| Hotline: 0983.970.780

Hai sắc thái của ruộng hoang: [Bài I] Anh hùng phủ lấm bụi mờ

Thứ Ba 23/07/2019 , 14:04 (GMT+7)

Như một đám cháy, tình trạng bỏ ruộng hoang đang loang nhanh ra khắp miền Bắc. Thay vì giấu giếm hay dùng những mệnh lệnh hành chính vô nghĩa để ngăn cản thì nên chăng nhìn nhận nó cả dưới góc độ tích cực là tạo tiền đề cho việc tích tụ đất đai để có được những đại điền chủ kiểu mới…

Ông Phùng Đức Trình - bảo vệ UBND xã Hợp Thịnh (Tam Dương, Vĩnh Phúc) lách cách tra chìa vào ổ khóa mở cửa hội trường rồi cầm giẻ tỉ mẩn lau lớp bụi đang bám mờ trên khung kính của tấm cờ Anh hùng Lao động tặng cho HTX Hợp Thịnh thủa nào nay đã bợt bạt. Một chút ánh sáng lóe lên trong đôi mắt già nua. Chốc lát ông như được sống lại thời thanh niên sôi nổi của mình 30 năm về trước, khi còn là một nhóm trưởng sản xuất của HTX…

Ông Trình lau bụi cho lá cờ Anh hùng Lao động của HTX Hợp Thịnh.

Thỉnh thoảng ông lại có nhiệm vụ mở khóa như thế để cho các đoàn khách vãng lai vào đây chụp ảnh với lá cờ. "Hồi đó, chúng tôi lao động “thật hạt” vì chẳng có nghề nào khác ngoài làm nông. Đất chật, người đông nên mỗi nhân khẩu chỉ có 1,1 sào ruộng. Nhà tôi 5 người, cấy hai vụ lúa mỗi vụ thu hoạch trên 1 tấn thóc, trồng một vụ ngô đông thu hơn 1,3 tấn hạt. Lúa để người ăn còn ngô để chăn nuôi và bán.

Tôi vẫn nhớ công thợ xây khi ấy là 20.000 đồng tương đương 12 - 13kg thóc còn làm ruộng đến mùa chia thóc cho số ngày trong vụ thu nhập bình quân cũng đạt 5 - 6kg tương đương với 8.000 - 9.000 đồng. Giờ công của thợ xây đã lên 300.000 đồng trong khi thu nhập từ làm ruộng vẫn chỉ 8.000 - 9.000 đồng/ngày, chênh lệch chừng 30 lần mà dịch bệnh mỗi lúc một nhiều, đầu tư cho sản xuất mỗi lúc một cao. Vụ lúa mùa nhiều hộ đã bỏ còn vụ đông thì cả xã bỏ", ông kể.

Chính nhờ vụ ngô đông trên nền đất ướt mà HTX Hợp Thịnh được phong anh hùng, Chủ nhiệm về sau thăng tiến lên thành Chủ tịch tỉnh. Ông Phùng Đắc Thái - nguyên Bí thư xã giai đoạn 1988 - 2005 hồi ức: Trước khoán 10 dân chán ruộng vì không thấy quyền lợi gì ở trong đó, ngày công chỉ có 2 - 3 lạng thóc. Chính quyền mới nghĩ ra cách phân loại lao động A, B, C theo giấy khám sức khỏe do Trạm trưởng Trạm Y tế xã cấp.

A phải cấy 1,2 mẫu, B phải cấy 7 sào còn C chỉ cấy 5 sào. Trong dân cứ râm ran đồn anh này, chị kia giả ốm hoặc biếu xén cái gì đó để xin được xuống hạng B, C. Hồi ấy, ông Thái đang là Phó Chủ nhiệm HTX phụ trách lao động, mỗi tháng phải ký duyệt vào chồng đơn dày cộm của các xã viên nên cũng có nghe phong thanh về chuyện đó nhưng chẳng biết thực hư thế nào.

