| Hotline: 0983.970.780

Hàng loạt tàu cá bị mất kết nối, ngư dân lo lắng

Thứ Bảy 20/04/2024 , 15:49 (GMT+7)

Hàng loạt tàu cá của ngư dân Bình Định bị mất kết nối VMS, dù trước khi mở biển tất cả thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá đều hoạt động bình thường…

Đứt liên lạc giữa biển và bờ

Hàng loạt người thân của nhiều tàu cá đánh bắt xa khơi của ngư dân xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) và xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) tỉnh Bình Định gọi điện cho PV Báo Nông nghiệp Việt Nam ca thán về tình trạng tàu cá của gia đình bị mất kết nối thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS). Dù trước khi vươn khơi, các chủ tàu, thuyền trưởng những tàu cá nói trên đã kiểm tra kỹ càng thiết bị giám sát hành trình trên tàu của mình và tất cả đều hoạt động bình thường.

Theo đó, tàu BĐ 94555 TS của ngư dân Đặng Thành Được ở thôn Vĩnh Lợi, xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) và nhiều tàu cá khác cùng địa phương cùng hàng loạt tàu cá của ngư dân xã Cát Khánh (huyện Phù Cát)  xuất bến tại Cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát) từ ngày 8-12/4/2024, tất cả các tàu nói trên đều lâm cảnh vừa xuất bến mới mấy ngày là tàu đã bị mất tín hiệu VMS.

Thông báo của VNPT về sự cố gián đoạn dịch vụ quản lý tàu thuyền VNPT-VSS. Ảnh: V.Đ.T.

Thông báo của VNPT về sự cố gián đoạn dịch vụ quản lý tàu thuyền VNPT-VSS. Ảnh: V.Đ.T.

Những tàu cá bị mất tín hiệu của ngư dân xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) và ngư dân xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) được xác định bị mất tín hiệu VMS trong những ngày vừa qua là: Tàu cá mang số hiệu BĐ 94653 TS của ngư dân Lê Văn Cu; tàu BĐ 94555 TS của ngư dân Đặng Thành Được; tàu BĐ 93764 TS của ngư dân Lê Văn Chương; tàu BĐ 93123 TS của ngư dân Nguyễn Văn Hiệp; tàu BĐ 93496 TS của ngư dân Nguyễn Đức Hoàng; tàu BĐ 93940 TS của ngư dân Nguyễn Trần Út; tàu BĐ 93934 TS của ngư dân Hồ Huỳnh Quý; tàu BĐ 93842 TS của ngư dân Lê Đức Hưng; tàu BĐ 93027 TS của ngư dân Hồ Văn Quít; tàu BĐ 30930 TS của ngư dân Giáp Tấn Tài; tàu BĐ 93741 TS của ngư dân Lê Thanh Xuân; tàu BĐ 92008 TS của ngư dân Võ Xuân Tý;  tàu BĐ 94300 TS của ngư dân Trần Văn Rảnh… Tất cả những tàu cá nói trên đều lắp thiết bị giám sát hành trình của nhà mạng VNPT và đều mất tín hiệu cùng lúc 10h30 ngày 15/4/2024 vừa qua.

Theo ngư dân Đặng Thành Được, chủ tàu cá BĐ 94555 TS hành nghề hậu cần nghề cá chuyên thu mua hải sản trên biển ở thôn Vĩnh Lợi, xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ), trước khi vươn khơi vào ngày 12/4, thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá của anh vẫn hoạt động bình thường, nhưng khi vừa ra đến ngư trường Trường Sa và bắt động hoạt động thu mua thì tàu cá bỗng dưng bị mất kết nối.

Trong khi đó, theo quy định của Chi cục Thủy sản Bình Định, để được nhận hỗ trợ nhiên liệu, trước khi ra khơi tàu cá phải nhắn 1 tin bờ, khi ra đến ngư trường tiếp tục nhắn 7 tin khơi, sau khi kết thúc chuyến đánh bắt trên đường vào bờ để bán sản phẩm phải nhắn tiếp 7 tin lộng, khi vào đến bờ phải nhắn 1 tin bờ cuối cùng. Trong chuyến biển, nếu tàu cá nào không thực hiện đúng quy định kể trên thì chủ tàu kể như mất tiền hỗ trợ nhiên liệu của chuyến biển đó.

Liên lạc với chị Kim Thị Thủy, vợ của ngư dân Đặng Thành Được, chủ tàu cá BĐ 94555 TS chuyên hành nghề thu mua hải sản trên biển, chúng tôi được chị Thủy cho biết: “Từ 10h30 ngày 15/4 đến nay tôi không còn thấy tín hiệu tàu cá của chồng tôi đang hoạt động trên biển hiển thị trên màn hình điện thoại. Tôi gọi điện cho chồng cũng không được vì thiết bị giám sát hành trình đã mất kết nối. Tôi lo lắng không biết tình hình hoạt động con tàu của chồng tôi hiện ra sao, có xảy ra vấn đề gì không? Càng lo lắng hơn là khi tàu bị mất kết nối như vậy không biết chuyến biển này có nhận được hỗ trợ nhiên liệu hay không?”.

