| Hotline: 0983.970.780

'Hàng cây Sáu Đấu' sừng sững một biểu tượng

Thứ Sáu 15/01/2021 , 08:28 (GMT+7)

Ngày nay, du khách đi qua con đường từ xã Đại Điền đến xã Phú Khánh, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) đều ngỡ ngàng trước những hàng cây to, vươn thẳng lên bầu trời xanh.

Hàng cây dầu xã Phú Khánh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Thành Hiệp.

Hàng cây dầu xã Phú Khánh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Thành Hiệp.

Đó là những cây dầu cổ thụ do một cán bộ đứng ra trồng cách nay gần nửa thế kỷ. Chính vì vẻ đẹp của hàng cây đã thôi thúc chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Chơi (Sáu Đấu), 81 tuổi, cựu Bí thư xã Phú Khánh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, người "khai sinh" ra hàng cây để tìm hiểu lý lịch con đường.

Ông Nguyễn Văn Chơi cho biết: Hồi mới giải phóng, xã còn nghèo lắm, đường đất lồi lõm, mùa mưa lầy lội, cầu ván cầu tre khó đi, hai bên đường toàn là cây tạp. Thấy vậy tôi đề nghị bà con nên trồng cây lâu năm như cây dầu chẳng hạn để vừa tạo bóng mát, vừa có cây gỗ tốt làm nhà, đóng bàn ghế và làm cầu đường nhưng bị nhiều người phản đối, không tán thành. Không nản lòng, tôi chịu khó đến từng hộ dân giải thích, vận động. Cuối cùng bà con cũng đồng tình ủng hộ. Tôi rất mừng.

Ông Sáu Đấu cho biết, sở dĩ ông đề nghị trồng cây dầu là vì năm 1978, trong lúc nằm điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh, thấy trong khuôn viên bệnh viện có những hàng dầu xanh tốt, cây to, bóng mát, sáng chiều gió thổi vi vu, không khí thật trong lành nên ông nảy ra ý tưởng "nếu mang cây này về quê mình trồng hai bên đường thì hay biết mấy".

Ông Nguyễn Văn Chơi (Sáu Đấu). Ảnh: Thành Hiệp.

Ông Nguyễn Văn Chơi (Sáu Đấu). Ảnh: Thành Hiệp.

Từ suy nghĩ đó, ông quyết tâm thực hiện cho kỳ được. Tranh thủ thời gian dưỡng bệnh, ông ra sân tìm lượm hột già rơi rụng cho vào bao chờ khi nào xuất viện sẽ mang về.

Về tới nhà, sau khi ổn định sức khỏe, ông cùng một số bạn bè ủng hộ ông đem hột ra ươm, dự kiến trồng 3.000 cây con dọc theo hai bên lề đường dài khoảng 1.500m.

Vì chưa có kinh nghiệm trồng cây dầu, năm đó lại bị hạn mặn nên số cây chết hơn phân nữa. Cho tới giờ phút này, sau 42 năm chăm sóc, số cây trưởng thành, vươn cao trung bình 20m, chỉ cón 1.100 cây.

Mặc dù tuổi già sức yếu, khách đến nhà, ông phải ngồi một chỗ tiếp chuyện nhưng mỗi lần ai hỏi về tiểu sử hàng cây, nhất là phóng viên báo đài, vị cựu bí thư đều nhiệt tình, vui vẻ, sẵn sàng chia sẻ.

Ông cho biết lúc mới trồng, bản thân ông và cán bộ xã hằng ngày thay phiên nhau chăm sóc, tưới nước nhất là mùa khô hạn. Ngoài ra còn phải canh giữ không cho trâu bò cắn phá; ban đêm thì canh gác không cho kẻ xấu phá hoại.

Ông lấy làm tự hào về hàng cây do chính tay ông và một số bạn bè gầy dựng. Theo ông, hàng dầu này không những tỏa bóng mát, lợi ích kinh tế mà còn bảo vệ môi trường sạch - xanh - đẹp.

Cây dầu 42 năm trên đường Phú Khánh. Ảnh: Thành Hiệp.

Cây dầu 42 năm trên đường Phú Khánh. Ảnh: Thành Hiệp.

Ông Nguyễn Văn Út, 80 tuổi, người cùng xóm cho biết: "Hồi mới trồng khó khăn lắm nhưng thấy ông Sáu Đấu quyết tâm quá nên tụi tui hết lòng ủng hộ. Khi cây đâm chồi, anh em chúng tôi rất mừng. Hơn 40 năm qua, bà con ở đây đã quen gọi tuyến đường này là "đường Sáu Đấu". Gần đây đã có rất nhiều đoàn quay phim đến đây dựng cảnh, mời chúng tôi kể về sự ra đời của con đường độc, lạ này".

Điều đáng trân trọng hơn nữa là người dân xã Phú Khánh luôn xem hàng cây này như là biểu tượng của địa phương, ai ai cũng đều phấn khởi khi kể về "hàng cây Sáu Đấu". Mọi người luôn bảo nhau chăm sóc tốt "báu vật" của địa phương mình.

Ngoài hàng dầu quý hiếm, hiện nay tại xã Phú Khánh còn có nhiều con đường trồng cây bạch đàn, cây sao rất xanh tốt tạo được những gam màu xanh đầy sức sống trên vùng đất anh hùng và chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.