Mức thu sản nặng nề, nhiều gia đình không thể nộp nên cứ đến mùa số quạt máy, đài, xe đạp, giường tủ, bàn ghế… lại chất đầy kho HTX. Trong giấy tờ của những gia đình này đều bị ghi dòng chữ: “Không chấp hành chủ trương, đường lối của nhà nước” khiến cho con cái họ đi đâu, làm gì cũng khó. HTX khi đó quản lý cả đất ở, đất nông nghiệp lẫn các ngành nghề, quyền hành của Chủ nhiệm còn bao trùm cả Chủ tịch xã.

Đói, đầu gối phải bò. Xã viên lũ lượt trốn đi làm thêm. Đàn ông thì xây, đàn bà thì chạy chợ khiến cho chính quyền phải cắt cử cả một đội bảo vệ đông tới 20 người ngày đêm chốt chặn các trục đường mà cũng không xuể. Kẻ nào chẳng may bị bắt phải viết kiểm điểm, nếu cố tình không chịu lao động phải è cổ đóng nghĩa vụ quy ra tiền tương đương 15 - 20 công. Vợ ông Phó Chủ nhiệm cũng đêm đêm hòa theo dòng người bí mật lẻn sang thị trấn Hương Canh của huyện bên mua chum vại rồi ngược lên tận Bắc Hà (tỉnh Lào Cai), Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) đổi sắn chống đói...

Con bù nhìn cắm trên thửa ruộng hoang ở huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.

Khoán 10 như một cây đũa thần biến đổi người nông dân từ ghẻ lạnh sang nặng tình với đất. Mùi bùn non mới ngấu, mùi rơm rạ mới gặt, mùi lúa mới phơi quyến rũ họ hơn bất cứ thứ mùi gì trên đời. Không một thước đất bị bỏ phí. Ngoài hai vụ lúa, dân Hợp Thịnh còn tiên phong sáng tạo nên vụ ngô đông trên nền đất ướt, mở ra một cuộc cách mạng mới về lương thực cho toàn miền Bắc đang đói kém theo công thức sáng gặt lúa, chiều trồng ngô bầu.

Đất ruộng có hạn, ông Phùng Văn Gia ở thôn Thọ Khánh đã thử nghiệm trồng ngô cả dưới…ao. Tát cạn nước, ông cắm bầu xuống bùn nhưng vì ngộ độc nên thân cây cứ còi cọc mãi. Khi thay đổi đủ mọi cách chăm sóc, tình cờ ông phát hiện ra ngâm nước tiểu với tro bếp, kali để bón thì ngô mới chịu được bùn. Vậy là từ đó người người tiết kiệm từng giọt nước tiểu đến mức đi chơi nhà hàng xóm mót đái mấy cũng cố nhịn để dành cho cái vại tro ở nhà mình. Gia đình nào cũng nuôi trâu bò để lấy sức kéo đồng thời khai thác thêm phân, nước tiểu.

Họ tát cạn hết các ao chuôm trong làng, vun bùn thành luống để trồng ngô. Khi có đoàn khách 14 tỉnh thành miền Bắc về tham quan, dân Hợp Thịnh còn bàn với đại biểu Hà Nội rằng: “Hồ Giảng Võ của các bác nhà em cũng có thể trồng ngô được”. Tiếng tăm về vụ ngô đông của xã còn bay cả đến tai đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Võ Văn Kiệt…

Sau mỗi vụ, nhà ai cũng mọc lên 5 - 7 “bông hoa ngô” là những thân cây tre được dựng thẳng trên đó ngô buộc cả bắp, lớp lớp, chùm chùm. Hai vụ lúa phải đóng thuế nên chỉ đủ ăn còn vụ ngô đông được miễn là nguồn chi tiêu cho cả gia đình. Có ngô là có quần áo mới, có học phí đóng cho con, có một cái tết ấm no với chai rượu cam, gói mứt, 1 - 2kg thịt bồm (thịt vụn), 1 - 2 lạng chè bồm (chè vụn) cùng 1 - 2 gói chè Hồng Đào giêng hai dành để mừng thọ...
 

