Xử lý nghiêm tàu khai thác hải sản trái phép
Theo thống kê, hiện tại, TP Hải Phòng đang có 1.190 tàu đánh cá, trong đó tàu cá có Lmax từ 6m đến dưới 12m là 393 chiếc, tàu cá có Lmax từ 12m đến dưới 15m là 378 chiếc, tàu cá có Lmax từ 15m đến dưới 24 m là 349 chiếc và còn lại là tàu cá có Lmax từ 24 m trở lên. Nghề khai thác chủ yếu là chụp mực, lưới rê, lưới kéo.
Theo UBND thành phố Hải Phòng, các cơ quan, ban ngành trên địa bàn đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ nguồn lợi hải sản và chống khai thác bất hợp pháp IUU. Thông qua việc tuyên truyền và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm, nhận thức của ngư dân về chống khai thác hải sản bất hợp pháp ngày càng nâng cao, bước đầu đã tạo thói quen cho ngư dân thực hiện việc ghi chép hồ sơ, nhật ký, báo cáo khai thác và thực hiện trình báo với cơ quan chức năng khi đưa tàu xuất, nhập cảng.
Trong 2 năm (2018-2019), lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản, lực lượng biên phòng đã tiến hành tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động nghề cá, tiến hành xử lý vi phạm hành chính hoạt động trong lĩnh vực thủy sản 744 lượt phương tiện/xử phạt 3,172 tỷ đồng.
Đặc biệt, số lượng vi phạm trong khai thác ngày càng giảm, 100% tàu trên 90 CV cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên vẫn còn hạn chế nhất định, nhất là vẫn còn tàu chưa tuân thủ quy định như: lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đăng kiểm tàu cá hết hạn, kẻ biển số….
Để đảm bảo hoạt động khai thác thủy sản tuân thủ đúng theo pháp luật Việt Nam và các quy định của quốc tế, góp phần bảo vệ, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, UBND TP Hải Phòng đã có kế hoạch cụ thể để kiểm soát các hoạt động nghề cá trên địa bàn đến năm 2025.
Theo đó, UBND thành phố Hải Phòng đã giao cho Sở NN-PTNT tiếp tục là đầu mối hướng dẫn các tổ chức cá nhân có liên quan thực hiện. Đồng thời chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện ven biển tổ chức mở lớp tập huấn tuyên truyền cho ngư dân về các quy định pháp luật trong lĩnh vực thủy sản, chủ trương chính sách của nhà nước, của thành phố.
Đối với công tác thực thi pháp luật trên biển, tại các cảng cá, bến cá, sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển, tàu cá cập bến, xuất bến theo đúng quy trình, kiên quyết không cho ra khơi đối với tàu cá không đáp ứng đủ các thủ tục giấy tờ, các trang thiết bị an toàn theo quy định.
Tiếp tục bố trí phương tiện tàu kiểm ngư, thanh tra chuyên ngành thủy sản, cán bộ các phòng nghiệp vụ hoạt động thường xuyên tại các cảng cá và phối hợp với các trạm Biên phòng thực hiện kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn các chủ tàu cá thực hiện khai thác thủy sản theo đúng quy định đảm bảo khắc phục triệt để các quy định đặt ra cho tàu cá khi thực hiện khai thác thủy sản.
Mặt khác tăng cường thực thi pháp luật, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác thủy sản trên vùng biển Hải Phòng, cùng với các lực lượng liên quan phát hiện, ngăn chặn kịp thời tàu cá, ngư dân có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài. Đồng thời tăng cường nắm bắt tình hình, phát hiện, xác minh điều tra, xử lý nghiêm tàu cá khai thác trái phép trên vùng biển nước ngoài, các tổ chức, cá nhân có hành vi môi giới, tổ chức đưa tàu cá và ngư dân đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ thanh tra, kiểm tra
Để đảm bảo phát triển nghề cá, thực hiện tốt các quy định của luật pháp và chống khai thác IUU, UBND thành phố Hải Phòng đã có kế hoạch kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động cho Văn phòng, các tổ văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát.
Theo đó, năm 2020 và các năm tiếp theo cần chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tham gia công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá và trang bị cơ sở vật chất thiết yếu cho Văn phòng, tổ văn phòng để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Theo kế hoạch, đến năm 2025 Hải Phòng sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng Trung tâm nghề cá lớn tại xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên và nâng cấp, cải tạo các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.
Đồng thời đề nghị TW hỗ trợ cán bộ chuyên môn, trang thiết bị, tập huấn chuyên sâu, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn thành phố; hướng dẫn việc thẩm định, cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cho tàu cá, cảng cá theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, thành phố Hải Phóng cũng sẽ tổ chức lại hệ thống quản lý các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão trên địa bàn thành phố, đảm bảo đủ năng lực kiểm soát tàu cá cập cảng, xuất cảng, thu nhật ký khai thác, báo cáo khai thác hải sản và xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản theo quy định. Đến năm 2025 hoàn thành đầu tư xây dựng Trung tâm nghề cá lớn tại xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên và nâng cấp, cải tạo các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Phục vụ nhu cầu tàu thuyền của thành phố và các tỉnh bạn ra vào bốc dỡ, giao dịch mua bán hàng hóa được thuận lợi.
Mặt khác, sẽ tổ chức kiểm tra, rà soát hồ sơ, đăng ký, đăng kiểm tàu cá; bổ sung, cấp giấy phép khai thác thủy sản còn thiếu và cập nhật gia hạn, cấp đổi, cấp mới giấy phép khai thác thủy sản cho các tàu đã hết hạn giấy phép; hỗ trợ các chủ tàu hoàn thiện hồ sơ, thủ tục tàu cá; tổ chức xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản theo đúng quy định.
Về nguồn kinh phí thực hiện, theo ông Nguyễn Đình Chuyến - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, nguồn kinh phí thực hiện sẽ từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn đầu tư của doanh nghiệp, khu vực tư nhân, cộng đồng, nguồn vốn nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác.
"Riêng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện kế hoạch này được bố trí trong dự toán chi ngân sách chi tiết năm 2020 của Sở NN-PTNT, UBND các quận, huyện, từ nguồn kinh phí sự nghiệp ngành nông nghiệp và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định", ông Chuyến nói.