Lại lo không được nhận hỗ trợ nhiên liệu

Chị Kim Thị Thủy nhớ lại, vào ngày 25/3/2021, tàu hậu cần nghề cá của gia đình chị đang hoạt động thu mua hải sản ngoài khơi, nhưng do mất tín hiệu nên không chuyển được tin nhắn về bờ. Do tàu bị mất tín hiệu, nên ngành chức năng không công nhận chuyến biển ấy tàu hậu cần nghề cá của vợ chồng chị Thủy có hoạt động trên biển, đồng nghĩa vợ chồng chị Thủy mất đứt khoản tiền hỗ trợ nhiên liệu 100 triệu đồng (đối với tàu công suất lớn). Sau gần 2 tháng kiểm tra, ngày 22/7/2021, nhân viên của Trung tâm Kinh doanh VNPT tại Bình Định đã làm giấy xác nhận mất tín hiệu do nhà mạng cho tàu hậu cần nghề cá mang số hiệu BĐ 94555 TS của vợ chồng chị Thủy.

Tàu cá đánh bắt xa khơi phải tuân thủ việc duy trì hoạt động của thiết bị giám sát hành trình để gỡ 'thẻ vàng' IUU. Ảnh: V.Đ.T.

Tàu cá đánh bắt xa khơi phải tuân thủ việc duy trì hoạt động của thiết bị giám sát hành trình để gỡ “thẻ vàng” IUU. Ảnh: V.Đ.T.

“Chuyến biển vào cuối tháng 3/2021 do trục trặc thiết bị giám sát hành trình nên vợ chồng tôi không được nhận tiền hỗ trợ, phải vay nóng bên ngoài 100 triệu đồng để làm phí tổn cho chuyến biển mới. Vay nóng phải chịu lãi suất khủng lắm, vay 100 triệu mỗi tháng phải trả lãi 5 triệu đồng. Hồi đó tiền dầu còn thấp, mới gần 20.000đ/lít, mỗi chuyến biển tàu của tôi tiêu hao nhiên liệu hết 1.000 lít dầu, vị chi là gần 20 triệu đồng. Thuê 2 người đi bạn để vận chuyển hải sản mua từ tàu cá của ngư dân về tàu hậu cần của mình mất 5 triệu đồng/người/chuyến biển nữa. Mua lương thực, thực phẩm, đá lạnh để ướp cá mất thêm mấy chục triệu đồng. Hơn 1 năm sau vợ chồng tôi mới được nhận tiền hỗ trợ”, chị Kim Thị Thủy nhớ lại.

Ngày 16/4/2024, Tổng Công ty Dịch vụ viễn thông - Ban Khách hàng Tổ chức - Doanh nghiệp đã phát thông báo về việc “gián đoạn dịch vụ quản lý tàu thuyền VNPT-VSS” gửi Cục Thủy sản, Trung tâm Thông tin thủy sản và Chi cục Thủy sản của 28 tỉnh ven biển trên toàn quốc.

Thông bào này cho biết: Căn cứ nội dung thông báo chính thức của bộ phận kỹ thuật liên quan đến sự cố lỗi vệ tinh Thuraya 3 đã làm ảnh hưởng đến dịch vụ VNPT-VSS vào ngày 15/4/2024, Ban Khách hàng Tổ chức - Doanh nghiệp của Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT VinaPhone) kính thông báo đến các đơn vị kể trên về việc gián đoạn dịch vụ quản lý tàu thuyền VNPT-VSS.

Mỗi chuyến biển, tàu cá xa bờ phải tuân thủ nhắn 1 tin bờ khi ra khơi, 7 tin khơi, 7 tin lộng khi tàu hành trình vào bờ và 1 tin bờ khi tàu vào đến bờ. Ảnh: V.Đ.T.

Mỗi chuyến biển, tàu cá xa bờ phải tuân thủ nhắn 1 tin bờ khi ra khơi, 7 tin khơi, 7 tin lộng khi tàu hành trình vào bờ và 1 tin bờ khi tàu vào đến bờ. Ảnh: V.Đ.T.

Theo đó, từ 23h30 ngày 15/4/2024, bộ phận kỹ thuật giám sát hệ thống đã phát hiện sự cố mất kết nối do lỗi vệ tinh Thuraya 3 của đối tác đã gây ảnh hưởng đến toàn dịch vụ quản lý tàu thuyền VNPT-VSS, đến hiện tại chưa khắc phục được sự cố này. Ban Khách hàng Tổ chức - Doanh nghiệp của Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông đang phối hợp chặt chẽ với các bộ phận kỹ thuật cũng như đối tác Thuray để khắc phục sự cố nêu trên.

Bình Định là tỉnh dẫn đầu trong lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá đánh bắt xa bờ có chiều dài từ 15m trở lên trong khu vực miền Trung với gần 3.200 chiếc. Hầu hết ngư dân Bình Định đều lắp thiết bị giám sát hành trình của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), số ít còn lại lắp thiết bị của Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn và một số nhà cung ứng khác.

Theo đánh giá của ngư dân là khách hàng của VNPT, giá của các thiết bị giám sát hành trình dao động khoảng từ 20 đến trên 30 triệu đồng/thiết bị, cao nhất là của hãng VNPT. Do thiết bị của VNPT có thêm điện thoại vệ tinh nên mức giá lắp đặt xong khoảng hơn 30 triệu đồng. Dù giá cao như vậy, nhưng nhìn chung việc chăm sóc khách hàng của các hãng thiết bị này vẫn chưa được tốt khi được giao cho các đại lý lắp đặt. Khi lắp xong hầu như các đại lý hết trách nhiệm, ngư dân bị bỏ rơi. Mặc dù trong thời gian bảo hành nhưng khi thiết bị hỏng hóc, có sự cố, việc liên hệ sửa chữa của ngư dân gặp rất nhiều khó khăn…

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm