| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng - Góc nhìn khác: [Bài 1] Góc khuất của 'thành phố đáng sống'

Thứ Ba 10/03/2020 , 09:40 (GMT+7)

Bên cạnh những dự án nghìn tỷ, những điểm sáng đầu tư xây dựng cơ bản, phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới, Hải Phòng cũng còn những góc khuất.

Tình trạng xuống cấp tại khu tập thể Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền.

Tình trạng xuống cấp tại khu tập thể Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền.

Chính những góc khuất không hề nhỏ ấy, rất dễ làm mất hình ảnh của một thành phố đang hướng đến tiêu chí đáng sống.

Khu chung cư gần 5 thập kỷ giữa lòng thành phố

Theo thống kê, hiện tại trên địa bàn thành phố có 178 dãy nhà tập thể đã xuống cấp nghiêm trọng (cấp độ D).

Tức là, công trình xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ đổ sập, hết niên hạn sử dụng cần được thay thế mới. Tại những khu tập thể này, hàng nghìn người dân vẫn sống trong nơm nớp lo sợ.

Khu tập thể Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền được xây dựng cách đây hơn 40 năm với ba khu A1, A2, A3. Mỗi dãy nhà cao 5 tầng là nơi sinh sống của gần 400 hộ dân.

Hiện nay, theo phản ánh của người dân, cơ sở vật chất đã xuống đã xuống cấp trầm trọng. Việc vữa, bê tông bỗng dưng rơi xuống nền nhà, rơi vào đầu người dân ở đây đã không còn xa lạ, hiếm hoi.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy phần tường, trần nhà của các căn hộ, cầu thang trong khu tập thể Vạn Mỹ đều bong tróc, nứt vỡ, nhiều đoạn cầu thang có rãnh nứt sâu, dài, phần bê tông chỉ trực rơi xuống. Không chỉ vậy, đường ống nước nhà vệ sinh rò rỉ khiến tường, trần nhà ẩm mốc loang lổ, nhìn rất mất vệ sinh.

Trên địa bàn phường Vạn Mỹ có tới 10 dãy nhà tập thể 5 tầng với hơn 1.300 hộ dân sinh sống, cơ sở vật chất các dãy nhà đều đã xuống cấp trầm trọng. Việc sập vữa, trần bê tông tại các dãy tập thể này mấy năm gần đây hầu như năm nào cũng có. Riêng năm 2019 tại dãy nhà A5 đã xảy ra 2 vụ.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, 52 tuổi, trú tại tầng 2, dãy A1, khu tập thể Vạn Mỹ, Ngô Quyền cho biết: khu này đã xay dựng từ lâu nên tường, trần nhà đều cũ, có nhiều vết nứt vỡ.

Căn hộ của bà đã ở được 10 năm nay, có sửa sang rồi nhưng không ăn thua, mới đây, gia đình bà bị một mảng bê tông lớn từ trần bếp bất ngờ rơi xuống khiến cả nhà 1 phen khiếp vía, rất may mắn là không có thành viên nào trong gia đình bị thương.

Khu chung cư 311 phố Đà Nẵng, phường Cầu Tre, quận Ngô Quyền cũng được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước. Đến nay, các lô nhà đều xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, an toàn của người dân.

Bà Nguyễn Thị Thơm, 72 tuổi, người dân sống tại lô A, khu chung cư 311 phố Đà Nẵng cho biết: “Gia đình tôi sinh sống tại khu nhà tập thể này gần 50 năm, hiện căn hộ xuống cấp. Nhà cửa ẩm thấp, rêu mốc. Nếu chung cư này được cải tạo lại, gia đình tôi đồng thuận cao”.

Theo Kết luận kiểm định chất lượng hiện trạng công trình nhà chung cư số 26/KL- SXD của Sở Xây dựng, ban hành ngày 20/3/2017, nhà chung cư 311 phố Đà Nẵng thuộc công trình nguy hiểm mức độ D. Hiện tại, Sở Xây dựng Hải Phòng đã đưa vào Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại trong giai đoạn 2020 - 2022. Kế hoạch đang được hoàn thiện, chờ thành phố phê duyệt, nhưng đến nay vẫn chưa thấy “tín hiệu vui” nào.

Từ năm 2017 tới nay, thành phố đã phá bỏ khoảng 20 nhà tập thể tại quận Ngô Quyền và Lê Chân, xây dựng chung cư mới cho người dân bằng hình thức BT.

Hiện, đã có ba tòa chung cư mới hoàn thành đưa vào sử dụng. Hai dãy chung cư 28 tầng HH3, HH4 tại khu vực Đổng Quốc Bình với 1.400 căn hộ sắp hoàn thành, còn hai dãy HH1, HH2 đang chuẩn bị xây dựng.

