Theo ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, những năm trước, thời gian này, Sở Công thương đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng Tết. Tuy nhiên năm nay, do điều kiện khó khăn về việc đi lại, nên Sở Công thương cùng các đơn vị cung ứng phải xuống các tỉnh, làm việc với Sở Công thương các tỉnh để rà soát lại nguồn hàng, xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa phục vụ Tết để báo cáo UBND TP.HCM.
“Sở Công thương cam kết, việc cung ứng hàng hóa Tết cho người dân sẽ đảm bảo đầy đủ như mọi năm, cho dù bất cứ tình huống nào xảy ra”, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM khẳng định.
Ông Tú cũng cho hay, tình hình chung của thị trường tại TP.HCM đến hôm nay nguồn cung ứng ổn định. Nguồn hàng tại ba điểm tập kết trung chuyển hàng hóa tại ba chợ đầu mối khoảng 1.800 tấn/đêm, đáp ứng được nhu cầu của TP.HCM, không có nhiều biến động.
Về chợ truyền thống, ông Tú cho biết, đến nay đã mở được 129/234 chợ. Dự kiến từ nay đến hết ngày 31/10 sẽ mở thêm được 16 chợ truyền thống.
Liên quan đến việc phục vụ ăn uống tại chỗ đối với hệ thống các nhà hàng tổ chức tiệc cưới, ông Tú cho biết, đối với các nhà hàng tại các cơ sở lưu trú, cơ sở thăm quan phục vụ khách du lịch sẽ do Sở Du lịch hướng dẫn. Còn về nhà hàng tiệc cưới, vẫn thực hiện theo Chỉ thị 18, phụ lục 1 nêu rõ: “Trong nhà tối đa 10 người, ít nhất 90% số người đã tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 hoặc khỏi bệnh Covid-19 thì tối đa 60 người; tương ứng ở ngoài trời là 15 người và 90 người.
“Đối với tiệc cưới thì nước uống có cồn và hoạt động sau 21 giờ là được phép. Riêng số lượng người phải thực hiện theo Chỉ thị 18”, ông Tú nhấn mạnh.
Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không được phép bán, cũng như cho khách sử dụng đồ uống có cồn nhưng vi phạm thì chủ cơ sở kinh doanh sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật, cơ quan có thẩm quyền xử lý về vi phạm hành chính trong phòng chống dịch.
“Trong văn bản 3569, không có nghĩa rằng ở trên địa bàn TP Thủ Đức, quận 7 là tất cả các đơn vị đều bán đồ uống có cồn được. Mà nêu rõ, UBND TP Thủ Đức và UBND quận 7 căn cứ tình hình thực tế của địa phương để quyết định cụ thể khu vực nào, phường nào thuộc TP Thủ Đức, địa phương nào thuộc quận 7 được bán đồ uống có cồn. Không phải mặc nhiên tất cả 100% đều được mở bán đồ uống có cồn”, ông Tú nhấn mạnh.
Tại cuộc họp báo, ông Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, sau khi lãnh đạo UBND TP.HCM đồng ý tạm ngưng các chốt kiểm soát liên tỉnh từ 18h ngày 26/10, Giám đốc Công an TP.HCM đã có chỉ đạo đến công an các quận huyện, phòng CSGT tăng cường tuần tra kiểm soát lưu động, xử lý vi phạm tại các bến xe, bến tàu, các tuyến đường vận chuyển hàng hóa, hành khách liên tỉnh, kiểm tra việc chấp hành các tiêu chí an toàn phòng chống dịch Covid-19.
Các đơn vị của Công an TP.HCM đã tổ chức trên 600 tổ/ngày tuần tra kiểm soát. Kết quả đã xử lý 1.563 trường hợp vi phạm ATGT, với tổng số tiền xử phạt là 248.733 triệu đồng và xử lý 4 trường hợp vi phạm theo quy định 177 về phòng chống Covid-19.
"Từ ngày 1/10 đến nay, Công an TP.HCM đã tăng cường các biện pháp phòng chống tội phạm, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn TP cơ bản ổn định. Theo thống kê số vụ việc phạm pháp hình sự đã xảy ra 216 vụ, giảm 78 vụ so với cùng kỳ 2020. So với thời gian liền kề thì số vụ có tăng 96 vụ.
Tội phạm đáng lưu ý là cướp giật tài sản xảy ra 26 vụ (giảm 22 vụ so với cùng kỳ), trộm cắp tài sản có 98 vụ (giảm 29 vụ so với cùng kỳ), lừa đảo chiếm đoạt tài sản là 22 vụ (tăng 12 vụ so với cùng kỳ)", ông Hà thông tin.
Theo ông Lê Văn Minh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, tính đến 18 giờ ngày 27/10, có 428.568 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 428.054 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 514 trường hợp nhập cảnh.
Hiện đang điều trị 10.988 bệnh nhân, trong đó: 751 trẻ em dưới 16 tuổi, 257 bệnh nhân nặng đang thở máy, 11 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 27/10, có 1.272 bệnh nhân nhập viện, 869 bệnh nhân xuất viện, 25 trường hợp tử vong trong ngày.