| Hotline: 0983.970.780

Hàng chục hồ chứa hồi phục ‘sức khỏe’ nhờ dự án WB8

Thứ Năm 17/03/2022 , 14:33 (GMT+7)

Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn Bình Định có 16 hồ chứa đã rệu rã được hồi phục ‘sức khỏe’ nhờ nguồn vốn từ dự án WB8.

Nhiều hồ chứa như “răng rụng”

Trên địa bàn Bình Định hiện có 163 hồ chứa lớn nhỏ; trong đó, có 61 hồ chứa lớn là những hồ có 25 cửa van và 36 tràn tự do, 37 hồ chứa vừa là những hồ có 2 cửa van và 35 tràn tự do, 65 hồ chứa nhỏ là những hồ có 4 cửa van và 61 tràn tự do.

Theo ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, hầu hết những hồ chứa ở Bình Định đều được xây dựng từ những năm đầu giải phóng và chủ yếu là những hồ chứa nhỏ. Bởi, Bình Định là tỉnh có rất nhiều núi, nhất là vùng phía Tây tỉnh chạy dọc theo dãy Trường Sơn từ Bắc vào Nam. Núi non trùng điệp đã tạo nên địa hình khắc nghiệt, nhiều địa hình trông như chiếc bát úp, không liên kết với nhau nên không thể xây dựng hồ thủy lợi có dung tích chứa lớn.

“Bình Định đã có quy hoạch thủy lợi cụ thể, nhưng không phải chỗ nào cũng có thể xây dựng hồ chứa lớn. Nơi có vùng tưới rất cần nước nhưng địa hình không cho phép, nơi có địa hình thuận lợi thì không có vùng tưới nên nếu làm hồ chứa lớn thì không phát huy được hiệu quả. Trước thực trạng trên, ngành thủy lợi Bình Định đành dựa vào thế núi để xây dựng những hồ chứa nhỏ nhằm đáp ứng nhu cầu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Đến nay, mỗi vụ sản xuất, các hồ chứa ở Bình Định đã cung cấp nước tưới cho 48.000 ha lúa và hàng chục ngàn ha đất màu, đáp ứng được yêu cầu của những vùng sản xuất nhỏ lẻ, không tập trung”, ông Chương cho hay.

Hồ Định Bình ở huyện Vĩnh Thạnh được UBND Bình Định đề nghị Bộ NN-PTNT đầu tư nâng cấp trong thời gian tới. Ảnh: V.Đ.T.

Hồ Định Bình ở huyện Vĩnh Thạnh được UBND Bình Định đề nghị Bộ NN-PTNT đầu tư nâng cấp trong thời gian tới. Ảnh: V.Đ.T.

Thêm vào đó, hầu hết những hồ chứa ở Bình Định được xây dựng trong giai đoạn đất nước còn khó khăn, nên mức độ đầu tư vào thời điểm ấy chưa đúng yêu cầu, cộng thêm trình độ thi công còn hạn chế, nên qua thời gian dài gần 50 năm khai thác đã trở nên “rệu rã”. Đặc biệt là các tràn xả lũ khi đã bị xuống cấp thì khả năng thoát lũ không đáp ứng được so với yêu cầu an toàn.

Hơn nữa, các hồ chứa ở Bình Định được xây dựng theo thiết kế cách đây đã hơn 40 năm, nên bây giờ các tràn xả lũ đã trở nên lạc hậu đối với những thay đổi do ảnh hưởng biến đổi khí hậu. Ví như hiện nay mưa trở nên cực đoan hơn, nên cần xả lũ lưu lượng lớn hơn, trong khi tràn xả lũ được xây dựng theo thiết kế cũ không đáp ứng được yêu cầu nói trên. Thêm vào đó, hành lang thoát lũ bảo vệ công trình của các hồ chứa không còn bảo đảm, nhất là hành lang thoát lũ sau tràn. “Vào thời điểm sau ngày giải phóng, vì nhu cầu sản xuất, các cấp huyện, xã đều tham gia xây dựng hồ thủy lợi nên mức đầu tư hạn chế và kỹ thuật thi công không đảm bảo chất lượng”, ông Hồ Đắc Chương chia sẻ.

Những hồ chứa được phục hồi “sức khỏe”

Từ năm 2016 đến nay, cũng theo ông Hồ Đắc Chương, nhờ nguồn vốn của dự án WB8 mà trên địa bàn Bình Định có 16 hồ chứa đã được nâng cấp, sửa chữa. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ thực hiện chương trình bảo đảm an toàn các hồ chứa nước của Chính phủ thông qua sửa chữa, nâng cao an toàn các đập và hồ chứa ưu tiên; tăng cường quản lý, vận hành an toàn đập ở cấp quốc gia và cấp hệ thống nhằm bảo vệ dân cư và cơ sở hạ tầng, kinh tế, xã hội vùng hạ du.

