| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng sẽ tạo điều kiện để dân tận thu ngao sau cưỡng chế

Thứ Năm 08/09/2022 , 10:24 (GMT+7)

Chiều 6/9, đại diện một số Bộ, ngành TW cùng lãnh đạo UBND TP Hải Phòng đã có buổi đối thoại với 12 hộ nuôi ngao ở quận Hải An.

Đại diện các Bộ, ngành TW dự cuộc đối thoại. Ảnh: Đinh Mười.

Đại diện các Bộ, ngành TW dự cuộc đối thoại. Ảnh: Đinh Mười.

Về phía các cơ quan Trung ương gồm đại diện Thanh tra Chính phủ, Ban Tiếp công dân Trung ương, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), Cục An ninh nội địa (Bộ Công an), Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tại buổi làm việc, các hộ dân khiếu nại và kiến nghị 12 vấn đề liên quan đến xác định nguồn gốc đất nuôi ngao, việc chính quyền cấp phường đã từng xác nhận cho một số hộ dân nuôi ngao giai đoạn trước đây, việc không có các quyết định thu hồi diện tích nuôi ngao, việc giao đất cho các doanh nghiệp khai thác cát và cho rằng việc giải quyết đơn khiếu nại không đúng trình tự, thủ tục, không đúng thẩm quyền,…

Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan của UBND TP Hải Phòng đã trực tiếp đối thoại, trả lời các câu hỏi của người dân khách quan, rõ ràng và làm rõ vì sao phải thực hiện việc di dời các bãi nuôi ngao.

Ông Dương Đình Ổn – Chủ tịch UBND quận Hải An khẳng định, khu vực các hộ đang nuôi ngao trên địa bàn là vùng biển ven bờ, có một số gò cát hình thành tự nhiên nên các hộ đã tự quây bãi, nuôi trồng ngao. Khi nuôi ngao, các hộ không thực hiện thủ tục xin cấp phép nuôi ngao tại các cơ quan có thẩm quyền cấp phép và không khai báo với chính quyền địa phương.

Bà Đồ Thị Đào, người dân nuôi ngao trình bày nguyện vọng tại cuộc đối thoại. Ảnh: Đinh Mười.

Bà Đồ Thị Đào, người dân nuôi ngao trình bày nguyện vọng tại cuộc đối thoại. Ảnh: Đinh Mười.

UBND quận Hải An và các cơ quan chức năng có thẩm quyền không cấp phép cho các hộ nuôi trồng thủy sản trên khu vực biển thuộc quận Hải An.

Trước 5 câu hỏi của người dân đặt ra, ông Ổn đã đưa ra căn cứ chứng minh việc thực hiện các nội dung công việc đúng thẩm quyền, có căn cứ, khách quan và đúng theo quy định của pháp luật.

Đại diện Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cũng khẳng định, giấy phép khai thác thủy sản chỉ có giá trị trong khai thác và có thời hạn nhất định, không có giá trị trong nuôi trồng.

Việc quận Hải An phát hiện các hộ dân nuôi ngao trái phép vào thời điểm hiện tại và xử phạt hành chính theo các quy định hiện hành là đúng pháp luật.

Ông Nguyễn Thanh Chương - Giám đốc Công an TP Hải Phòng trình bày ý kiến tại cuộc đối thoại. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Nguyễn Thanh Chương - Giám đốc Công an TP Hải Phòng trình bày ý kiến tại cuộc đối thoại. Ảnh: Đinh Mười.

Đại diện Công an TP Hải Phòng và Bộ đội Biên phòng cũng đưa ra các bằng chứng để chứng minh việc tranh chấp địa bàn liên quan đến ngao - cát làm mất an ninh trật tự trên địa bàn và tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, cần thiết siết chặt công tác quản lý.

Với ngành nông nghiệp, ông Đỗ Gia Khánh – Giám đốc Sở NN-PTNT đã trực tiếp trả lời 2 câu hỏi liên quan.

Trong đó, về quy hoạch nuôi ngao giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030, ông Khánh cho biết, quy hoạch này mang tính chất định hướng, mới xác định được diện tích nuôi trồng tại một số địa phương nhưng chưa xác định cụ thể vị trí, ranh giới và không quy hoạch phát triển nuôi nhuyễn thể (ngao) trên địa bàn quận Hải An.

Hiện tại, quyết định phê duyệt quy hoạch này đã hết hiệu lực tại Quyết định số 2934/QĐ-UBND ngày 27/11/2019 của UBND TP Hải Phòng trên cơ sở quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 theo Luật Quy hoạch 21/2017/QH14.

Văn phòng UBND TP Hải Phòng đưa dẫn chứng về việc chỉ đạo liên quan đến các vụ xung đột ngao - cát tại cuộc đối thoại. Ảnh: Đinh Mười.

Văn phòng UBND TP Hải Phòng đưa dẫn chứng về việc chỉ đạo liên quan đến các vụ xung đột ngao - cát tại cuộc đối thoại. Ảnh: Đinh Mười.

Còn về dự án đầu tư xây dựng tuyến đê biển Nam Đình Vũ là công trình đê điều cấp IV, các hoạt động khai thác cát ở cách xa tuyến đê dự kiến xây dựng (khoảng 3 km), tùy theo quy mô khai thác có thể gây ảnh hưởng đến địa hình đáy biển nhưng không ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của tuyến đê.

