Năm ngoái, Hàn Quốc ám chỉ quan tâm đến tàu sân bay, nói rằng họ sẽ đóng một "tàu vận tải lớn đa năng". Nhưng trong kế hoạch quốc gia cho giai đoạn 2021-2025, được công bố trong tuần này, lần đầu tiên chính phủ cam kết rõ ràng về việc đóng mới thiết bị trị giá hàng tỷ USD.
"Tàu sân bay cấp 30.000 tấn có thể vận chuyển lực lượng quân sự, thiết bị và vật liệu. Nó có thể vận hành máy bay chiến đấu có khả năng cất và hạ cánh thẳng đứng", thông cáo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết.
"Nó sẽ cho phép quân đội ngăn chặn hiệu quả hơn các mối đe dọa và điều động lực lượng cũng như vật liệu đến một khu vực tranh chấp trên biển bằng cách đóng vai trò như một tàu kiểm soát cho đơn vị hải quân".
Dự kiến, Hàn Quốc sẽ mua máy bay chiến đấu F-35B do Mỹ sản xuất, có khả năng cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng, tương thích với một tàu sân bay cỡ nhỏ. Đây là loại máy bay chiến đấu hạ cánh thẳng đứng và cất cánh ngắn duy nhất được sản xuất trên thế giới.
Hàn Quốc sẽ cùng Nhật Bản và Mỹ triển khai F-35B trên các hàng không mẫu hạm hạng nhẹ ở tây Thái Bình Dương.
Trước đó, vào tháng 12/2018, Nhật Bản thông báo họ đang trang bị lại các tàu khu trục chở trực thăng lớp Izumo để mang F-35B. Đây là một động thái mang tính bước ngoặt khi nước này không đưa tàu sân bay ra biển kể từ Thế chiến thứ hai.
Chuyển đổi tàu JS Izumo nằm trong số các dự án mà Nhật Bản đã liệt kê trong sách trắng quốc phòng gần đây nhất theo kế hoạch bắt đầu vào năm tài chính 2020.
Mỹ cũng đặt căn cứ tàu tấn công đổ bộ, như Hải quân Mỹ gọi là tàu sân bay cỡ nhỏ, với F-35B ở Nhật Bản.
Với lượng choán nước 30.000 tấn, kích thước của tàu Hàn Quốc sẽ gần với đối tác Nhật Bản hơn là tàu USS America 43.000 tấn đang được triển khai tới Nhật Bản.
Trung Quốc cũng đang đóng các tàu tấn công đổ bộ cỡ lớn. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn chưa có máy bay chiến đấu với khả năng cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng để sử dụng kèm.
Một kho vũ khí đắt tiền
Hàn Quốc không đưa ra ước tính chi phí cho tàu sân bay hạng nhẹ, nhưng chính phủ Mỹ báo cáo giá một phiên bản mới của USS America - lớn hơn tàu của Hàn Quốc từ 25% đến 30% - vào khoảng gần 4 tỷ USD. Máy bay chiến đấu F-35B có giá khoảng 122 triệu USD mỗi chiếc.
"Phân tích chi phí và lợi ích thực sự cần phải được thực hiện. Có đáng để đầu tư hay không?", Chun In-bum, một tướng quân đội Hàn Quốc ba sao đã nghỉ hưu, đặt câu hỏi.
Ông cho biết các lĩnh vực như hậu cần, huấn luyện và thậm chí là đài tốt hơn cho quân đội Hàn Quốc nên được ưu tiên.
Khi mua F-35B, Hàn Quốc cùng với Mỹ, Nhật Bản và Anh là những quốc gia duy nhất sở hữu máy bay chiến đấu tàng hình đa năng, mà nhà sản xuất Lockheed-Martin cho biết "định nghĩa lại loại máy bay chiến đấu đa năng".
F-35B là máy bay phản lực tàng hình thế hệ thứ năm, có khả năng bay với tốc độ Mach 1,6 - gấp rưỡi tốc độ âm thanh - và hạ cánh thẳng đứng.
Máy bay có thể mang hai tên lửa không đối không và hai quả bom dẫn đường nặng 1.000 pound trong khoang chứa vũ khí bên trong của chúng.
Các máy bay này đi kèm với bộ phần mềm, về lý thuyết, cho phép chúng giao tiếp trong thời gian thực trong trận chiến không chỉ giữa các lực lượng Hàn Quốc mà còn với các quốc gia khác đang sử dụng F-35, chẳng hạn như Mỹ, Nhật Bản và Australia, những nước có mô hình F-35A.
Lockheed-Martin cho biết khả năng cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng của chúng cho phép chúng hoạt động từ đường bộ hoặc sân bay nhỏ cũng như tàu - nghĩa là chúng có thể ở gần chiến trường hơn và có thời gian thực hiện nhiệm vụ nhanh hơn so với máy bay chiến đấu thông thường.
Carl Schuster, cựu thuyền trưởng Hải quân Mỹ và là cựu giám đốc hoạt động tại Trung tâm tình báo chung của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương cho biết: “Lợi thế chính mà tàu sân bay nhỏ mang lại cho Hàn Quốc là được sử dụng như một sân bay di động.
“Tàu sân bay cũng có thể mở rộng tầm hoạt động của quân đội Hàn Quốc - có thể tới tận Ấn Độ Dương”, ông Schuster cho biết. “Nó báo hiệu Hải quân Hàn Quốc có ý định hoạt động xa nhà hơn hiện tại”.
Bên cạnh mọi vai trò chiến đấu có thể xảy ra, quân đội Hàn Quốc cho biết tàu sân bay mới "cũng sẽ hoạt động như một căn cứ quân sự đa năng trên biển trong các tình huống phi quân sự. Ví dụ như hoạt động cứu hộ công dân khi xảy ra thảm họa hoặc tai nạn".