Tối hôm ấy tôi ngủ lại nhà lão nông tri điền Nguyễn Văn Hùng ở thôn Tân Thịnh để nghe đầy tai nỗi ngao ngán ruộng đồng. Thủa nào cứ 3h sáng hai bố con đã thức dậy rồi theo xe trâu gà gật ra đồng cày, tối đến lại tranh thủ đeo đèn cấy cố mà giờ vụ này nhà ông Hùng chỉ cấy vài sào ruộng cho đủ ăn. Trưởng thôn Lê Quốc Sơn nhẩm tính thôn có 20/150 mẫu đang bỏ không ở các xứ đồng Lỗ Chối, Sống Mé, Cống Ma…

Phùng Đắc Sơn: "Bà con cứ bỏ hoang ruộng kiểu xôi đỗ, chỗ này một mảnh, chỗ kia một mảnh nên nhiều người gọi cho mượn em cũng đành chịu”

“Làng có láng giềng làng. Đồng có láng giềng đồng”. Những thửa ruộng hoang là nơi trú ngụ của chuột bọ, sâu bệnh để tấn công sang thửa ruộng còn cấy khiến cho vụ sau lại phải cùng bỏ hoang tiếp. Trong chừng 350 lao động nông nghiệp của làng hiện chỉ có 2 người trẻ là Phùng Đắc Sơn và Nguyễn Văn Thành.

Sơn vốn là công nhân nhưng xin nghỉ về làng sắm máy móc, thuê 4ha đất với giá chỗ tốt 50 - 70kg thóc/sào/năm, chỗ xấu 30 - 40kg thóc/sào/năm để trồng ớt, đu đủ và lúa đặc sản. Lăn lộn cùng với thiên tai, dịch bệnh, được mùa mất giá, tính ra lờ lãi cũng được khoảng 200 triệu/năm.

Nở nụ cười rất sáng trên khuôn mặt đen nhẻm, Sơn bảo: “1 lao động nông nghiệp nếu có đủ máy móc phải làm khoảng 2ha mới cho thu nhập bằng 1 công nhân nhưng vì tiếc ruộng hoang mà em cố. Khổ nỗi đất bà con cứ bỏ hoang kiểu xôi đỗ nên nhiều người gọi cho mượn cũng đành chịu”.

Ông Nguyễn Văn Trình thở dài: “Nhà tôi có 7 sào, chỉ cấy một vụ xuân mà còn thừa thóc ăn đến vụ xuân sang năm. Mất mùa với người nông dân giờ cũng không phải cái gì ghê gớm nữa bởi đi ăn 4 cái đám cưới đã tốn 800.000 đồng rồi, bằng hơn 1 tạ lúa. Xưa đến mùa còn phải đi canh trộm giờ lúa cứ phơi ngoài đường cả tấn, tối đến chỉ phủ bạt lại phòng sương chứ chẳng ai thèm xúc trộm. Ngay cả đến ăn mày hai năm nay cũng chê không nhận gạo nữa mà chỉ lấy tiền mặt. Mức cho thấp nhất cũng phải 10.000 đồng. Nếu ai cho 5.000 đồng thì vừa ra đến cổng đã có tiếng nói xéo: “Cho thế này chẳng mua nổi một hai que kem”.

Ruộng hoang bỏ nhiều chỗ nhưng trên giấy tờ lại không hề thể hiện, ngay cả cán bộ Phòng Nông nghiệp Tam Dương cũng khẳng định rằng không. Tích tụ đất đai khó khăn khiến cả huyện mới chỉ có 1 mô hình mang chút công nghệ cao là trang trại rau hoa 2ha của anh Đỗ Trung Kiên ở thị trấn.

Chị Nguyễn Thị Chung có 5 sào ruộng chỉ cấy 2 sào còn 3 sào cho một công ty thuê trồng dược liệu. Nhà có 4 khẩu, chồng đi xây, 2 con đi công nhân còn chị đi thêu cho một công ty ngoại quốc. Công việc khá nhàn hạ, làm 8 tiếng được 135.000 đồng còn tăng ca mỗi tiếng được thêm 30.000 đồng, cuối tháng lĩnh trung bình 5 - 6 triệu.