Về việc cấp 22 Giấy phép mỏ khai thác khoáng sản (cát) cho các doanh nghiệp 'bị' người dân cho là có vấn đề, ông Trần Văn Phương – Giám đốc Sở TN-MT Hải Phòng khẳng định, trình tự tiếp nhận, thẩm định hồ sơ xin cấp phép hoạt động khoáng sản đảm bảo nguyên tắc, điều kiện cấp Giấy phép theo quy định tại Điều 4, Điều 40, Điều 53 Luật Khoáng sản; tuân thủ quy định của pháp luật về khoáng sản và quy hoạch hoạt động khoáng sản được UBND TP Hải Phòng phê duyệt.

Tại cuộc đối thoại, đại diện các cơ quan Trung ương tham dự cuộc họp đều cho rằng TP Hải Phòng đã rất cầu thị, chia sẻ để tổ chức cuộc họp này với đầy đủ thành phần theo như đề nghị của các hộ dân.

Bà Phan Thị Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) thông tin về các quy định của pháp luật liên quan đến cấp phép khai thác thủy sản. Ảnh: Đinh Mười.

Bà Phan Thị Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) thông tin về các quy định của pháp luật liên quan đến cấp phép khai thác thủy sản. Ảnh: Đinh Mười.

Các cơ quan liên quan giải đáp khá rõ ràng và các hộ dân nên trao đổi đối thoại hiểu nhau, thấu tình đạt lý song phải đảm bảo các quy định của pháp luật, tránh tình trạng khiếu kiện đông người, khiếu kiện vượt cấp… Bên cạnh đó, việc khai thác cũng phải bảo đảm được nguồn tài nguyên của địa phương phục vụ phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng kết luận, chính quyền luôn lắng nghe và tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, tuy nhiên tại buổi đối thoại, người dân tiếp tục không cung cấp được quyền sở hữu hợp pháp phần diện tích đang sử dụng để nuôi ngao.

Giấy phép khai thác một số hộ dân đưa ra vào thời điểm năm 2012, 2013 do UBND phường Tràng Cát ký, bên trong có ghi nội dung nuôi ngao là không có giá trị pháp lý và đều đã hết thời hạn (1 năm).

Bên cạnh đó, người dân chưa được cấp quyền quản lý, sử dụng phần diện tích để nuôi ngao thì sẽ không ban hành quyết định thu hồi.

Ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng kết luận các nội dung làm việc. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng kết luận các nội dung làm việc. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Tùng cũng cho biết, đã rà soát lại quy trình xử lý khiếu nại của các sở, ngành liên quan, việc cấp phép cho 22 mỏ cát là đúng quy định, do vậy UBND TP Hải Phòng không đồng ý với đề xuất của người dân là dừng việc cưỡng chế tu hồi phần diện tích nuôi ngao nói trên.

Đồng thời bác bỏ ý kiến di dời các mỏ cát đã được cấp phép ra khỏi khu vực nuôi ngao của 12 hộ dân, giao cho UBND quận Hải An tiếp tục thực hiện các quyết định hành chính và việc cưỡng chế theo kế hoạch nhưng sẽ cho người dân thời gian nhất định để thu hoạch ngao.

Đại diện các mỏ cát sẽ hỗ trợ người dân 30 triệu/1 ha nuôi ngao chồng lấn với khu vực khai thác cát đã được cấp phép. Trong thời gian tới, khi quy hoạch 3.000 ha diện tích mặt nước biển để nuôi ngao tại Tiên Lãng hoàn thiện, chính quyền sẽ có sự ưu tiên cho các hộ đã từng nuôi ngao nếu có nhu cầu.

Hiện nay, có 28 hộ đang nuôi ngao trên địa bàn quận Hải An với diện tích 726,36ha. Các hộ nuôi ngao không chỉ là người dân thường trú trên địa bàn quận Hải An mà gồm nhiều hộ dân thường trú tại các tỉnh khác như: Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa,…

Ngày 22/9/2021, UBND TP Hải Phòng đã có văn bản yêu cầu các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản không phép trước 30/11/2021 phải thực hiện xong việc di dời toàn bộ tài sản, vật nuôi ra khỏi khu vực biển đã được cơ quan có thẩm quyền giao cho các tổ chức khai thác khoáng sản.

Tuy nhiên, đến nay, tại quận Hải An mới cưỡng chế di dời toàn bộ tài sản, vật nuôi trong vi phạm 161ha tại Khu công nghiệp DeepC 2A và có 15/28 hộ dân tự nguyện di dời.

Xem thêm
Tín hiệu khả quan kết thúc năm khó khăn của ngành tôm ĐBSCL

ĐBSCL Tại ĐBSCL, thời điểm này đang cao điểm thu hoạch tôm, giá tôm nguyên liệu có tín hiệu tăng từ nửa đầu tháng 9, dự kiến còn giữ đà tăng đến đầu năm sau.

Lúng túng xử phạt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

BÌNH ĐỊNH Sau khi bắt giữ tàu cá vi phạm, cơ quan chức năng nước ngoài không cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan khiến nhiều vụ kéo dài do không đủ cơ sở xử lý.

Xuất khẩu cá tra có thể đạt 2 tỷ USD

Theo VASEP, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam 2024 có thể đạt mục tiêu 2 tỷ USD và ngành này sẽ tiếp tục duy trì triển vọng khả quan trong năm 2025.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.