Chiều ngày 1/11, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM đã chủ trì buổi họp báo về tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố.
Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TPHCM cho biết, theo kết quả đánh giá cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố, hiện TP.HCM đang ở cấp độ 2. Đối với các quận huyện và TP Thủ Đức có 13/22 địa phương đạt cấp độ 1; 9/22 địa phương đạt cấp độ 2 (gồm quận 3, quận 11, quận 12, quận Bình Tân, Bình Thạnh, Phú Nhuận, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè, huyện Hóc Môn); không có địa phương đạt cấp độ 3.
Tính đến 18 giờ ngày 31/10, TP.HCM ghi nhận 432.703 trường hợp mắc Covid-19, bao gồm 432.183 ca nhiễm trong cộng đồng, 520 trường hợp nhập cảnh. Hiện đang điều trị 11.230 bệnh nhân, trong đó có 653 trẻ em dưới 16 tuổi, 255 bệnh nhân nặng đang thở máy, 11 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 31/10, có 624 bệnh nhân nhập viện, 473 bệnh nhân xuất viện, 25 trường hợp tử vong trong ngày.
Tổng số mũi vacxin phòng Covid-19 đã triển khai tiêm đến ngày 31/10 là 13.332.473, trong đó mũi 1 là 7.608.475; mũi 2 là 5.723.998.
Theo ông Phạm Đức Hải, hiện TP.HCM vẫn còn ở cấp độ 2 dịch Covid-19, trong đó một số phường xã ở cấp độ 3. “Mỗi ngày, TP.HCM vẫn có hơn 1.000 ca nhiễm Covid-19. Do đó, người dân vẫn không được chủ quan, lơ là, tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp khó lường”, ông Hải nhấn mạnh.
Theo Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Thị Kim Ngọc, tính đến ngày 1/11, tại khu công nghiệp có 1.342/1.412 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại (đạt 95%) với tổng số lao động là 216.000/288.000 lao động (đạt 87%); tại Khu công nghệ cao đạt 88/88 doanh nghiệp (đạt 100%) với tổng số lao động 145.000 (84%).
Liên quan đến việc doanh doanh nghiệp tự đánh giá mức độ an toàn phòng chống dịch Covid-19 sau khi khôi phục hoạt động trở lại, bà Ngọc cho biết, trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, TP.HCM đã ban hành nhiều chỉ đạo phù hợp với từng giai đoạn phòng chống dịch của TP.HCM.
Như trong tháng 7, 8 TP.HCM có quy định về sản xuất “ba tại chỗ”, “một cung đường hai điểm đến”; sau đó đến tháng 9 có bộ tiêu chí 3308 của UBND TP.HCM ban hành để thực hiện công tác phòng chống dịch theo điều kiện sản xuất. Ngày 1/10, TP đã ban hành Chỉ thị 18. Ngày 15/10, TP.HCM ban hành Quyết định 3589 về Bộ tiêu chí, trong đó giao các doanh nghiệp lựa chọn phương án sản xuất phù hợp để đảm bảo các điều kiện an toàn trong sản xuất.
“Các doanh nghiệp thực hiện khôi phục sản xuất sẽ tiến hành đăng ký các phương án sản xuất tại các KCN, KCX, KCNC và UBND các quận huyện”, bà Ngọc cho hay.
Về vấn đề an sinh xã hội, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, để đảm bảo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 05 của TP.HCM, để giải quyết căn cơ tình hình an sinh xã hội trên địa bàn, TP.HCM triển khai đồng bộ, nhanh chóng, kịp thời hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững trên TP. “Đây là sự nỗ lực của toàn đảng bộ nhân dân TP.HCM, trong đó cấp ủy chính quyền ở địa phương là then chốt”, ông Lâm nói.
Do đó, để giảm nghèo bền vững căn cơ, trước hết phải thúc đẩy có hiệu quả về lao động việc làm bằng các giải pháp phù hợp để thu hút lao động trở về sản xuất, chăm lo đào tạo nghề để bồi dưỡng cho đội ngũ lao động chất lượng cao, đóng góp ra những sản phẩm cho xã hội. Đồng thời, khẩn trương áp dụng chiến lược khoa học công nghệ để thúc để quá trình tái sản xuất, tăng cường công tác thông tin truyền thông đi trước để người dân hiểu và ủng hộ. Đây là những bước đi cơ bản để đảm bảo an sinh xã hội.
Tại cuộc họp báo, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng công tác chính trị Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, hiện nay trên toàn địa bàn Thành phố còn 236 cơ sở giáo dục chưa được trao trả lại sau thời gian làm nơi phục vụ cho công tác phòng dịch (trong đó có 31 trường THPT). Theo ông Trọng, dự kiến trong tháng 11 sẽ bàn giao, tuy nhiên một số cơ sở vẫn chưa có thời gian bàn giao cụ thể.
“Sở GD-ĐT TP.HCM cũng có đoàn kiểm tra và đã đề nghị các quận, huyện phối hợp các phòng, chuyên môn liên quan rà soát, xây dựng phương án sửa chữa cơ sở vật chất tại các trường, đảm bào an toàn cao nhất khi học sinh đi học trở lại”, ông Trọng nói.
Về kế hoạch dạy học trực tiếp trở lại, ông Trọng cho hay, Sở GD-ĐT đã phối hợp Sở Y tế trao đổi vấn đề về chuyên môn, giải pháp an toàn cũng như tham mưu UBND TP.HCM kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp trong thời gian tới. Hiện nay, ngành giáo dục đang phối hợp với ngành y tế tổ chức tiêm vacxin cho học sinh trong độ tuổi 12-17 tuổi. Đến nay, việc tiêm chủng đã ở giai đoạn thêm mũi 1 cho học sinh.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, đến chiều ngày 31/10, sau 5 ngày triển khai chiến dịch tiêm vacxin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, đến nay Thành phố đã tiêm vacxin cho 445.398 trẻ, bao gồm 200.018 trẻ từ 16-17 tuổi, 245.380 trẻ từ 12-15 tuổi. TP.HCM đã ghi nhận tổng cộng có 42 trường hợp phản ứng nhẹ sau tiêm. Chiến dịch tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 cho trẻ trên địa bàn TP được tổ chức an toàn.