khích bà con nông dân và các cơ sở chăn nuôi gia cầm lớn trong vùng chú trọng khôi phục phát triển chăn nuôi giống gà mía đặc sản của vùng Đường Lâm - Sơn Tây đến các vùng núi, đồi gò của 4 huyện, thành phố phía Bắc nhằm tăng nhanh số lượng để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là phục vụ Tết Kỷ Sửu sắp tới.