| Hotline: 0983.970.780

Hẫng hụt giống tốt

Thứ Ba 23/07/2013 , 12:39 (GMT+7)

Khi dư luận quan tâm đến thương hiệu nông sản để tăng giá trị cho nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân thì cũng thấy, đang thiếu giống độc quyền và việc đưa giống tốt ra đồng ruộng còn đầy trắc trở.

Khi dư luận quan tâm đến thương hiệu nông sản để tăng giá trị cho nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân thì cũng thấy, đang thiếu giống độc quyền và việc đưa giống tốt ra đồng ruộng còn đầy trắc trở.

“GIẬT GẤU VÁ VAI”

Sáng 17/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, ông Lê Thành Trí, làm việc với Sở NN-PTNT bàn việc tổ chức đảm bảo giống xác nhận lúa thơm ST20 cho sản xuất. Mấy ngày trước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã về Sóc Trăng, thăm nơi làm ra giống ST20, rất khen ngợi và còn chỉ đạo Cục Trồng trọt xét công nhận đặc cách cho giống lúa ST20 được sản xuất đại trà.

“Chục ngày qua, chúng tôi lo giấy khai sinh cho ST20, chưa biết bao giờ xong, vất vả hơn tạo ra giống lúa”, chia sẻ của PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng Hồ Quang Cua, người chủ trì làm ra giống ST20. Thực ra, giống ST20 đã sản xuất thử ở huyện Ngã Năm (Sóc Trăng) mấy năm rồi, riêng Cty TNHH Trung An mua 3 vụ gần nhất, tổng cộng 1.900 tấn thóc, làm ra gạo xuất khẩu được giá 900 USD/tấn. Khách hàng ưa chuộng nhưng lượng ít nên không đáp ứng được nhu cầu.

Đánh giá của Cục Trồng trọt, cách làm giống lúa ST20 ở Sóc Trăng tạo ra liên kết 4 nhà có hiệu quả vào hàng bậc nhất ĐBSCL hiện nay. Không chỉ có Cty TNHH Trung An, nhiều doanh nghiệp khác cũng cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm lúa ST20, nên đang sản xuất thử mà diện tích vụ đông xuân 2012-2013 đã 1.000 ha, dự kiến vụ đông xuân tới nâng lên 4.000-5.000 ha. “Làm lúa giống thuyết phục được nông dân và doanh nghiệp chấp nhận không dễ dàng, hồi đầu ít người mua, có khi chúng tôi phải đem lúa giống chà gạo ăn. Mỗi năm được tỉnh cấp cho 200, 300 triệu đồng nhưng làm giống cũng giật gấu vá vai thôi”, ông Cua tâm sự.


Ông Hồ Quang Cua (thứ hai từ phải) trên ruộng lai tạo lúa giống

Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Trương Thanh Phong mới đây cho rằng, gạo chưa có thương hiệu là do không có giống độc quyền và ông lấy ví dụ ST20 ngon cơm nhưng sau 2-3 năm lại phải thay giống. Ông Cua phản bác: “Dùng giống xác nhận chứ không phải thay giống. Ở nước ta, cánh đồng mẫu lớn đã quy định phải sử dụng giống xác nhận để đảm bảo chất lượng nên giống không còn cản trở việc xây dựng thương hiệu hạt gạo, chỉ còn vấn đề tham gia của doanh nghiệp”.

NHIỀU LÃNG PHÍ

Ông Cua nói thêm, tỉnh Sóc Trăng “cho mỗi năm vài trăm triệu đồng làm lúa giống là tốt lắm rồi, nhiều địa phương không cho”. Tuy nhiên, nghiên cứu giống tốt cụ thể để đưa ra đồng ruộng thì thiếu tiền, trong lúc các địa phương lại chi khá nhiều tiền cho những “đề án nghiên cứu khoa học” mà kết quả rất khó nhìn thấy.

