| Hotline: 0983.970.780

Hàng hóa đi tới đâu, địa giới mở tới đó

Thứ Ba 14/09/2021 , 16:55 (GMT+7)

Phát biểu tại tọa đàm kết nối cung cầu nông, thủy sản 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị địa phương kết nối không gian phát triển.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì buổi tọa đàm tại điểm cầu Bộ NN-PTNT. Ảnh: Bảo Thắng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì buổi tọa đàm tại điểm cầu Bộ NN-PTNT. Ảnh: Bảo Thắng.

Nông sản cần tiêu thụ vẫn còn rất lớn

Tại buổi Tọa đàm "Kết nối cung - cầu nông - thủy sản giữa các tỉnh, thành ĐBSCL và TP.HCM" diễn ra ngày 14/9, thông tin từ các địa phương ĐBSCL cho thấy lượng nông, thủy sản còn tồn đọng, đang và sẽ được thu hoạch và cần được tiêu thụ trong những tháng cuối năm là rất lớn.

Ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết, lượng nông sản còn chờ thu hoạch  trên địa bàn tỉnh là khá lớn. Bến Tre còn trên 35.000 tấn trái cây, 300 triệu trái dừa ăn quả, 140 triệu trái dừa công nghiệp cùng sản lượng lớn thủy hải sản như tôm, nghêu, sò…

Theo ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, sản lượng lúa sẽ thu hoạch của tỉnh này là 367 ngàn tấn. Bên cạnh đó là 150 ngàn tấn hoa màu thu hoạch trong tháng 9; trong tháng 10 và 11 khoảng 112 ngàn tấn/tháng và tháng 12 là 125 ngàn tấn. Ngoài ra, Trà Vinh còn có trên 100 ngàn tấn trái cây và khoảng 105 ngàn tấn thuỷ, hải sản cần được tiêu thụ trong thời gian tới.

Đến thời điểm này, những khó khăn, vướng mắc trong thu hoạch, vận chuyển nông, thủy sản ở ĐBSCL, nhìn chung đã được tháo gỡ khá nhiều với sự vào cuộc tích cực của các Bộ NN-PTNT và các bộ, ngành liên quan, chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp...

Tuy nhiên, do dịch bệnh, nhiều hệ thống phân phối lớn vẫn đang thiếu hụt nguồn hàng ở một số nhóm hàng nông sản, thực phẩm, hoặc một số địa phương vẫn đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ một số loại nông sản.

Bà Trần Kim Nga, Giám đốc đối ngoại của MM Mega Market, cho biết, nhiều nhà máy chế biến thủy sản ở ĐBSCL đang phải ngừng hoạt động vì không đảm bảo "3 tại chỗ". Những nhà máy còn hoạt động thì bị giảm công suất khá nhiều do số lượng công nhân tham gia bị hạn chế, cùng với chi phí tăng cao. Các nhà máy này lại đang ưu tiên thực hiện các đơn hàng xuất khẩu. Do đó, MM Mega Market đang thiếu hụt nguồn hàng thủy sản đông lạnh.

Trước đây, các mặt hàng thực phẩm khô, đồ hộp của MM Mega Market chủ yếu được cung cấp từ các nhà máy chế biến nông, thủy sản ở Tiền Giang. Nhưng hiện hầu hết các nhà máy này đã phải ngừng hoạt động do yêu cầu phòng chống dịch của địa phương nên MM Mega Market đang bị “đứt” nhiều mặt hàng khô, đồ hộp.

Mở dần lại các kênh truyền thống và hiện đại

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, PGĐ Sở Công Thương TP.HCM, ở thời điểm trước dịch bệnh, nhu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm của thành phố vào khoảng 10-12 ngàn tấn thực phẩm tươi sống mỗi ngày. Trong đó, các chơ đầu mối, chợ truyền thống, bếp ăn tập thể chiếm tới 8-9 ngàn tấn/ngày. Còn lại là các kênh phân phối hiện đại, kênh bình ổn giá...

Chính vì vậy, để góp phần quan trọng vào việc khơi thông tiêu thụ nông, thủy sản ĐBSCL cũng như đáp ứng được nhu cầu của ngươi dân TP.HCM, việc mở dần lại kênh phân phối truyền thống có ý nghĩa rất quan trọng.

