Mới đây, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có bài ghi nhận mô hình độc đáo nuôi thành công cua biển trong hộp nhựa ở Hà Nội của Chị Nguyễn Thị Kim Oanh tại thôn 3 Xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì). Ngoài mô hình của chị Oanh, hiện ở Hà Nội cũng đã có trang trại nuôi cua biển trong hộp nhựa rất thành công khác của anh Nguyên Vũ ở thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Đến thăm trang trại nuôi cua biển của anh Vũ, chúng tôi ngỡ ngàng khi biết mô hình nhà nuôi diện tích chỉ hơn 400m2 này đem lại doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.
Khởi nghiệp từ lần đi ăn nhà hàng
Nguyên Vũ, chủ trang trại, sinh năm 1994, vốn là người Sóc Sơn (Hà Nội). Kể về ý tưởng hình thành trang trại, Vũ cho biết, trước kia, anh chỉ đơn thuần là người đầu tư chứng khoán. Một lần anh tình cờ vào nhà hàng thưởng thức món cua biển, thấy gạch cua vàng ruộm, béo ngậy, không ngấy, thịt cua chắc, thơm ngon... hơn mọi khi, tò mò hỏi ra thì biết nhà hàng… đưa nhầm món!
"Mai cua rất mềm, ăn luôn được, lại đầy tú ụ thịt, rất ngon, nhiều dinh dưỡng. Hỏi nhân viên nhà hàng vì sao có con cua lạ thế này, họ nói “anh gặp may đấy, người ta đặt nhầm con cua cốm vào. Giá cua cốm luôn đắt gấp đôi so với cua thịt bình thường”. Thế là mình nảy ra ý muốn tìm hiểu về cua cốm để nuôi", Nguyên Vũ tâm sự.
Sau đó, Vũ tìm về các đầm nuôi cua bể ở các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định… để tìm hiểu. Nông dân giàu kinh nghiệm cho biết không thể thu hoạch cua đồng loạt vào giai đoạn lột mai được, bởi mỗi con cua thay mai vào một ngày khác nhau, khi mai cũ thay ra, thì lớp mai mới chỉ sau 4 giờ sẽ cứng lại.
Đặc biệt, cua bể được nuôi trong đầm thì không thể tìm chọn từng con cua lột vỏ để thu hoạch, thế nên thường phải thu hoạch cả lứa, chủ đầm bán cả cho thương lái với giá 280.000 đồng/kg cua sống. Thương lái mua về, nếu thấy có con nào đang giai đoạn cốm (lột vỏ) thì lọc ra bán với giá 800.000 - 1.000.000 đồng/kg, còn cua bình thường bán tại chợ giá 400.000 - 500.000 đồng/kg.
Nghe nói Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III (Nha Trang, Khánh Hòa) đang nghiên cứu thử nghiệm nuôi cua cốm, Vũ lại lặn lội tìm đến để học hỏi kinh nghiệm. Theo lời các nhà nghiên cứu ở Viện thì ở Trung Quốc và Thái Lan, người ta đã nuôi xuất bán cua bể cốm từ khoảng chục năm nay rồi.
Nhận thấy tiềm năng kinh tế từ loại cua độc đáo này, Vũ quyết định đầu tư 6.000 chiếc hộp nhựa chuyên dụng để nuôi cua. Hệ thống ống nước vận hành nước biển nuôi cua được lắp đặt rất công phu đến từng hộp lồng. Nước từ các hộp nuôi cua liên tục chảy ra theo các đường ống dẫn đến hệ thống bể lọc, trong đó có bể lọc vi sinh xử lý chất thải.
Nước sau khi lọc được thu hồi cho bơm trở lại cấp vào đường ống nước dẫn đến các hộp nuôi cua. Mấu chốt của hệ thống này là hạt kaldnes (như san hô), là nơi cho vi sinh trú ngụ và xử lý chất thải của cua nhằm giúp môi trường sạch hơn. Sau đó, nước được chuyển qua xử lý bằng đèn UV (xử lý tảo và vi khuẩn, nấm...) có tác dụng như ánh sáng mặt trời, mô phỏng theo tự nhiên.