Hầu hết các hồ chứa ở Bình Định đều là hồ nhỏ, được xây dựng sau năm 1975. Ảnh: V.Đ.T.

Hầu hết các hồ chứa ở Bình Định đều là hồ nhỏ, được xây dựng sau năm 1975. Ảnh: V.Đ.T.

Cải thiện an toàn đập và các công năng thiết kế của đập thông qua sửa chữa, nâng cấp, trang bị các thiết bị quan trắc, lập kế hoạch vận hành và bảo trì. Tăng cường thể chế ở cấp quốc gia và hệ thống về quản lý an toàn đập thông qua hoàn thiện khung thể chế về an toàn đập bao gồm cả việc xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn, tăng cường năng lực và cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan. Dự án cũng đồng thời nâng cao năng lực quản lý lũ ở cấp lưu vực và cơ chế phối hợp vận hành hồ chứa thông qua cải thiện năng lực dự báo, xây dựng kế hoạch quản lý lũ lụt tổng hợp và đào tạo tăng cường năng lực.

16 hồ chứa ở Bình Định được nâng cấp, sửa chữa từ năm 2016 đến nay bằng nguồn vốn của dự án WB8 là: Hồ Cự Lễ ở xã Hoài Phú và hồ Giao Hội ở xã Hoài Tân (thị xã Hoài Nhơn); hồ Hưng Long và hồ Hóc Tranh ở xã An Hòa (huyện An Lão); hồ Đá Bàn ở xã Ân Phong, hồ Mỹ Đức ở xã Ân Mỹ, hồ Kim Sơn ở xã Ân Nghĩa, hồ Suối Rùn ở xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân); hồ An Tường ở xã Mỹ Lộc, hồ Núi Miếu ở xã Mỹ Lợi, hồ Hố Cùng ở xã Mỹ Thọ, hồ Trinh Vân ở xã Mỹ Trinh, hồ Hố Trạnh ở xã Mỹ Chánh, hồ Cây Me ở xã Mỹ Trinh (huyện Phù Mỹ); hồ Lỗ Môn ở xã Tây Giang (huyện Tây Sơn), hồ Thạch Bàn ở xã Cát Sơn (huyện Phù Cát).

“Riêng trong năm 2021, Bình Định hoàn thành nâng cấp 4 hồ chứa nước gồm: Cây Me, Hố Trạnh, Suối Mây và Đồng Đèo 2; hệ thống tưới, tiêu Tà Loan. Hoàn thành xây dựng mới cầu Ngòi thuộc tuyến ĐT 633 Chợ Gồm-Đề Gi. Lắp đặt 7 thiết bị đo mưa, mực nước cho các hồ thuộc dự án WB8. Từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng ngày càng tốt và hiệu quả trong phòng, chống thiên tai”, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho hay.

Hồ Núi Một ở thị xã An Nhơn được UBND Bình Định đề nghị Bộ NN-PTNT đầu tư nâng cấp trong thời gian tới. Ảnh: V.Đ.T.

Hồ Núi Một ở thị xã An Nhơn được UBND Bình Định đề nghị Bộ NN-PTNT đầu tư nâng cấp trong thời gian tới. Ảnh: V.Đ.T.

“Trong giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Bình Định tiếp tục đầu tư nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật lồng ghép với phòng chống thiên tai. Nâng cấp 12 hồ chứa bằng vốn ngân sách tỉnh và 14 hồ chứa từ vốn Bộ NN-PTNT; sửa chữa 6 đập dâng tăng khả năng thoát lũ và cải thiện điều kiện vận hành; xây mới đập dâng Phú Phong trên sông Kôn, các đập dâng trên sông Hà Thanh nhằm cải thiện tình trạng thiếu nước; công trình chuyển nước từ kênh Văn Phong ra sông La Tinh; đưa hồ Đồng Mít vào sử dụng phát huy tốt nhiệm vụ giảm lũ hạ du; xây dựng khu neo đậu tàu thuyền trú, tránh bão cho tàu cá đầm Đề Gi. Đồng thời, tỉnh Bình Định tiếp tục đề nghị Bộ NN-PTNT đầu tư nâng cấp hồ Định Bình, hồ Núi Một làm nhiệm vụ cắt lũ, giảm ngập cho hạ du”, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Thương hiệu phải cam kết mạnh mẽ với người tiêu dùng

Thương hiệu được xây dựng trên nền tảng chất lượng sẽ rất vững chãi, nhưng sẽ thiếu đi tính lan tỏa nếu thiếu sự kết nối mạnh mẽ với khách hàng.