Như vậy, số ca mắc cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Bệnh nhân phân bổ tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố, số bệnh nhân ở các quận nội thành ít hơn so với các huyện ngoại thành.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội dự báo, thời gian tới, dịch sốt xuất huyết vẫn có những diễn biến phức tạp, số ca mắc vẫn ghi nhận ở mức cao.
Ngành Y tế Hà Nội đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết một cách quyết liệt ngay từ sớm, từ xa, từ đó có những chỉ đạo kịp thời. Hiện, dịch sốt xuất huyết vẫn trong tầm kiểm soát, với sự vào cuộc tích cực, chủ động của các cấp, chính quyền địa phương và người dân.
Về nguyên nhân dẫn đến số ca mắc sốt xuất huyết tăng vọt trong thời gian qua, bà Trần Thị Nhị Hà cho rằng, với đặc điểm của thời tiết hiện nay thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh. Bên cạnh đó, từ đầu tháng 10 số lượng học sinh, sinh viên các tỉnh, thành phố về Hà Nội nhập học đông, tiềm ẩn nguy cơ mắc sốt xuất huyết rất cao. Ngoài ra, chu kỳ của dịch sốt xuất huyết sẽ bùng phát thành dịch sau 5 năm một lần.
Trước đó, dịch sốt xuất huyết lớn nhất gần đây là vào năm 2017, và theo chu kỳ năm 2022 sốt xuất huyết có thể lại bùng phát thành dịch.
Tại một số quận, huyện vẫn còn ổ dịch sốt xuất huyết được phát hiện muộn, ổ dịch kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm nên số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tăng lên.
Cũng theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, do không ít người dân lơ là, chủ quan, khi có những triệu chứng nghi ngờ, sốt chưa tìm đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh diễn biến nặng và có thể dẫn đến tử vong.
Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị trong ngành thực hiện tốt công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân biết về sốt xuất huyết, các dấu hiệu cảnh báo nặng cần tái khám ngay và thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, phun, diệt muỗi, phòng muỗi đốt.
Hà Nội đã tổ chức tập huấn cho các bệnh viện công lập và ngoài công lập về phác đồ điều trị, cập nhật những kiến thức về sốt xuất huyết Dengue.
Còn đối với các bệnh viện, ngành Y tế thành phố đã thực hiện phân luồng, phân tuyến để phù hợp với mức độ bệnh nhân nặng, nhẹ và chuyển tuyến an toàn.
Sở Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện đảm bảo đủ hóa chất, vật tư tiêu hao, thuốc,… trong thu dung, điều trị người bệnh theo đúng quy định.
Đặc biệt, trong hoạt động điều trị sốt xuất huyết tại cơ sở y tế cần đảm bảo đầy đủ dung dịch cao phân tử, dịch truyền, máu và các loại thuốc khác để điều trị kịp thời cho bệnh nhân", bà Hà nhấn mạnh.
Thành phố Hà Nội cũng đã phát động chiến dịch phòng, chống sốt xuất huyết và tổng vệ sinh môi trường trên toàn địa bàn thành phố và các quận, huyện đã hưởng ứng triển khai chiến dịch này góp phần hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại địa phương.
Với dịch bệnh sốt xuất huyết như hiện nay, bà Hà cho rằng giải pháp quan trọng nhất là công tác tổng vệ sinh môi trường, tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm ổ dịch và bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, để có những phương án xử lý kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan ra cộng đồng.
Sở Y tế cũng đề nghị các địa phương vào cuộc phòng, chống dịch sốt xuất huyết tương tự như dịch Covid-19. Với các trường học, cần có kế hoạch, giải pháp cụ thể, truyền thông mạnh mẽ để giáo viên, học sinh, phụ huynh cùng vào cuộc phòng, chống dịch trong trường học.
Đồng thời, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú tới từng hộ gia đình, các trường học, tuyên truyền để người dân không nên chủ quan, phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh, khi có những dấu hiệu nghi ngờ mắc sốt xuất huyết thì cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời", bà Hà nhấn mạnh.
Bà Trần Thị Nhị Hà cũng đưa ra khuyến cáo, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết, để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, lan rộng, kéo dài, mỗi người dân và cộng đồng cần thực hiện những hành động đơn giản nhưng rất thiết thực và quan trọng để phòng chống dịch.
Mọi người cần tuân thủ đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn;
Thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa, bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.