Cua chủ yếu được cho ăn vẹm xanh, dắt biển và ốc, mỗi ngày hai lần. Cua giai đoạn lột ăn hàu cả vỏ, có nhiều canxi để hỗ trợ quá trình tạo lớp mai mới. Chất lượng thịt cua không phụ thuộc vào không gian vận động của chúng mà dựa vào thành phần dinh dưỡng trong thức ăn. Chi phí thức ăn trung bình cho mỗi con cua khoảng 1.000 đồng/ngày.
Đầu tư lớn, kỹ thuật tỉ mỉ
Lần đầu thử sức với mô hình mới, không thể tránh khỏi những khó khăn. Vũ chia sẻ: “Nước là yếu tố quyết định thành bại của việc nuôi cua biển trong hộp nhựa. Toàn bộ 50m3 nước biển dùng để nuôi cua được nhập từ Hạ Long (Quảng Ninh) về Hà Nội, với giá về đến trang trại là 500 nghìn đồng/m3. Lượng hao hụt khoảng 10% mỗi tháng, có thể bổ sung bằng nước ngọt”.
“Máy lọc chạy liên tục ngày đêm, thường cứ 4 tiếng sẽ cho máy nghỉ khoảng 15 phút. Nước nuôi cua biển thường xuyên được kiểm tra, mỗi ngày sẽ có ít nhất 3 lần lấy nước nhằm kiểm tra độ pH, độ mặn, đảm bảo môi trường tốt nhất cho cua phát triển”, chủ trang trại cua lưu ý.
Kinh nghiệm nêu trên được rút ra từ chính thất bại của những ngày đầu khởi nghiệp. Thời điểm đó, Vũ đầu tư mỗi lần khoảng 10 triệu đồng con giống, thế nhưng chỉ sau 7 – 10 ngày nuôi, cua lại chết đến 98%. Mỗi lần thất bại, Vũ lại kiểm tra nguồn nước, nhờ các chuyên gia sinh học tư vấn chỉ số phù hợp với cua và cách xử lý hiệu quả nếu chỉ số vượt ngưỡng cho phép...
Để có địa điểm kinh doanh trang trại thuận tiện giao thông, Nguyên Vũ chọn thuê hơn 400m2 đất của một nông dân ở giữa vùng trồng rau sạch tại xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức, Hà Nội) với giá thuê 15 triệu đồng/tháng. Tổng chi phí đầu tư xây dựng, lắp đặt mô hình 6.000 hộp nuôi cua hết khoảng 2 tỷ đồng. “Lúc đầu cũng hoang mang lắm, vì vốn đầu tư lớn. Cả trang trại với 6.000 hộp nuôi, mức đầu tư ngưỡng 2 tỷ đồng, dự kiến thu hồi vốn trong 2 năm. Nếu không thành công thì sẽ khó chuyển đổi mô hình”, Nguyên Vũ bộc bạch.
Thế rồi, nhờ tỉ mỉ tìm hiểu về kỹ thuật lọc nước và “liều” đầu tư, tới lần thử nghiệm thứ ba, Vũ đã thành công. Lọc nước biển để nuôi cua trong hộp nhựa là điểm khác với mô hình truyền thống - nuôi ở đầm. Thay vì chỉ việc đổ thức ăn vào đầm, nếu nuôi cua trong hộp nhựa, quá trình chăm sóc yêu cầu tỉ mỉ, nhiều công đoạn hơn. Mỗi ngày, người nuôi phải mở từng hộp để cho cua ăn và dọn vệ sinh, cũng như “chẩn đoán” thời gian chuẩn bị lột mai của cua. Tuy nhiên, đây cũng chính là ưu điểm để khai thác dòng cua chất lượng cao mà mô hình truyền thống không làm được.