Tỉnh Trà Vinh triển khai đề tài “Hỗ trợ mô hình sản xuất lúa giống chất lượng cao” với dự toán gần 1,8 tỷ đồng, từ hơn chục năm trước. Đến nay, đề tài đã nhận gần 1,2 tỷ đồng, nhưng không thành công. Chủ đề tài là ông Nguyễn Văn Truyền (PGĐ Sở KH&CN lúc đó) ký hợp đồng mua lúa giống và nhiều vật tư khác với Viện Lúa ĐBSCL, nhưng kết quả lúa giống tới nông dân lại sai chủng loại. Nguyên nhân chính, đề tài do một người đưa ra nhưng lại giao cho ông Truyền làm chủ nhiệm, trong lúc ông không có chuyên môn. Ông Truyền nay làm Bí thư Đảng uỷ Khối doanh nghiệp tỉnh Trà Vinh, đề tài lúa giống đã tiêu nhiều tiền mà chưa biết bao giờ quyết toán được.

Trung tâm Khuyến ngư tỉnh Trà Vinh có 8 đề tài nghiên cứu về cá, tôm thực hiện nhiều năm, đã chi nhiều tiền nhưng cũng không nghiệm thu, quyết toán được. Nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học trên cả nước được mời về tỉnh Trà Vinh thực hiện các “đề tài nghiên cứu khoa học” mà kết quả rõ nhất đến nay là bị phát hiện nhiều khoản chi khống. Đề tài đưa cây màu xuống chân đất ruộng do PGS.TS Nguyễn Bảo Vệ ở Trường ĐH Cần Thơ làm chủ nhiệm, bị phát hiện 23 hợp đồng khống, nên đã quá hạn mà chỉ được chấp nhận quyết toán 48% tổng kinh phí hơn 700 triệu đồng. PGS.TSKH Nguyễn Tác An (Viện Hải dương học) làm chủ đề tài nghiên cứu thủy sản ven sông, tổng kinh phí hơn 500 triệu đồng, bị phát hiện 13 hợp đồng khống. TS Hoàng Văn Huân (Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam) làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu bờ biển cũng kê khống thuê ghe đi khảo sát, đo đạc vùng biển.

GIỐNG HAO HỤT 55%

Báo cáo 6 tháng đầu năm 2013 của Bộ NN-PTNT, “chất lượng cá tra bố mẹ không cao” nên tỷ lệ giống hao hụt khá lớn, “cá biệt ở một số nơi tỷ lệ hao hụt trung bình trong cả vụ nuôi từ 20-55%”. Đấy là giống cá tra đã được quan tâm đầu tư nhiều năm qua với chương trình thay thế đàn cá bố mẹ thoái hóa bằng đàn cá bố mẹ từ Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II. Đến hết năm 2012, theo báo cáo thì Viện Nghiên cứu đã cung cấp cho ĐBSCL hơn 100.000 con cá tra bố mẹ.

Tôm giống nước lợ cũng nhiều năm qua hô hào “nâng cao chất lượng” nhưng hiện nay tình trạng không đảm bảo chất lượng (tôm dễ nhiễm khuẩn và chậm lớn) vẫn xảy ra. Còn trái cây, rau màu càng khó tìm những giống độc quyền của Việt Nam có thể sản xuất hàng hóa lớn trên đồng ruộng.

Cây lúa trên đồng ruộng, giống chất lượng thấp IR50404 thường chiếm trên 20%, có nơi đến 50% diện tích canh tác dù các địa phương năm nào cũng hô hào giảm xuống dưới 20%.

Xem thêm
Đề nghị kỷ luật loạt cán bộ dính vụ Thuận An, Phúc Sơn, Đại Ninh...

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật các ông Mai Tiến Dũng, Dương Văn Thái, Phạm Thái Hà... do liên quan vụ Thuận An, Phúc Sơn, Đại Ninh...

Nông nghiệp Hà Nội được nhiều người biết đến nhờ thông tin tuyên truyền

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, ngành nông nghiệp của Thủ đô năm 2023 đã đạt tốc độ tăng trưởng 2,74%.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Phát hiện thi thể không nguyên vẹn dưới chân cầu Long Biên

Cảnh sát xác định nạn nhân là nam giới đã chết khoảng hơn 1 tháng, thi thể đã bị phân hủy, khô lại, không còn nguyên vẹn và hiện chưa rõ danh tính.