Ông Vũ Bá Công, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Hải Phòng cho biết thời gian qua, Hải Phòng đã tập trung chỉ đạo triển khai, vận động, tuyên truyền ngư dân chấp hành nghiêm các quy định trong hoạt động khai thác trên biển.
Ban đầu, Thành phố tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động ngư dân bằng hình thức xuống các tàu, triển khai các chủ tàu ký cam kết không vi phạm các quy định của Luật Thủy sản trong đánh bắt, và đa số các chủ tàu đã nghiêm túc triển khai. Tuy nhiên, một số chủ tàu vẫn chưa thực sự chấp hành.
Sở NN-PTNT Hải Phòng thời gian qua cũng đã chủ động mời Tổng cục Thủy sản xuống tập huấn, hướng dẫn ngư dân ghi chép nhật ký trong quá trình khai thác đánh bắt. Hải Phòng cũng đã tổ chức in ấn quyển nhật ký mẫu để phát cho các chủ tàu, và đã được các chủ tàu nghiêm túc thực hiện.
Trong thời gian tới, Sở NN-PTNT Hải Phòng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho ngư dân về vấn đề xác nhận nguồn gốc thủy hải sản đánh bắt. Các Ban Quản lý cảng cá cũng sẽ tiến hành triển khai giám sát đầy đủ hơn theo quy định pháp luật.
Hải Phòng cũng xác định việc phổ biến, chấp hành các quy định pháp luật về cấm đánh bắt bất hợp pháp không phải là nhiệm vụ của một cơ quan chuyên môn như Sở NN-PTNT, mà còn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, từ cấp chính quyền cơ sở (xã, phường) đến quận/huyện.
Để kiểm soát chặt hoạt động các tàu cá, Sở NN-PTNT TP Hải Phòng đã chủ động phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng ký quy chế phối hợp để triển khai, thực hiện kiểm tra, kiểm soát các tàu cá ra vào cảng. Theo đó, sẽ kiên quyết không cho tàu cá ra khơi nếu các tàu không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Các chủ tàu cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Cũng theo ông Vũ Bá Công, năm 2020, Sở NN-PTNT TP Hải Phòng đã tham mưu UBND Thành phố thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành do Sở NN-PTNT làm trưởng đoàn, có sự tham gia của các lực lượng như Bộ đội Biên phòng, Công an các quận/huyện có liên quan.
Theo đó đến nay, đã tiến 5 cuộc thanh tra, tới đây sẽ tiếp tục triển khai thanh tra, kiểm tra hai đợt nữa. Qua các cuộc thanh tra, đa số chủ tàu đều đã nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật trong quá trình hoạt động nghề cá. Đối với một số chủ tàu có những hành vi cố ý phạm lỗi, Thành phố đã kiên quyết ra các quyết định xử phạt hành chính, với số tiền xử phạt đến nay là gần 2 tỷ đồng.
Gần đây, Hải Phòng đã từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng cho nghề cá, theo đó TP Hải Phòng đã có quyết định công bố mở cảng cá Trân Châu và Ngọc Hải. Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT đã cũng chủ động tham mưu Thành phố, gần đây nhất ngày 5/10/2020, UBND TP Hải Phòng đã có tờ trình xin ý kiến HĐND Thành phố để ban hành nghị quyết về cơ chế hỗ trợ cho các chủ tàu về việc lặp đặt thiết bị theo dõi hành trình tàu cá và một khoảng thời gian nhất định để hỗ trợ thuê bao cước phí cho chủ tàu khi lắp đặt thiết bị theo dõi hành trình.
Theo Tổng cục Thủy sản, trong những cuộc làm việc vừa qua, phía Uỷ ban Châu Âu (EC) nhấn mạnh và khẳng định rất rõ, nếu Việt Nam còn tàu cá vi phạm các vùng biển nước ngoài, việc gỡ ‘thẻ vàng’ sẽ rất khó khăn.
Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm gỡ ‘thẻ vàng’ cho thủy sản, từ đầu năm 2019 đến nay, Tổng cục Thủy sản chưa có báo cáo phát hiện tàu cá nào của Việt Nam vi phạm vùng biển ở các quốc đảo Thái Bình Dương (trước đây còn vi phạm). Đây là chuyển biến hết sức tích cực.
Bên cạnh đó, 9 tháng đầu năm 2020, số vụ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài cũng đã giảm khoảng trên 50% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là con số rất ấn tượng, cần tiếp tục có những giải pháp mạnh hơn nữa để giảm thiểu, tiến tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài.