| Hotline: 0983.970.780

Hai Mạnh Thường Quân

Thứ Năm 30/09/2010 , 10:30 (GMT+7)

Hai con người khác nhau về địa vị xã hội nhưng lại có cùng một tấm lòng thơm thảo...

Ông Kiều Thế Tính bên chiếc xe chuyển bệnh mua giúp cơ sở y tế chuyển bệnh

Hai con người khác nhau về địa vị xã hội nhưng lại có cùng một tấm lòng thơm thảo, luôn sẵn sàng làm việc thiện, cùng chung tay xây dựng quê hương.

Bí thư xã góp tiền mua xe cứu thương

Người dân ở xã Định Yên, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) biết đến ông Kiều Thế Tính (Sáu Tính) không chỉ với vai trò là Bí thư Đảng ủy xã mà còn là người luôn sát cánh với công tác từ thiện ở địa phương.  Là một xã vùng sâu, cơ sở vật chất phục vụ cho y tế còn khá chật vật. Việc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên chủ yếu bằng xuồng hoặc xe ba gác. Do vậy, khi có trường hợp phải cấp cứu, việc vận chuyển người bệnh vô cùng khó khăn. Vậy là ông Sáu Tín vận động các con, cộng vào khoảng tiền tích lũy của Hội Chữ thập đỏ xã mua một chiếc xe chuyên dụng dùng chuyển bệnh, giao cho Trạm Y tế xã quản lý.

 Từ khi có xe, những ca bệnh nặng đều được chuyển viện kịp thời, nhanh chóng kể cả những ca ngoài tuyến - ở các xã lân cận hoặc ngoài huyện, người bệnh không phải chi trả một khoảng tiền nào. Ngược lại, đối với bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn hoặc thuộc diện nghèo, ông Sáu Tính còn hỗ trợ một phần chi phí giúp đỡ người bệnh chữa trị. Năm 2009, ông Sáu Tính vận động một số DN trên địa bàn góp tiền mua thêm một chiếc xe nữa tăng cường cho Trạm Y tế xã, giá trị gần 600 triệu đồng, phần gia đình ông góp 150 triệu. Có xe, việc chuyển bệnh nhân được thuận lợi đã góp phần cho công tác chăm sóc sức khỏe của người dân được tốt hơn.

Ông nông dân xây cầu không công

Ông Hai Đâu tại công trình

Chưa được học qua một lớp chuyên môn nào về xây dựng cầu đường nhưng bằng sự mầy mò, tự tìm tòi học hỏi, ông Nguyễn Văn Đâu (Hai Đâu) - Tổ trưởng Tổ từ thiện xã Định Yên, huyện Lấp Vò đã có thể tự khảo sát, rồi thiết kế bản vẽ, kiêm luôn giám sát thi công từ những chiếc cầu gỗ kiên cố đến cầu bê tông có trọng tải lớn. Hơn 20 năm qua, ông đã bỏ công sức của mình bắc được hơn 70 cây cầu gỗ và gần 40 cây cầu bê tông qua những con sông, rạch chằng chịch trên quê mình, giúp người dân đi lại thuận tiện mà không lấy một đồng tiền công nào.

Công việc làm cầu  đường của ông Hai Đâu bắt đầu vào năm 1986 – khi ấy ông còn là thợ sửa chữa máy nổ. Ông kể: “Thời đó, vào những ngày mưa bão thấy mấy đứa nhỏ đi học đường xá lầy lội, khó khăn nên tôi rủ mấy anh em trong xóm mướn ghe lên tận Châu Đốc chở đá về rải, vậy là qua mấy mùa đường xá vẫn sạch trơn. Mùa nước lên bà con phải qua lại trên những chiếc cầu khỉ hoặc bằng xuồng rất bất tiện, anh em tụi tui vận động những hộ trong xã, người góp tiền, người góp công để làm cầu. Thấy việc làm có ích nên ai cũng hưởng ứng nhiệt tình, rồi dần trở thành một phong trào phát triển rộng khắp".

Lần lượt những chiếc cầu khỉ lắc lư được thay bằng cầu ván, rồi đến những chiếc cầu bê tông kiên cố mọc lên ngày một nhiều hơn trong sự phấn khởi, vui mừng của người dân nơi đây. Hiện nay, đội làm cầu của ông Hai Đâu có trên 70 người, họ đều là thợ hồ, thợ máy và cơ khí trên địa bàn xã tự nguyện cùng ông làm việc không công.

Những chiếc cầu gỗ, bê tông vững chắc được bắc qua sông mang niềm vui đến cho nhân dân cùng với sự kỳ vọng làm thay đổi diện mạo quê hương của ông Hai Đâu đang ngày một gần lại. Ở tuổi 61, ngày ngày ông Hai Đâu vẫn tất bật với công việc của mình cùng những “đồng nghiệp” trên những nhịp cầu mới bất kể nắng mưa. 27 bằng khen, giấy khen, huân chương mà Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, UBND tỉnh Đồng Tháp, UBND huyện Lấp Vò… trao tặng là niềm cổ vũ to lớn để ông Hai Đâu tiếp tục công việc thầm lặng, cao đẹp.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.