Ông Phương cho biết, việc điểm tập kết hàng hóa ở chợ đầu mối Bình Điền vừa được thí điểm mở cửa trở lại trong những ngày qua cho thấy rõ điều này. Trong ngày đầu tiên, lượng thủy sản, rau củ được tập kết về đây là 28 tấn và liên tục tăng lên trong những ngày sau đó. Hiện đã lên tới trên 100 tấn/ngày. Sở Công Thương TP.HCM đang làm việc với các đơn vị liên quan để mở lại điểm tập kết nông, thủy sản ở các chợ đầu mối Hóc Môn và Thủ Đức.

Việc TP.HCM cho phép các sàn thương mại điện tử được hoạt động trở lại, shipper công nghệ được di chuyển liên quận, cũng được kỳ vọng là góp phần không nhỏ làm gia tăng lượng nông sản, thực phẩm tiêu thụ trong thời gian tới.

Hướng đến tình hình bình thường mới

Gắn bó với đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan trăn trở, day dứt khi thấy nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng nông, thủy sản trong khu vực bị đứt gãy, đời sống của bà con nông dân bị ảnh hưởng. Nhiều ruộng tôm, ao cá, lúa ngoài đồng đến kỳ thu hoạch nhưng không bố trí được nhân lực vì giãn cách xã hội từ đầu tháng 7/2021.

Ông bày tỏ: "Không có khuôn phép, quy chuẩn nào ứng xử với dịch Covid-19. Ngành nông nghiệp nói riêng và cả nước nói chung phải chấp nhận vừa đi vừa dò đường, chấp nhận sai sót để vừa sửa để hoàn thiện. Không thể trông chờ một cách vận hành bình thường trong điều kiện không bình thường này".

Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, toàn thế giới đang hướng đến tình hình bình thường mới, khi vacxin được tiêm trên diện rộng, tạo miễn dịch cộng đồng. Trong xu thế ấy, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Dù kết quả chưa đạt kỳ vọng như trước đại dịch, mọi thành phần trong xã hội, từ người dân, chính quyền, đến doanh nghiệp đều phải chung tay giảm thiểu rủi ro để hướng tới ngày mai xán lạn hơn.

Trên quan điểm ấy, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, cần xem lại vai trò của thương lái trong các hoạt động mua bán, kinh doanh và chế biến nông, thủy sản tại ĐBSCL. Ông coi đây là thành phần cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế hiện đại, góp phần gia tăng giá trị thặng dư và đem lại nhiều lợi ích cho các chuỗi giá trị.

Nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng nông, thủy sản trong khu vực bị đứt gãy, đời sống của bà con nông dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng nông, thủy sản trong khu vực bị đứt gãy, đời sống của bà con nông dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

"Hồi đầu dịch, mấy ai coi trọng ông thương lái, thậm chí xem đó là thành phần phụ, gạt sang một bên. Nhưng khi các hoạt động bị đứt gãy, thương lái cho thấy vai trò không thể thiếu trong cách vận hành của thị trường", Bộ trưởng nói tiếp.

Nhân nói chuyện thương lái, Bộ trưởng Lê Minh Hoan lộ vẻ ngạc nhiên khi không thấy đề nghị nào liên quan tới việc tiêm vacxin cho thương lái. Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, Đinh Thị Phương Khanh nói thêm, rằng thương lái vốn "mang tiếng" từ trước dù có vai trò quan trọng. Bà Khanh cũng vạch ra nguyên nhân, nằm ở độ vênh giữa các kịch bản ứng phó với thực tiễn dịch bệnh bởi Covid-19 là "chưa có tiền lệ".

Để giữ được sự thông suốt, liền lạc, không chỉ trong thời gian Covid-19 mà còn cả trong điều kiện bình thường mới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan ví von với hình ảnh “doanh nghiệp, người dân và chính quyền đang ngồi chung một chiếc xuồng”, cùng kiến tạo nên một hệ sinh thái. Ở đó, mỗi người đều được sẻ chia, và tự tìm thấy nghĩa vụ, bổn phận phát triển nơi mình đang sống.

