Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, năm 2023 cả nước có 82 người chết vì bệnh dại tại 30 tỉnh, thành phố, 674.888 người bị động vật cắn đã phải điều trị dự phòng bệnh dại, tăng 45% so với năm trước đó (trong đó 80% trường hợp là do chó, 18% do mèo, còn lại do các loại động vật khác như khỉ, chuột, dơi).
Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14-3-2024, từ cuối tháng 3, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai quyết liệt có hiệu quả công tác phòng chống bệnh dại.
Qua đó, tiếp tục tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả công tác phòng chống bệnh dại theo đúng quy định của pháp luật; ngăn chặn nguy cơ gia tăng số người phải điều trị dự phòng bệnh dại do động vật cắn, đặc biệt là chó, mèo thả rông, gây nguy hiểm cho người.
Trong 2 tháng đầu năm nay, cả nước đã có 27 người tử vong do bệnh dại ở 14 tỉnh, thành phố (tăng 9 ca so với cùng kỳ năm ngoái, số người phải điều trị dự phòng bệnh dại lên tới gần 70.000 người).
Tại tỉnh Hải Dương trong năm 2023, toàn tỉnh có 3.752 trường hợp phải điều trị dự phòng do chó mèo cắn, tăng 1.186 trường hợp so với năm 2022. Con số này trong 2 tháng đầu năm nay là 190.
Để kiểm soát tốt dịch dại, Sở Y tế tỉnh Hải Dương cũng đã đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế tuyến huyện tiếp tục phối hợp đẩy mạnh truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh dại, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh, chủ động đến cơ sở y tế để tiêm vacxin phòng dại, huyết thanh kháng dại.
Trước nguy cơ tiềm ẩn bệnh dại xuất hiện gây tử vong cho người, trong ngày 14/4 tại nhà văn hóa khu phố Phú Lương, Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Hải Dương đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Hải Dương, tổ chức tiêm vacxin phòng bệnh dại cho chó, mèo trên địa bàn phường Nam Đồng, TP. Hải Dương.
Ngay từ 8 giờ sáng, bà Nguyễn Thị Song đã cùng cả xóm đưa chó, mèo đến nhà văn hóa để tiêm tiêm vacxin phòng bệnh dại. Theo bà Song, việc tiêm phòng bệnh dại cho đàn vật nuôi sẽ là cách giúp đẩy lùi bệnh dại và bảo vệ sức khoẻ của gia đình mình.
"Năm nào cũng thế, cứ vào hè là chúng tôi được cán bộ thú ý thông báo mang chó, mèo ra nhà văn hóa để tiêm vacxin phòng bệnh dại, khi vật nuôi được tiêm phòng đầy đủ cũng yên tâm hơn, không còn thấy cảnh chó dại ở đường", bà Nguyễn Thị Song chia sẻ.
Hộ gia đình ông Lê Văn Hựu đã nuôi chó cảnh được 2 năm nay. Nếu như trước đây vì nhà có trẻ nhỏ, ông thường xuyên phải nhốt chó trong lồng do lo ngại về bệnh dại. Nhưng giờ đây ông Hựu cũng thấy an tâm hơn khi để trẻ nhỏ tiếp xúc gần thú cưng.
Nuôi chó là phải có ý thức, đến thời điểm phải cho chó đi tiêm phòng dại, việc này vừa bảo vệ các thành viên trong gia đình cũng là bảo vệ những người xung quanh, ông Hựu vui mừng nói.
Theo ông Nguyễn Minh Đức - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hải Dương: hiện trên địa bàn Hải Dương có hơn 94.100 chủ nuôi chó, mèo với hơn 112.200 con chó, mèo nuôi được đăng ký, quản lý theo quy định.
Từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh không ghi nhận động vật (chó, mèo và các động vật khác) mắc bệnh hoặc phải tiêu hủy do bệnh dại. Cũng trong khoảng thời gian trên, tỉnh Hải Dương không ghi nhận người tử vong do bệnh dại.
"Không còn người chết vì bệnh dại từ năm 2030" là mục tiêu toàn cầu mà các tổ chức quốc tế, các đơn vị nghiên cứu, khối tư nhân và đại diện của hơn 70 quốc gia bao gồm cả Việt Nam đã thống nhất.
Để làm được điều đó rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng thú y và y tế, cần khống chế, khoanh vùng các ca bệnh dại trên động vật, hạn chế đến mức thấp nhất các ca tử vong vì bệnh dại; tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý đàn chó và và tiêm phòng vacxin dại cho đàn chó, mèo.