| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng: Đề xuất hỗ trợ 100% lãi suất ngân hàng để tăng đàn lợn nái

Thứ Bảy 06/06/2020 , 10:04 (GMT+7)

Thiếu hụt lợn nái, Hải Phòng đang tính đến việc hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm để các hộ chăn nuôi có thể vay ngân hàng mua lợn nái phục vụ tái đàn.

Trong đợt dịch tả lợn châu Phi, TP Hải Phòng đã phải tiêu hủy hơn 31.733 con lợn nái (chiếm trên 60% tổng đàn nái). Sau khi công bố hết dịch, các đơn vị chuyên môn hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp kỹ thuật để giảm chi phí sản xuất chăn nuôi, hướng dẫn thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh tiêu độc, khử trùng.

Mặt khác tăng cường công tác kiểm tra dịch bệnh, tiêm phòng vắc-xin, quản lý không để phát sinh dịch bệnh, đồng thời tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các địa phương tập trung cao các giải pháp phát triển chăn nuôi, chú trọng khắc phục khó khăn trong chăn nuôi lợn.

Tuy nhiên đến nay tình hình tái đàn lợn trên địa bàn vẫn gặp khó khăn, một phần do con giống chưa đáp ứng đủ, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất chăn nuôi lợn.

Các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ tại Hải Phòng cơ bản chưa đáp ứng được yêu cầu an toàn sinh học để phục vụ tái đàn. Ảnh: Viết Cường.

Các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ tại Hải Phòng cơ bản chưa đáp ứng được yêu cầu an toàn sinh học để phục vụ tái đàn. Ảnh: Viết Cường.

Theo Chi cục Chăn nuôi & Thú y Hải Phòng, trước khi dịch bệnh xảy ra, toàn thành phố Hải Phòng có trên 50.000 lợn nái. Để đáp ứng yêu cầu tái đàn đối với hộ chăn nuôi đã cơ bản đảm bảo điều kiện an toàn sinh học, Hải Phòng cần ít nhất số lượng trên 20.000 lợn nái. Do đó, với số lượng như hiện tại, với khoảng 14.800 con lợn nái (bằng 28,24% so với trước dịch) là chưa đủ để cung cấp con giống, khôi phục sản xuất.

Hải Phòng hiện nay mới chỉ có 1.998 cơ sở tái đàn, chủ yếu tại các cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại. Có tới 2.474/19.256 cơ sở có lợn bị tiêu hủy do bệnh Dịch tả lợn Châu Phi chuyển đổi chăn nuôi lợn sang vật nuôi khác như gà, thủy cầm, trâu bò hoặc vật nuôi khác.

Trước tình hình này, vừa qua, Sở NN-PTNT Hải Phòng đã có văn bản đề xuất UBND thành phố hỗ trợ lãi suất vốn vay bổ sung, thay thế đàn lợn nái ngoại trên địa bàn với mục tiêu là từng bước khôi phục đàn lợn nái, giảm bớt áp lực thiếu giống đối với sản xuất chăn nuôi lợn. Đồng thời duy trì đàn lợn nái có chất lượng để phục vụ sản xuất.

Đối tượng được đề xuất hỗ trợ là các tổ chức, cá nhân (cơ sở chăn nuôi) trực tiếp chăn nuôi lợn có quy mô thường xuyên từ 20 con lợn nái ngoại trở lên (không phải chăn nuôi gia công cho các tổ chức, doanh nghiệp), được UBND cấp xã xác nhận đối với diện tích sản xuất chăn nuôi thuộc khu vực chăn nuôi tập trung, được UBND cấp huyện xác nhận đủ điều kiện nuôi tái đàn theo quy định và quy mô chăn nuôi lợn nái ngoại. Quy mô hỗ trợ khoảng 2.930 con lợn nái ngoại.

Theo văn bản đề xuất, các hộ chăn nuôi đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay ngân hàng thương mại để bổ sung, thay thế đàn lợn nái ngoại. Thời hạn vay tối đa 2 năm kể từ khi vốn vay được giải ngân, mức vay được hỗ trợ lãi suất 12 triệu đồng/con lợn nái ngoại. Tổng kinh phí hỗ trợ là 8,12 tỷ đồng, trong đó, năm 2020 là 2,3 tỷ đồng; năm 2021, kinh phí hỗ trợ lãi suất vốn vay là 3,8 tỷ đồng; năm 2022, kinh phí hỗ trợ lãi suất vốn vay 1,9 tỷ đồng. Và nguồn kinh phí thực hiện sẽ được trích từ nguồn kinh phí sự nghiệp của ngành nông nghiệp hàng năm.

Việc tái đàn đang diễn ra chậm 1 phần do thiếu lợn nái và khan hiếm con giống. Ảnh: Viết Cường.

Việc tái đàn đang diễn ra chậm 1 phần do thiếu lợn nái và khan hiếm con giống. Ảnh: Viết Cường.

Để tiếp cận được nguồn hỗ trợ này, các hộ chăn nuôi phải đáp ứng được một số yêu cầu như: có đơn đề nghị tham gia hỗ trợ bổ sung, thay thế đàn lợn nái ngoại; có cam kết của cơ sở chăn nuôi thực hiện tái đàn lợn đảm bảo theo quy định, thực hiện nghiêm quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và áp dụng các biện pháp cách ly cơ sở chăn nuôi với bên ngoài.

Các hộ chăn nuôi phải thực hiện tiêm vắc-xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt đối những bệnh trong danh mục bắt buộc phải tiêm phòng theo quy định của Bộ NN-PTNT; hoạt động tái đàn theo sự hướng dẫn, giám sát của chính quyền địa phương, cán bộ thú y.

Mặt khác phải có văn bản xác nhận của UBND cấp xã đối với diện tích sản xuất chăn nuôi của cơ sở chăn nuôi thuộc thuộc khu vực chăn nuôi tập trung. Văn bản xác nhận đủ điều kiện nuôi tái đàn của UBND huyện đối với cơ sở chăn nuôi theo quy định và quy mô chăn nuôi lợn nái ngoại. Có biên bản thẩm định đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất vốn vay bổ sung, thay thế đàn lợn nái ngoại của UBND huyện…

Hiện tại, tổng đàn lợn trên địa bàn thành phố Hải Phòng có khoảng 140.449 con, bằng 59,37% so cùng thời điểm năm ngoái. Trong đó lợn nái chỉ chiếm 10,55% tổng đàn, lợn thịt chiếm 76,91% và số lượng lợn con theo mẹ là 17.025 con, chiếm 12,39%. Điều đáng nói, hiện nay về cơ bản các hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ đều chưa đảm bảo điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, luôn tiềm ẩn nguy cơ tái phát bệnh Dịch tả lợn Châu Phi do chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị hiệu quả.

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng cho hay: “Hiện tại, địa phương cần trên 20.000 nái mới có thể đáp ứng được yêu cầu để đảm bảo con giống, phục vụ cho tái đàn sản xuất đối với cơ sở chăn nuôi đảm bảo điều kiện an toàn sinh học. Với tình trạng khan hiếm con giống và giá con giống cao như hiện nay, việc hỗ trợ người dân phát triển đàn nái là rất cần thiết. Góp phần giảm áp lực thiếu con giống cho ngành chăn nuôi lợn.

Nếu đề xuất được phê duyệt thì cuối năm nay mới có đàn lợn giống đầu tiên. Tuy nhiên, hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị hiệu quả cùng với tâm lý lo ngại bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tái phát trở lại, các cơ sở chăn nuôi nông hộ chưa thể khôi phục sản xuất với số lượng như trước khi có dịch”.

Xem thêm
Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất