| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 23/09/2020 , 05:50 (GMT+7)
Vũ Hữu Sự

Vũ Hữu Sự

Nhà Văn 05:50 - 23/09/2020

Hai tết hay một tết?

Ông Đinh Việt Hòa, Chủ tịch Hiệp hội khởi nghiệp quốc gia (VINEN) cho rằng nên lựa chọn một tết thay vì hai tết như hiện nay, và nên lựa chọn Tết Dương lịch.

Liên quan đến việc Bộ LĐ-TB&XH đề xuất nghỉ Tết Dương lịch năm 2021 một ngày và nghỉ Tết Âm lịch Tân Sửu 7 ngày, ông Đinh Việt Hòa, Chủ tịch hiệp hội khởi nghiệp quốc gia (VINEN) cho rằng nên lựa chọn một tết thay vì hai tết như hiện nay, và nên lựa chọn Tết Dương lịch.

Ý kiến trên của vị chuyên gia rất đáng suy nghĩ. Vẫn biết Tết Âm lịch, đối với người Việt Nam, là hết sức thiêng liêng. Đó là ngày đón năm mới theo lịch trăng, ngày sum họp gia đình sau một năm lao động vất vả, ngày thể hiện lòng hiếu kính với tổ tiên, ngày chúc nhau, nói với nhau những lời tốt đẹp nhất, mong sao sang năm mới làm ăn phát đạt, hanh thông, “vạn sự như ý”, mọi rủi ro được rũ sạch…

Tết Âm lịch là tết của một xã hội nông nghiệp khép kín, tự cung tự cấp, và nó chỉ thích hợp với xã hội ấy. Nhưng trong thời đại công nghiệp hóa, thời đại 4.0 này, thì những ngày Tết Âm lịch đã gây ra rất nhiều hệ lụy.

Nghỉ tết kéo dài gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế. Không ít doanh nghiệp chỉ vì “vướng” tết mà lỡ việc thực hiện hợp đồng kinh tế, bị đối tác phạt rất nặng, thậm chí mất mối làm ăn. Mà nào chỉ có 7-8 ngày nghỉ tết.

Rất nhiều cơ quan, sau tết vẫn rượu chè, vẫn chúc tụng nhau, vẫn lễ này hội nọ đủng đà đủng đỉnh đến tận hết tháng Giêng, gây ra một sự lãng phí rất vô ích. Tết còn là dịp để bọn làm ăn bất chính lợi dụng để đút lót những người có chức có quyền dưới dạng quà tết, mong được làm ngơ để sang năm tiếp tục tham nhũng, làm trái pháp luật.

Nước ta đang tiến những bước rất dài trong việc hội nhập với thế giới. Hội nhập, nghĩa là phải chấp nhận luật chơi chung, không thể “một mình một chợ”. Chúng ta đã ký được rất nhiều hiệp định thương mại với nước ngoài. Chính vì vậy mà không thể để nước ngoài đang thực hiện những điều khoản trong hiệp định một cách bình thường thì lại “tắc” vì chúng ta còn “bận” ăn tết, chơi tết.

Vậy nên chăng để tiếp tục hội nhập sâu hơn nữa, cần chọn một quá trình tịnh tiến, từng bước rút ngắn thời gian nghỉ Tết Âm lịch, tiến tới quy định Tết Âm lịch chỉ nghỉ một ngày, chọn Tết Dương lịch là tết chính.

Việc bỏ Tết Âm lịch, đương nhiên, những năm đầu sẽ gây cho không ít người một tâm lý hụt hẫng. Nhưng nếu quyết làm, thì vẫn làm được, và thời gian sẽ giúp làm cho Tết Âm lịch trở thành sở hữu của lịch sử.

Hãy nhìn việc cấm pháo thì biết. Đốt pháo ngày tết và trong đám cưới, với người Việt, là tập quán đã có từ cả ngàn năm nay. Việc cấm pháo lúc đầu cũng khiến đại đa số người dân thấy hụt hẫng vì “không có pháo, tết không còn là tết, cưới không còn là cưới” nữa.

Nhưng đến nay, toàn dân đã quen hẳn với việc tết nhất, cưới cheo không còn nghe tiếng pháo, và những kẻ buôn bán pháo lậu hay cố tình đốt pháo trong lúc giao thừa, trong tiệc cưới còn bị người dân lên án.

Chọn Tết Dương lịch chính là việc thể hiện quyết tâm hội nhập của chúng ta.