| Hotline: 0983.970.780

Hà Tĩnh siết chặt quản lý đội tàu công suất nhỏ

Thứ Hai 22/01/2018 , 13:45 (GMT+7)

Mặc dù chưa ghi nhận tàu thuyền nào của Hà Tĩnh vi phạm ngư trường khai khác các nước trong khu vực. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng tàu giã cào, lưới mắt nhỏ, thuốc nổ... đánh bắt hải sản ven bờ vẫn diễn ra.

14-54-39_2
Lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác theo kiểu tận giệt trên vùng biển Hà Tĩnh

Để thay đổi nhận thức cho ngư dân, tăng chế tài xử phạt, mới đây Hà Tĩnh đã phân cấp hơn 3.000 tàu dưới 20CV giao cho cấp huyện quản lý.
 

Phạt gần 100 triệu đồng tàu giã cào

Theo số liệu kê khai đền bù thiệt hại sự cố môi trường biển thì toàn tỉnh Hà Tĩnh có 6.039 chiếc tàu thuyền; trong đó, 283 chiếc công suất từ 90CV trở lên; 1.731 chiếc công suất từ 20 – dưới 90CV; 4.025 chiếc không lắp máy hoặc có lắp máy dưới 20CV. Đến cuối năm 2017, có 3.934 chiếc đã đăng ký.

Nhiều năm nay, hoạt động khai thác hải sản của Hà Tĩnh có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt đối với đội tàu xa bờ từ 90CV trở lên. Thông qua các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, nhiều ngư dân đầu tư hàng tỷ đồng cải hoán, đóng mới tàu cá vươn khơi, góp phần đưa tổng sản lượng khai thác năm 2017 ước đạt 31.231 tấn; giá trị đạt 40 tỷ đồng. Trong đó, khai thác biển 27.398 tấn; khai thác nội địa 3.833 tấn. “Sản lượng khai thác tăng một lần nữa khẳng định biển đã hồi sinh sau sự cố môi trường. Thu nhập ngư dân cũng bắt đầu ổn định trở lại”, ông Nguyễn Tông Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh nói.

Theo ông Thắng, khi nguồn lợi thủy sản dồi dào thì cũng là lúc hoạt động khai thác bất hợp pháp càng khó quản lý hơn. Tính đến cuối năm 2017, Chi cục chưa ghi nhận tàu thuyền nào của tỉnh vi phạm ngư trường khai thác các nước trong khu vực, tuy nhiên tình trạng sử dụng tàu giã cào, lưới mắt nhỏ, thuốc nổ... để đánh bắt vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Điều đáng nói là đội tàu vi phạm khai chủ yếu là tàu giã cào các tỉnh Quảng Ngãi, Thanh Hóa và Nghệ An, còn 10 chiếc tàu giã cào của Hà Tĩnh hoạt động ở vùng biển Nghi Xuân nhờ quản lý tốt nên chưa phát hiện vi phạm đánh bắt ven bờ.

“Năm 2017 chúng tôi phát hiện 25 trường hợp tàu giã cào các tỉnh vi phạm khai thác trên vùng biển Hà Tĩnh. Đã lập biên bản, xử phạt hành chính gần 100 triệu đồng”, ông Thắng thông tin thêm.
 

Phân cấp quản lý hơn 3.000 chiếc

Ngoài phối hợp các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm đội tàu các tỉnh bạn, Sở NN-PTNT Hà Tĩnh cũng đã tham mưu UBND tỉnh chuyển hơn 3.000 tàu công suất dưới 20CV giao cho các địa phương quản lý. Việc phân cấp này vừa tăng nguồn thu cho các địa phương từ việc thu phí cấp phép hoạt động vừa quản lý hoạt động khai thác chặt chẽ hơn. Ông Nguyễn Tông Thắng cho hay, việc phân cấp này các tỉnh khác đã làm lâu rồi nhưng Hà Tĩnh nay mới thực hiện được do đội tàu công suất nhỏ của tỉnh rất lớn. Sau khi thực hiện phân cấp, chính quyền các địa phương và chủ tàu rất đồng tình, ủng hộ.

14-54-39_3
Sản lượng hải sản khai thác trên biển năm 2017 tăng 20,7% so với năm 2016

Ngư dân Nguyễn Hữu An, chủ tàu công suất dưới 20CV ở xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh cho hay, trước đây nếu muốn xin giấy phép hoạt động anh phải đánh đường đi hơn 60km nhưng bây giờ chỉ cần đi 5km lên huyện ít ngày sau đã cầm được giấy phép trong tay. Việc tỉnh chuyển đội tàu công suất nhỏ về huyện quản lý là rất hợp lý, ngư dân rất phấn khởi. Đồng quan điểm, một lãnh đạo huyện Nghi Xuân cho rằng, cán bộ huyện, xã là những người gần gũi, sát sao nhất với ngư dân. Vì vậy khi giao cho huyện quản lý đội tàu này, công tác tuyên truyền, ký cam kết hay cấp giấy phép sẽ thuận tiện hơn rất nhiều, đặc biệt là trong công tác quản lý lực lượng lao động tham gia hoạt động trên biển, góp phần đảm bảo an toàn cho ngư dân khi vươn khơi.

Ngoài thực hiện giải pháp trên, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đang lập kế hoạch triển khai Chỉ thị 45/CT-TTg và Công điện 732/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm ngăn chặn hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp trên vùng biển nước ngoài và ven bờ.

Theo đó, một số nội dung trọng tâm sẽ triển khai là tiếp tục tuyên truyền ngư dân đánh bắt đúng ngư trường và quy định của pháp luật; phối hợp Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Cảng cá kiểm soát tàu thuyền ra vào cửa lạch, cảng cá, khai báo tọa độ, khối lượng, chủng loại, sản phẩm hải sản khai thác, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật thủy sản; tập huấn cho cán bộ huyện về việc cấp phép hoạt động và quản lý cấp phép đối với đội tàu dưới 20CV; bắt buộc các chủ tàu xa bờ hoặc thuyền trưởng phải ghi nhật ký và báo cáo khai thác hải sản, ký cam kết không khai thác hải sản bất hợp pháp. Đồng thời, xây dựng, phát triển mô hình liên kết trong sản xuất đảm bảo khai thác hải sản gắn liền với bền vững môi trường; thành lập Trạm bờ giám sát hoạt động tàu cá trên biển qua hệ thống định vị toàn cầu GPS...

Theo báo cáo từ Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, trong số hơn 3.000 tàu công suất dưới 20CV phân cấp về cấp huyện quản lý thì vẫn còn hơn 1.000 chiếc chưa được cấp phép. Sở NN-PTNT đang hướng dẫn các địa phương rà soát, hướng dẫn ngư dân làm hồ sơ đăng ký, phấn đấu cuối năm 2018 hoàn thành việc cấp giấy phép hoạt động cho số lượng tàu thuyền này.

 

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm