Nắm bắt được nhu cầu thị trường, bà Lê Thị Xuân (tổ dân phố Tân Long, phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) đã mạnh dạn đề xuất với Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng vật nuôi thị xã Kỳ Anh xin được tham gia thực hiện mô hình nuôi cá chình hoa trong ao đất.
Là đối tượng nuôi hoàn toàn mới nên bà Xuân vừa thực hiện mô hình vừa học hỏi kinh nghiệm qua sách báo, mạng internet. Đặc biệt, bà Xuân luôn được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm hướng dẫn rất chi tiết và cụ thể từ quá trình xây dựng ao nuôi đến quá trình chăm sóc. Thực hiện mô hình bà Xuân được Trung tâm hỗ trợ 60% tiền con giống, 40% chi phí thức ăn và kỹ thuật nuôi.
Được hướng dẫn kỹ thuật cụ thể, bà Xuân hiểu rằng trong quá trình nuôi cá chình hoa sẽ có sự phân đàn nên ngày từ đầu bà đã xây dựng 2 ao nuôi với tổng diện tích 700m2 để thuận tiện cho việc phân cỡ, san tách đàn cá sau này. Mỗi ao bà đều xây bo tròn 4 góc và trên bờ ao có gờ kiên cố cao 30 cm để không cho cá thất thoát. Cá chình hoa là loài thủy sản có nhu cầu về oxy cao nên với diện tích 700 m2 bà chỉ thả nuôi mật độ 1 con/m2 để đảm bảo đủ oxy cho cá phát triển tốt.
Với đặc tính thích bóng tối, sợ ánh sáng nên ban ngày cá chui rúc dưới đáy ao, bà bố trí các giá thể để cá trú ẩn, các giá thể bao gồm các ống nhựa kích thước 0,8 m x 114 mm đường kính.
Chia sẻ về quá trình chăm sóc cá, bà Xuân cho biết: “Đây là loài ăn tạp nhưng lại khá khó tính. Thức ăn luôn phải sạch và tươi hoặc phải được bảo quản tốt thì cá mới ăn. Thức ăn có mùi là cá chình không ăn. Nếu hôm nào cá không ăn hết thì phải chuyển hết thức ăn ra ngoài, vệ sinh sàng ăn. Do cá lớn dần nên cách 10 ngày tôi tăng lượng thức ăn lên 1 lần và phải cho ăn đúng giờ. Cá chình không thích ánh sáng nên thường ăn mạnh vào thời điểm chiều tối và đêm”.
Chị Trần Thị Hải Yến, kỹ sư thủy sản của Trung tâm Ứng dụng KHKT & bảo vệ cây trồng, vật nuôi thị xã Kỳ Anh chia sẻ thêm: “Từ khi bắt đầu nuôi đến tháng thứ 3 thì tôi hướng dẫn bà Xuân tiến hành kiểm tra tốc độ sinh trưởng và phân lọc cỡ cá: Tách riêng con lớn, con nhỏ theo từng ao cho đồng đều về kích cỡ. Sau đó cứ một tháng tiến hành làm một lần. Dùng vợt bắt cá, không bắt bằng tay để tránh việc cá bị mất nhớt dẫn đến dễ mắc bệnh, gây sốc và sẽ bỏ ăn vài ngày sau mới ăn trở lại, ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng. Từ tháng thứ 7 đến nay (tháng thứ 9) tốc độ cá lớn nhanh hơn”.
Bên cạnh đó, lợi thế của gia đình bà Xuân là ở vùng ven núi của thị xã Kỳ Anh nên có nguồn nước sạch từ khe suối chảy hàng ngày, rất thuận tiện cho việc cấp nước, thay nước và chất lượng nước trong ao nuôi luôn được đảm bảo, phù hợp với môi trường sống của cá chình.
Sau gần 9 tháng nuôi, đàn cá chình hoa của gia đình bà Xuân có trọng lượng trung bình 0,65 kg/con, một số con trọng lượng vượt đàn có thể tỉa bán với giá từ 550.000 - 600.000 đồng/kg.
Ông Phạm Văn Hòa - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT & bảo vệ cây trồng, vật nuôi thị xã Kỳ Anh khẳng định: “Sau thời gian 9 tháng triển khai nhận thấy đây là mô hình nuôi rất phù hợp với địa bàn vùng ven núi thị xã Kỳ Anh. Mô hình trình diễn này thành công sẽ giúp người dân ở đây có cơ hội chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp, phát triển triển sinh kế một cách bền vững”.
Kết quả thành công bước đầu của mô hình nuôi cá chình hoa trong ao đất đã mở ra triển vọng về việc nuôi đối tượng mới cải thiện sinh kế cho người dân phường Kỳ Long nói riêng và vùng ven núi trên địa bàn thị xã Kỳ Anh nói chung. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng bà con có ý muốn nuôi cá chình hoa thương phẩm, tạo tiền đề nhân rộng mô hình.