Tuy nhiên, ngày 1/5 vừa qua, 22 chị em tuổi từ 50 như chị đã bị sa thải đột ngột với lý do là kém mắt, kém sức nhưng thực ra là để không phải tăng lương. Sau 10 năm gắn bó họ vẫn không hề được đóng bảo hiểm mà chỉ hợp đồng theo thời vụ 3 tháng một. Mỗi đợt trên về kiểm tra định kỳ thì công ty lại báo cho nghỉ, kiểm tra đột xuất thì bảo lẻn trốn về từng người…
 

Lão nông Nguyễn Anh Đài ở thôn Thọ khánh tâm sự rằng ngày trước không biết nghị lực ở đâu, sức mạnh ở đâu mà gia đình mình có thể cấy tới 2,8 mẫu ruộng trong khi chỉ có mỗi đôi bàn tay trắng. Không có đồng hồ nên vợ chồng ông trông vào ánh trăng để thức giấc, ăn chập chuội bát cơm nguội rồi đi làm. Có buổi cày xong 2 - 3 sào ruộng rồi mà mãi vẫn không thấy mặt trời đâu, hóa ra cả hai đã bị ánh trăng sáng đánh lừa.

Anh Hùng đi trên thửa ruộng hoang chỉ còn sót lại ít lúa chét từ vụ trước ở khu đồng Sậy 

Giờ thì ông bà vẫn làm ruộng nhưng trong cơn chán nản: “Con trai tôi làm kẻ biển quảng cáo, con dâu làm thợ may, mỗi tháng chúng kiếm được 14 triệu đồng tương đương với 2 tấn thóc trong khi bố mẹ cấy 8 sào, trừ hết các khoản mỗi vụ không lãi nổi 100.000 - 200.000 đồng. Thằng con tôi cày không biết, ngâm ủ mạ không biết, cấy không biết, đến cào lúa cũng không biết cách cầm bàn chang, nó bảo: “Nắng lắm! Bố cứ đi thuê hết đi, con trả tiền!”. Lớp già bỏ ruộng thì xót nhưng cánh trẻ không gắn bó như nó sao thấy chạnh lòng được?

Hợp Thịnh có 230ha lúa, vụ này bỏ khoảng 30ha. Chán nhưng nông dân không dễ “nhả” ruộng ra cho người khác thuê. Cách đây 2 năm có công ty về muốn thuê 10ha đất trồng rau, trả tới 140kg thóc/sào/năm và cam kết sử dụng lao động địa phương. Họp xã, họp thôn, họp lên, họp xuống cuối cùng vẫn không thuyết phục được dân nên doanh nghiệp đành phải ngậm ngùi rút.

Tôi gặp Nguyễn Ngọc Hùng khi anh đang vác cái thuyền trên lưng như một con rùa vác cái mai khổng lồ. Chỉ cho tôi 7 mẫu ruộng bỏ không ở đồng Sậy ngay dưới chân mình, anh tiếc rẻ: “Của 100 hộ đấy, tôi định hỏi thuê rồi sắm máy móc trồng một vụ lúa, thả một vụ cá nhưng nhà đồng ý, nhà lại không…”.

Anh Hùng bơi thuyền kiểm tra cá thả trên ruộng hoang ở khu đồng Sậy 
Xưa thiếu việc làm nên nông dân sống chết bám vào đồng ruộng, ngay cả muốn đi phụ vữa cũng phải sắp cái lễ gồm ván xôi, con gà, chai rượu đến bàn thờ tổ nhà ông thợ cả. Giờ có quá nhiều việc để lựa chọn, thợ cả sáng phải đến tận cổng nhà mời ăn, chiều mời đi uống, thợ chỉ việc xỏ tay túi quần mà chẳng cần mang theo thùng đồ nghề gì nữa.

--------------

Đón đọc kỳ tới: "Khi đồng ruộng không khác gì một viện dưỡng lão"

Xem thêm
Thủ tướng nêu 3 nhiệm vụ quan trọng trong quy hoạch tỉnh Lạng Sơn

Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát 3 nhiệm vụ hết sức quan trọng với Lạng Sơn trong thực hiện quy hoạch tỉnh.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Xu hướng du lịch tự túc tăng cao dịp nghỉ lễ

TP.HCM Với thời gian nghỉ lễ dài, nhiều người dân ở TP.HCM đã lên kế hoạch đi du lịch. Đáng chú ý, du lịch tự túc đang được nhiều người lựa chọn.