| Hotline: 0983.970.780

Hai mảng sáng tối trong nuôi tôm ở Bình Định

Thứ Tư 13/11/2019 , 13:54 (GMT+7)

Nuôi công nghệ cao tuyệt đối an toàn, năng suất tăng gấp 10 lần, còn nuôi truyền thống, sử dụng chung hệ thống kênh mương thủy lợi với SXNN, tôm bị dịch bệnh bủa vây.

Tôm nuôi khó sống với nguồn nước ô nhiễm

Trong năm 2019, Bình Định thả nuôi tôm trên diện tích 2.132ha mặt nước; trong đó, có 27ha nuôi tôm công nghệ cao (CNC), 139ha nuôi tôm trên cát, còn lại là nuôi tại các vùng đìa. Thực tế cho thấy, tôm nuôi theo phương pháp truyền thống với hệ thống thủy lợi được sử dụng chung với SXNN luôn phải đối mặt với dịch bệnh.

Kênh mương thủy lợi sử dụng chung cho SXNN và nuôi tôm ở Bình Định. Ảnh: Đăng Lâm.

Ở Bình Định, hoạt động nuôi trồng thủy sản ở các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn đều đang sử dụng chung hệ thống kênh mương thủy lợi với SXNN. Trong khi nguồn nước từ SXNN thì ô nhiễm nghiêm trọng, tồn tại nhiều loại vi rút, vi khuẩn có hại.

Ông Phan Văn Khiêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, bộc bạch: “Ở Tuy Phước, ngoại trừ vùng nuôi tôm ở thôn Đông Điền (xã Phước Thắng) được đầu tư xây dựng kênh mương riêng phục vụ nuôi tôm, còn các vùng nuôi khác trong huyện đều sử dụng chung kênh mương thủy lợi với SXNN. Nguồn nước sau SXNN có nhiều loại vi khuẩn có hại, là tác nhân gây ô nhiễm môi trường nước, tăng nguy cơ dịch bệnh tôm nuôi. Địa phương rất muốn xây dựng riêng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm nhưng lực bất tòng tâm”.

Hệ lụy là tôm nuôi tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm luôn bị dịch bệnh bủa vây. Ví như trong vụ nuôi 2019, ông Lê Hồng Nhơn, một người nuôi tôm ở xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) vừa thả tôm giống được 1 tháng thì tôm nuôi liền bị bệnh thân đỏ đốm trắng. Ao tôm của ông Nhơn bị dính bệnh thì chủ các ao nuôi xung quanh đều lo sốt vó, bởi tất cả ao nuôi trong vùng đều sử dụng chung nguồn nước nuôi tôm. “Bệnh thân đỏ đốm trắng trên tôm lây lan rất nhanh, trong khi vi rút gây bệnh chưa có thuốc đặc trị. Thêm vào đó, cả vùng nuôi đều sử dụng chung kênh mương dẫn nước nên khó ngăn chặn việc lây lan diện rộng”, ông Nhơn chia sẻ.

Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cũng thừa nhận cơ sở hạ tầng các vùng nuôi tôm trên địa bàn chưa được đầu tư đúng mức. Phần lớn hệ thống thủy lợi được sử dụng chung cho SXNN và nuôi tôm, nên môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, dịch bệnh phát sinh gây hại. Để cải thiện môi trường nuôi tôm, ngành nông nghiệp Bình Định đã tham mưu UBND tỉnh quy hoạch các vùng nuôi tôm CNC tại xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) và Cát Thành (huyện Phù Cát).

“Sở NN-PTNT Bình Định đang tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng nuôi tôm trong tỉnh, xây dựng mô hình để chuyển giao phương pháp nuôi tôm an toàn sinh học cho người nuôi tôm ở các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Tuy Phước”, ông Phúc cho hay. 

Tôm công nghệ cao năng suất tăng gấp 10 lần

Trong khi người nuôi tôm theo kiểu truyền thống luôn thấp thỏm với dịch bệnh thì mô hình nuôi tôm CNC của Cty TNHH Việt Úc Phù Mỹ (trực thuộc Tập đoàn Việt - Úc) nằm trên địa bàn xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) đạt hiệu quả rất cao.

Nhà màng nuôi tôm thương phẩm của Cty Việt – Úc Bình Định. Ảnh: Đăng Lâm.

Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, tất cả ao nuôi tôm trong khu phức hợp đều được bao phủ nhà màng Israel. Quy trình công nghệ đáp ứng các yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt về “tiểu khí hậu nhà kính”, “sinh học nhà kính” và “dịch hại nhà kính”, nhằm thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Cty đầu tư xây hệ thống xử lý nước tuần hoàn theo công nghệ của Đức và Mỹ, kiểm soát tự động tất cả các thông số môi trường trong ao nuôi, bảo đảm chất lượng nước ổn định cho tôm sinh trưởng, không gây ô nhiễm môi trường. Nguồn tôm giống thả nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Với công nghệ hiện đại, Cty có thể thả tôm giống mật độ dày từ 200 - 500 con/m2 mặt nước và nuôi liên tục 3 vụ/năm, năng suất bình quân đạ 30 - 40 tấn/ha, cao gấp 10 lần năng suất tôm thẻ chân trắng mà người nuôi tôm trong tỉnh nuôi thâm canh. Sản phẩm có chất lượng rất cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên không lo về khâu tiêu thụ.

Năng suất tôm thương phẩm của Cty Việt – Úc Bình Định cao gấp 10 lần so các hộ nuôi thâm canh ở Bình Định. Ảnh: Đăng Lâm.

“Đặc biệt, Cty không khai thác mạch nước ngầm để điều chỉnh độ mặn trong hệ thống ao nuôi tôm, đồng thời xử lý tốt chất thải trong quá trình SX, nên không ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt của người dân, đảm bảo môi trường sinh thái. Đó là sự khác biệt với quy trình đầu tư nuôi tôm hiện nay mà nhiều và người nuôi tôm ở Bình Định đang áp dụng”, ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, đánh giá.

“Với quy trình SX hiện đại, chế biến khép kín, khi xuất khẩu sản phẩm không lo ngại các rào cản kỹ thuật cũng như tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường EU, Nhật, Mỹ. Trong quá trình SX, chúng tôi sẽ phối hợp với ngành chức năng nhân rộng quy trình SX tôm thương phẩm chất lượng cao quy mô nhỏ ra hộ dân, DN ở Bình Định và thu mua để chế biến xuất khẩu”, ông Lương Thanh Văn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt – Úc, chia sẻ.

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Cùng ngư dân Trà Vinh thắp sáng đèn trên biển

Trà Vinh Những suất quà tặng bà con ngư dân gồm bình ắc quy, đèn led, combo pin, túi thuốc, cuốn cẩm nang nhằm hỗ trợ, động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển