| Hotline: 0983.970.780

Làm chủ công nghệ giống và quy trình nuôi cua biển thương phẩm

Thứ Năm 15/09/2022 , 09:11 (GMT+7)

Các mô hình sản xuất giống chất lượng cao và nuôi cua biển thương phẩm tại Hải Phòng đã có những chuyển biến rõ nét về hiệu quả kinh tế.

Empty

Sản xuất giống và nuôi thương phẩm cua xanh tại Dương Kinh, Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Hải Phòng có tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển thủy sản nói chung với chiều dài bờ biển lên đến 125km và khoảng 17.000ha diện tích mặt nước. Những năm gần đây, trước nhưng khó khăn do biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan mang lại, nhiều mô hình nuôi thủy sản có giá trị đã được xây dựng, triển khai, trong đó đáng lưu ý là mô hình sản xuất giống chất lượng cao và nuôi cua biển thương phẩm.

Dù vậy, toàn TP. Hải Phòng hiện mới chỉ có khoảng 10 trại giống tham gia sản xuất cua giống, mỗi năm mới chỉ sản xuất được từ 15 - 20 triệu con/năm, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu thả nuôi của người dân, còn lại phải nhập từ nơi khác.

Do cua giống vận chuyển xa, chất lượng chưa đảm bảo, giá thành cao, công nghệ sản xuất giống cua tại Hải Phòng chủ yếu phát triển tự phát, chuyển đổi từ sản xuất tôm giống sang sản xuất cua giống, công nghệ sản xuất giống cua chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, tự học hỏi cho nên chất lượng chưa cao, giá thành sản xuất lớn.

Để hạn chế những điểm yếu này, nhiều nghiên cứu, mô hình đã được triển khai và có bước thành công ban đầu, trong đó đáng lưu ý là mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cua xanh do Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III chủ trì.

Empty

Nuôi cua biển tại Hải Phòng những năm qua còn nhiều hạn chế, chưa tận dụng hiệu quả tiềm năng và lợi thế. Ảnh: Đinh Mười.

Tiến sĩ Nguyễn Diễu, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III cho biết, các nhà khoa học đã có một số cải tiến về kỹ thuật để nâng cao chất lượng con giống. Trong đó, có 2 điểm mới, thứ nhất là sử dụng thức ăn công nghiệp giai đoạn đầu sản xuất con giống để đạt hiệu quả về con giống, sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý môi trường, không sử dụng kháng sinh để cua giống khỏe mạnh, không bị ảnh hưởng bởi kháng sinh, hóa chất.

Thứ 2 là chủ yếu sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên, được chế biến từ tôm, đảm bảo các tiêu chí về kỹ thuật như: độ chìm, độ phân rã lớn hơn 2h và hàm lượng protein chiếm 38-42%, để đảm bảo dinh dưỡng cho cua thương phẩm.

Triển khai tại Công ty TNHH Phát triển thủy sản Hoàng Hương ở khu dân cư Tân Hợp, phường Tân Thành, quận Dương Kinh, qua thực tế triển khai cho thấy những chuyển biến rõ nét về hiệu quả kinh tế. Việc sản xuất cua giống khi công nghệ ổn định, tỷ lệ sống đạt cao sẽ đạt giá trị kinh tế cao, nuôi cua biển thương phẩm bằng nguồn giống có chất lượng đã đem lại năng suất, sản lượng tốt.

“Sau khi đón nhận công nghệ, chúng tôi đã sản xuất được hơn 20 triệu con giống với năng suất nuôi đạt trên 3 tấn/ha. Lứa vừa rồi chúng tôi thu được hơn 30 tấn cua và tiêu thụ đi các địa phương”, ông Lương Thái Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển thủy sản Hoàng Hương chia sẻ.

Ông Nguyễn Bá Ngữ, người nuôi cua dân phường Tân Thành cho biết, qua nuôi 4 tháng theo mô hình đã cho hiệu quả khá cao. Thời điểm thu, cua to được 4,5 lạng, bé thì được 2 lạng, tỷ lệ ương dưỡng con giống đạt 70%.Với mô hình này, nếu chi phí bỏ ra là 1 triệu đồng thì sẽ thu về được 12 triệu đồng.

Empty

Triển khai nuôi cua biển theo mô hình của Viện Nghiên cứu Thủy sản III, hiệu quả về kinh tế tăng rõ rệt. Ảnh: Đinh Mười.

Có thể nói, việc triển khai mô hình nuôi cua này thành công sẽ tạo thêm những vùng cung cấp nguồn cua biển giống có chất lượng cao, nuôi ổn định, năng suất cao tạo ra nguồn sản phẩm tập trung, đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh  thực phẩm, tạo điều kiện để phát triển nuôi cua biển theo hướng bền vững, đồng thời góp phần khôi phục, tái tạo nguồn lợi tự nhiên đang có nguy cơ bị cạn kiệt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

"Mô hình cho hiệu quả kinh tế khá cao, quá trình nuôi người dân hoàn toàn sử dụng thức ăn công nghiệp, hạn chế được ô nhiễm môi trường và việc thay thế thức ăn tự chế, giúp bà con giảm thiểu được thời gian để chuẩn bị thức cho cua. Trong quá trình xử lý nước, người dân sử dụng chế phẩm sinh học thay thế hoàn toàn hóa chất khử trùng đã mang lại sản phẩm an toàn, hiệu quả hơn cho người dân", Bà Nguyễn Thị Huyền Thư, Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến nông quận Dương Kinh khẳng định.

Công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cua xanh là kết quả của nhiệm vụ nghiên cứu khoa học do Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III chủ trì đã được nhận giải xuất sắc của tổ chức sở hữu trí tuệ Thế giới của Liên Hiệp Quốc (WIPO) và giải thưởng Khoa học sáng tạo Việt Nam VIFOTEC, hiện công nghệ đã được Viện hoàn thiện và chuyển giao cho một số tỉnh đạt kết quả tốt, trong đó có Hải Phòng.

Xem thêm
Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.