| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội sẽ là 'thủ phủ' giống bò BBB?

Thứ Năm 31/12/2015 , 07:15 (GMT+7)

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, dự án lai tạo giống bò BBB trên nền bò cái lai Sind thành bò lai F1 hướng thịt đang triển khai xây dựng thương hiệu bò thịt Hà Nội.

Nếu tính hiệu quả thu được từ dự án lai tạo giống bò BBB trên nền bò cái lai Sind thành bò lai F1 hướng thịt trên địa bàn Hà Nội từ năm 2012-2015, với tổng số 22.164 bê lai F1 BBB sinh ra, thì giá trị sản lượng chăn nuôi đạt trên 400 tỷ đồng, giá trị gia tăng đem lại cho bà con nông dân từ nuôi bê F1 BBB so với giống khác gần 200 tỷ.

Mặt khác, dự án đã giải quyết việc làm cho hơn 10.000 hộ nông dân, điều này đã mang lại hiệu quả to lớn về mặt xã hội, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Ứng dụng công nghệ cao cấy phôi bò BBB

Tại Hội nghị sơ kết dự án “Ứng dụng kết quả nghiên cứu lai tạo giống bò BBB trên nền đàn bò thịt lai Sind thành đàn bò lai F1 hướng thịt”, ông Bùi Đại Phong, GĐ Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hà Nội cho biết, năm 2015, đàn bò cái nền của dự án đã đi vào ổn định.

Đặc biệt, với 3 mô hình mẫu tại các huyện Quốc Oai, Ứng Hòa và Thạch Thất với quy mô 50 bò cái nền trong giai đoạn 2012-2014, các hộ tham gia mô hình đều nhận thấy đây là cơ hội để ứng dụng công nghệ, tăng năng suất chăn nuôi, tăng hiệu quả đầu tư. Do đó, ngoài nhận hỗ trợ theo chính sách của dự án, các hộ đều sẵn sàng đầu tư thêm để thực hiện mô hình.

Đối với mỗi mô hình vỗ béo bê F1 sau cai sữa trong 18 tháng được thực hiện tại các huyện Ba Vì, Phú Xuyên, huyện Sóc Sơn và Công ty giống gia súc Hà Nội (quy mô 70 con và 5 hộ tham gia). Các hộ thực hiện mô hình đều cho kết quả tốt, đàn bê tăng trọng nhanh, đảm bảo theo yêu cầu dự án, tăng trọng bình quân đạt 28 kg/con/tháng.

Bên cạnh đó, ngay từ khi được UBND TP phê duyệt dự án, Công ty Giống gia súc Hà Nội đã triển khai mô hình ứng dụng công nghệ cao cấy phôi bò BBB trên nền đàn bò lai HF để tạo bê thuần BBB.

Đến thời điểm hiện tại, đã tổ chức cấy 50 phôi. Bò mẹ mang thai đều, đã có 2 bê thuần sinh ra, trọng lượng sơ sinh 40-42 kg, cả hai con đều là bê cái, bê sinh ra trọng lượng sơ sinh lớn nên cả hai bò mẹ đều phải can thiệp mổ đẻ. Hiện tại hai bê cái đều sinh trưởng tốt, tăng trọng nhanh (trên 30 kg/tháng).

Ông Bùi Đại Phong cũng chia sẻ, xác định công tác phối giống, nhân giống bò là nhiệm vụ trọng tâm của dự án, việc thực hiện tốt nội dung này sẽ đem lại lợi ích, hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi, nên công ty đã tập trung thực hiện tốt các giải pháp như bình tuyển đàn bò cái nền đủ tiêu chuẩn; nhập tinh bò giống BBB chất lượng tốt nhất; đào tạo nang cao năng lực cho các dẫn tinh viên.

Kết quả, tổng số liều tinh đã được phối là 27.000 liều, nâng tổng số liều tinh sự án đã phối giống lên 57.000 liều. Số bò cái nền phối giống có chửa là 16.500 con, nâng tổng số bò có chửa của dự án lên 35.100 con. Số bê sinh ra năm 2015 là 13.000 con, nâng tổng số bê sinh ra từ đầu dự án lên 22.100 con. Khối lượng bê sơ sinh bình quân đạt 29,5 kg/con.