“Khi rọi đèn pin, những con cua nào không còn sáng qua mai và có dấu hiệu nứt thì có nghĩa là chuẩn bị vào giai đoạn lột. Những con đó sẽ được đưa vào hộp cùng phân khu để dễ theo dõi”, chủ trang trại chia sẻ thêm bí quyết.
Sản phẩm độc đáo, thị trường rộng mở
Đến nay, mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa của Nguyên Vũ đã hoạt động ổn định khoảng 3 tháng, mỗi tháng xuất bán được 300 - 400kg cua cốm và cua lột, thu về khoảng 250 - 300 triệu đồng, với giá bán trung bình khoảng 700 - 800 nghìn đồng/kg, thậm chí hơn 1.000.000 đồng/kg nếu cua to, mẫu mã đẹp.
Chủ trang trại ước tính, với số vốn nhập hàng khoảng 300 - 400 nghìn đồng/kg cua nhỏ ban đầu (từ 1,8 – 4 gram/con), sau 25 ngày đến 1 tháng, có thể thu lợi nhuận khoảng 150 - 180 nghìn đồng/kg. Như vậy, mỗi tháng có thể thu về hàng trăm triệu đồng nếu đủ hàng bán.
Cũng theo anh Vũ, cua biển hiện được tiêu thụ vào các hệ thống siêu thị như EcoFoods và các nhà hàng cao cấp thông qua các mối quen biết hoặc nhờ quảng bá qua mạng. Thời điểm xây dựng mô hình, trang trại đã phải chi khoảng 50 triệu đồng mỗi tháng để khách hàng biết đến, sau có hàng ổn định thì không mất nhiều công sức mời chào nữa.
Ông Chu Huy Hoàng, Chủ tịch chuỗi siêu thị thực phẩm sạch EcoFoods đánh giá cao sản phẩm cua cốm, cua lột của trang trại Nguyên Vũ: “ Sản phẩm cua cốm ngoài giá trị hàm lượng dinh dưỡng cao, thì thịt chắc nịch, không phải bỏ đi phần nào, trong khi cua thịt mất gần một nửa trọng lượng là vỏ. Cua biển lại dễ dàng mua được ngay tại Hà Nội mà không cần vận chuyển xa”.
Nhận định thị trường nuôi cua hiện nay còn nhỏ lẻ, manh mún, đặc biệt bà con vẫn phụ thuộc vào thương lái về giá cả, Nguyễn Vũ và các cộng sự đang hướng đến mô hình hệ sinh thái hợp tác xã. Cụ thể, bà con muốn tìm hiểu đầu tư mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa sẽ được hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn sản phẩm đầu vào, đầu ra theo địa phương một cách hiệu quả nhất.
“Bà con nuôi ở đầm bán giá thấp, lãng phí tài nguyên. 1m2 đất chỉ nuôi được 2 con cua theo kỹ thuật, trong khi 2,8m2 hộp nuôi được tới 252 con cua”, Vũ phân tích và nhấn mạnh thêm, mô hình mới này rất phù hợp để nhân rộng, bởi vừa có thể phát triển được ở thành phố, vừa giúp bà con tăng thu nhập, lại tạo ra một sản phẩm dinh dưỡng. Khi mô hình lớn mạnh, giá thành cũng sẽ giảm, có lợi cho cả người nuôi và người tiêu dùng.
Chủ trang trại cua chia sẻ, do cua được nuôi mỗi con trong một lồng hộp nên dễ dàng kiểm tra để xác định quá trình sinh trưởng và thay vỏ mai. Hàng ngày, nhân viên kiểm tra từng con cua, thấy con nào lột vỏ mai thì thu hoạch, cho ngay vào đóng túi hút chân không và cấp đông, giao tới các cửa hàng, siêu thị chuyên kinh doanh thực phẩm.