Chương trình đào tạo đầu tiên
Những năm gần đây, thị trường nuôi thú cưng (chủ yếu chó, mèo cảnh, chim cảnh) tại Việt Nam có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại các khu vực tỉnh, thành phố phát triển.
Theo số liệu thống kê của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, tính đến năm 2022 cả nước có 8 triệu chó cảnh và 2 triệu mèo cảnh. Doanh số ngành chăm sóc thú cưng tại Việt Nam chiếm 13% (tương đương 500 triệu đô la) tại khu vực Đông Nam Á.
Khi ngành chăm sóc thú cưng ngày phát triển, mở rộng nhu cầu về nguồn nhân lực bác sĩ thú y, thú cưng, người có trình độ chuyên môn cao về lĩnh vực này trở nên khan hiếm.
Số liệu khảo sát năm 2022, nhu cầu nhân lực bác sĩ thú ý chuyên ngành thú cưng giai đoạn 2022 - 2027 chủ yếu thuộc 2 nhóm đối tượng. Trong đó, phòng khám và bệnh viện thú ý (54%), các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, thú ý (44%), số còn lại (7%) là các cơ quan nhà nước.
Từ đó, Khoa Chăn nuôi - Thú y, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đã xây dựng chương trình đào tạo theo hướng người học sau khi tốt nghiệp có thể thực hiện kỹ năng chuẩn đoán, phòng và trị bệnh cho vật nuôi hoặc tự thực hiện các mô hình kinh doanh lĩnh vực chuyên sâu về thú cưng.
Đến năm 2023, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên là đơn vị tiên phong mở ngành đào tạo bác sĩ thú y chuyên ngành thú cưng (hệ chính quy). Đây là ngành học xuất hiện lần đầu tiên tại các cơ sở đào tạo về lĩnh vực chăn nuôi và thú y tại Việt Nam.
Theo đó, thời gian đào tạo của chương trình là hơn 4 năm, với hình thức học tín chỉ. Phạm vi tuyển sinh trên toàn quốc, đối tượng là những thí sinh tốt nghiệp THPT, dựa vào điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, đạt điểm đảm bảo chất lượng đầu vào được Nhà trường xác định và công bố theo quy định.
Tạo cơ hội việc làm
Trao đổi với phóng viên Báo Nông Nghiệp Việt Nam, bà Phan Thị Hồng Phúc, Trưởng Khoa Chăn nuôi, Thú y, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên cho biết, việc mở chuyên ngành thú cưng xuất phát từ năng lực đào tạo, nhu cầu xã hội cũng như sứ mệnh, mục tiêu và định hướng phát triển của Trường đại học Nông Lâm Thái Nguyên.
Chương trình đào tạo về thú cưng sẽ góp phần thúc đẩy chiến lược phát triển của Nhà trường trong tương lai, phấn đấu đến năm 2030, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên trở thành một trong những đại học hàng đầu ở Việt Nam.
"Với năng lực đào tạo, chúng tôi có đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, trình độ tiến sĩ trên 60%. Các học phần do giảng viên Nhà trường và một số chuyên gia hàng đầu tại Việt Nam và quốc tế giảng dạy. Từ đó giúp học viên có kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành cơ bản, có khả năng làm việc độc lập trong lĩnh vực này", bà Phúc chia sẻ.
Cũng theo bà Phúc, những học viên sau khi tốt nghiệp có nhiều cơ hội việc làm tại các phòng khám, bệnh viện thú ý, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thú y, thú cưng, các cơ quan hành chính sự nghiệp cấp xã, phường trở lên cũng như các cơ sở giáo dục, đào tạo như cao đẳng, đại học có liên quan đến chuyên ngành.
Việc mở chuyên ngành thú cưng được đánh giá là phù hợp với chiến lược phát triển của Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên khi đào tạo đa ngành. Đây cũng là ngành học có ứng dụng thực tiễn cao, tạo ra nguồn nhân lực, việc làm cho người lao động, đáp ứng nhu cầu xã hội, thị trường trong tương lai.