"Trong tình hình mới, chúng ta phải tạo lập ra thế cân bằng, cả trong cảm xúc lẫn hành động, làm sao để xuồng không chông chênh, và đủ sức vượt qua sóng gió. Tôi hay nói về chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phát huy tư tưởng sống cùng nhau, để cùng chia sẻ, gỡ rối các khó khăn, vướng mắc", Bộ trưởng trăn trở.

Mở rộng không gian phát triển

Ngoài định hướng sản xuất phù hợp với tình hình bình thường mới, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan còn chủ trương, lập một kịch bản ứng phó chung cho các khu vực, trước mắt là ĐBSCL.

Trong hơn 65 ngày giãn cách, Bộ trưởng nhận thấy, nhiều tỉnh, thành phố có sự lúng túng trong cách ứng phó. Chỗ này bảo được, chỗ khác nói không. Nguyên do bởi, đại dịch ập đến, số ca F0 tăng cao gây áp lực lớn lên hệ thống chính trị địa phương. 

"Mục tiêu kép mà Chính phủ đặt ra đôi khi bị chao đảo, mất cân bằng vì tốc độ diễn biến dịch bệnh quá nhanh. Chúng ta không chủ quan, nhưng không được phép mất bình tĩnh. Tuy nhiên, phản ứng từ địa phương chưa mang tính hệ thống, đồng bộ. Đó là vì các tỉnh, thành thiếu người kết nối không gian phát triển", lãnh đạo ngành nông nghiệp gợi mở.

Với mục tiêu, "hàng hóa đi tới đâu, địa giới mở tới đó" và "hàng hóa tự vận động, không tuân theo địa giới hành chính", Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị cách tư duy mới. Đó là xem 13 tỉnh ĐBSCL, với 20 triệu dân, như một thể đồng nhất. Bởi, người nuôi tôm ở Bạc Liêu, có thể bán ở Trà Vinh; thương lái Cần Thơ sẵn sàng thu mua lúa tại Đồng Tháp; hay doanh nghiệp chế biến thủy sản TP. HCM vẫn hàng ngày thu gom nguyên liệu dưới Cà Mau.

Tháng 11/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết 120 về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Sau gần 4 năm Nghị quyết 120 được thực hiện, Bộ trưởng Lê Minh Hoan muốn nâng kết quả ấy lên một tầm cao mới.

Ông chủ trương, bỏ chia cắt về địa giới hành chính trong tư duy phát triển, đẩy mạnh liên kết vùng, mở rộng không gian phát triển. Quan trọng nhất, là đối xử với 13 tỉnh ĐBSCL như một thực thể.

Trong thực thể ấy, hàng hóa giống như những mạch máu, nếu không thông suốt, sẽ dẫn đến tình trạng phình chỗ nọ, hụt chỗ kia.

"Ở người, sẽ dẫn đến cao huyết áp hoặc thiếu máu", Bộ trưởng giãi bày. "Nhưng điều ấy sẽ không còn nếu chúng ta có chính sách nhất quán giữa các địa phương, và đối xử với tất cả bình đẳng".

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, đã phối hợp với các đơn vị của Bộ NN-PTNT tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến thương mại và kết nối cung - cầu, tiêu thụ nông sản trong thời gian qua.

Qua buổi làm việc, bà Nga kêu gọi các Bộ, ban, ngành và địa phương cần có những biện pháp cởi trói sớm để bù đắp lượng thiếu hụt cho 2 tháng chống dịch vừa rồi. Bên cạnh đó, bà đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong việc việc kêu gọi các tỉnh ĐBSCL tăng cường kết nối, thông suốt lưu thông hàng hóa nông sản.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cho vay theo chuỗi giá trị, kênh 'bơm vốn' giảm rủi ro trong sản xuất nông nghiệp

Hội thảo 'Thực trạng cho vay theo chuỗi giá trị tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á' thảo luận về các kinh nghiệm tín dụng nông nghiệp hiện nay.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cảnh báo: Vùng núi Bắc bộ có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Các chuyên gia cảnh báo, trong những ngày tới, mưa lớn có nguy cơ gây ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi Bắc bộ.