Thời gian tới, thành phố sẽ đầu tư khoảng 4.000 tỉ đồng ngân sách để tiếp tục đầu tư 11 chung cư mới sau khi đã hoàn thiện 6 tòa chung cư để phục vụ cho hơn 4.000 hộ dân đang sinh sống ở những khu chung cư cũ trên địa bàn nhưng thời gian cũng sẽ mất nhiều năm.

Và hàng nghìn người dân dù muốn hay không vẫn sẽ phải "sống chung với lũ" thêm một thời gian khá dài trước khi có nơi ở mới, đảm bảo an toàn.

Những mảnh đời tại xóm chài Tam Bạc

Gần 4 thập kỷ qua, cuộc sống của hơn 40 hộ gia đình ở xóm chài trên sông Tam Bạc (quận Hồng Bàng) vẫn lặng lẽ trôi đi trong sự thiếu thốn đủ bề, khác hẳn so với phần còn lại của thành phố. Cuộc sống lênh đênh sông nước khiến nhiều gia đình, lo lắng, thậm chí bế tắc.

Bà Lan, sinh năm 1957, cho biết gia đình bà ở đây là gần 40 năm nay, 2 vợ chồng bà có 8 người con, sau khi lập gia đình cũng sinh sống trên những chiếc thuyền ở xóm chài như vợ chồng bà.

Chiếc thuyền làm bằng xi măng của gia đình bà mới được mua từ tiền vay của họ hàng cùng các con biếu có thể là kiên cố nhất xóm chài. Cuộc sống ở đây thiếu thốn, khổ cực đủ thứ, nhưng không ở đây chẳng biết ở đâu.

“Tôi có 1 đứa con đã mất, 5 đứa con đã lập gia đình cùng ở trên thuyền xung quanh gia đình tôi. Do điều kiện nên 4 đứa con đầu lòng của bà không biết chữ. Những đứa sinh sau này may mắn theo học ở các lớp tình thương nên cũng biết đọc, biết viết.

Ngày nắng ráo thì không sao, nhưng những ngày mưa bão thì vô cùng khốn đốn… Ước mơ cả đời tôi là có ngôi nhà riêng ở trên bờ, thế là mãn nguyện”, bà Lan chia sẻ.

Cuộc sống của người dân xóm chài trên sông Tam Bạc.

Cuộc sống của người dân xóm chài trên sông Tam Bạc.

Khó khăn mưu sinh là một lẽ, những người dân xóm chài này còn thiếu cả nguồn nước sạch sinh hoạt. Do không có nước sạch nên nước hoạt hàng ngày như tắm giặt, rửa ráy… người dân sử dụng trực tiếp nước sông, còn nước để nấu nướng, ăn, uống thì người dân phải mua để sử dụng.

Ông Tính, sinh năm 1958, một trong những “công dân xóm chài” buồn bã cho biết:

“Sống bằng nghề chài lưới rất bấp bênh, nay no mai đói, tôm cá ngày càng ít đi khiến đời sống của chúng tôi cũng trở nên lao đao.

Hơn 1 tháng nay, thu nhập của tôi chỉ được khoảng 1 triệu đồng.

Có hôm buông lưới cả ngày cũng không đủ chi phí xăng, dầu chứ chưa nói gì đến lo cho bữa ăn của gia đình”.

Cũng như bà Lan, ông Tính…, cuộc sống của các hộ dân còn lại cũng là chuỗi những ngày tháng vất vả, buồn tủi.

Những đứa trẻ con lớn lên tại xóm chài tuy vẫn được học hành đầy đủ nhưng tương lai rất mờ mịt, hiểm họa đuối nước luôn rình rập, chưa kể đến những mặc cảm với bè bạn hay thiếu thốn chỗ vui chơi.

Những đứa trẻ xóm chài vẫn khao khát có ngày được lên bờ, đến trường như bao bạn bè khác.

Những đứa trẻ xóm chài vẫn khao khát có ngày được lên bờ, đến trường như bao bạn bè khác.

Được biết, tới đây, UBND quận Hồng Bàng sẽ di dời xóm chài để phục vụ dự án Cải tạo sông Tam Bạc. Theo đó, với những người đã có đất đai, nhà ở trên bờ hoặc từ nơi khác đến sẽ được hỗ trợ hồi hương, tìm sinh kế mới.

Đối với trường hợp đặc biệt, không có chỗ ở, đất đai… chính quyền quận Hồng Bàng sẽ đề nghị lãnh đạo thành phố Hải Phòng có phương án an sinh xã hội (tái định cư, bố trí việc làm...) hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống.

Nhiều người dân xóm chài không dấu nổi sự vui mừng, phấn khởi trước thông tin này nhưng nhiều người cũng tỏ ra lo lắng. Sống ở đây, dù nghèo, thiếu thốn nhưng cuộc sống bình yên, hòa thuận, phải dời xa nơi này, xa nghề sông nước – nghề đã gắn bó với họ mấy chục năm nay, thì cuộc sống sẽ như thế nào, vì không có kế mưu sinh?!

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.