Bê F1 BBB đắt gấp đôi bò thường

Qua theo dõi, có 100% bê F1 BBB sinh ra trong lượng từ 28-32 kg/bê (trong khi đó, trọng lượng sơ sinh bê F1 của các giống bò khác bình quân chỉ từ 18-21 kg/bê), bò mẹ đẻ thường, hầu như không phải can thiệp về kỹ thuật và đặc biệt không phải mổ đẻ.

Anh Đỗ Văn Suất, chủ trang trại gột bò F1 BBB quy mô 15-20 con ở thôn Tòng Thái, xã Tòng Bạt (Ba Vì) chia sẻ, nếu nhập bê F1 BBB trọng lượng 150-260 kg về nuôi gột trong vòng 2 tháng, cứ một ngày, bê tăng trọng thêm 1 kg. Chi phí thức ăn khoảng 40-45 ngàn đồng. Như vậy, chủ bò thu lãi khoảng 45-50 ngàn đồng/ngày. Với mô hình chăn nuôi này, mỗi thăm thu nhập của gia đình không dưới 300 triệu đồng.

Do đặc tính dễ nuôi, phàm ăn, lớn nhanh, bê F1 BBB sau cai sữa (khoảng 4 tháng) đã được thương lái trả giá rất cao, khoảng 18-20 triệu đồng. Đắt hơn so với bê lai thịt khác cùng tháng tuổi khoảng 8-10 triệu đồng/con.

Cũng theo ông Phong, hiện tại, có một số bê F1 BBB nuôi từ 16-18 tháng tuổi, trọng lượng bình quân từ 430-450 kg. Đây là thời điểm có tốc độ tăng trọng nhanh nhất, khoảng 31-32 kg/tháng.

Xây dựng nhãn hiệu bò thịt BBB

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, dự án đang triển khai xây dựng thương hiệu bò thịt Hà Nội. Đã đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ, Tổng cục Đo lường chất lượng bảo hộ độc quyền về nhãn hiệu hàng hóa, nhận diện sản phẩm và mã số, mã vạch đối với sản phẩm giống bò thịt F1 BBB.

Từ Hà Nội, công nghệ lai tạo đàn bò thịt F1 BBB đã lan tỏa ra hàng chục tỉnh, thành trên cả nước. Đặc biệt, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã đề xuất Công ty chuyển giao kỹ thuật lai tạo đàn bò thịt F1 BBB, đào tạo nghề cho công nhân chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm tại Hà Nội.

Tham dự hội nghị, PGĐ Sở NN-PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, nhấn mạnh: Trong năm 2016, Trung tâm Phát triển chăn nuôi TP và Công ty Giống gia súc Hà Nội cần phối hợp với các địa phương triển khai dự án xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi bò thịt F1 BBB.

Trong đó, tập trung tiêu thụ sản phẩm bê F1 BBB cho hộ chăn nuôi bằng việc xây dựng các trang trại thu mua bê sau cai sữa (4-6 tháng tuổi) của nông dân để nuôi gột, vừa giải quyết đầu ra cho sản phẩm bê F1 cho hộ nông dân, vừa tạo vùng nguyên liệu tập trung phục vụ giết mổ gia súc công nghiệp.

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng tâm sự: “Trên những hành trình công tác của mình, đi đến đâu tôi cũng nhắc tới mô hình lai tạo giống bò BBB của Hà Nội. Nó thực sự là một điểm nhấn rất đáng chú ý trong bối cảnh ngành chăn nuôi đang đối mặt với nhiều thách thức trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới.

Hy vọng, trong thời gian tới, số lượng đàn bê F1 BBB của Hà Nội sẽ không dừng lại ở con số hàng ngàn, mà phải là hàng chục vạn con. Và, với thành công của dự án, tôi nghĩ trong tương lai không xa, Hà Nội sẽ trở thành trung tâm phát triển giống bò BBB của cả nước”.

Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) Hoàng Thanh Vân đánh giá rất cao những thành quả mà ngành chăn nuôi TP Hà Nội đã đạt được trong những năm qua.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, trước sự “xâm lăng” mạnh mẽ của sản phẩm thịt ngoại trên thị trường nội địa, khả năng giá thịt bò sẽ tiếp tục đà lao dốc. Bởi vậy, ngay lúc này, Hà Nội cần phải nhập những loại tinh tốt nhất trên thế giới để lai tạo nhằm cải thiện giống gia súc. Đồng thời cũng cần lựa chọn những loại thức ăn tốt nhất, để làm một cuộc cách mạng về chất lượng thịt. Nâng cao khả năng cạnh tranh của thịt bò sản xuất trong nước.

 

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.