Chỉ trước đó vài tháng, anh M’laih ở làng Đăk Mong (xã Đăk Krong, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) không nghĩ có ngày mình lại được đi trên con đường trải thảm bê tông rộng rãi, đẹp đẽ ven hồ nước thủy điện. Trước đây toàn bộ những con đường đi vào rẫy cà phê, ruộng lúa đều là đường đất. Mỗi mùa mưa về, người dân phải đánh vật với con đường trơn trượt để đưa nông sản hay phân bón vào ruộng, nương. Thậm chí nhiều người còn bị trơn trượt ngã gãy cả tay, ngón chân, nhưng vì ruộng nương cần phải chăm bón thu hoạch nên không còn lựa chọn nào khác.
“Giờ làng mình có con đường đẹp rồi, xe công nông chở cà phê, phân bón vào tận nương rẫy. Đường đi không trơn trượt như và cũng bớt nguy hiểm hơn”, anh M’laih nói và nhìn ánh mắt theo hướng theo con đường bê tông đang chạy ra những mảnh vườn xanh mướt.
Theo tìm hiểu được biết, Tiểu dự án nâng cấp đường giao thông phục vụ sản xuất cà phê bền vững tại xã Đăk Krong do Ban Quản lý Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh Gia Lai (VnSAT) làm chủ đầu tư thông qua nguồn vốn do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Dự án đường giao thông nội đồng có chiều dài 5 km với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Khi tuyến đường hoàn thành đã phục vụ việc sản xuất và vận chuyển cho khoảng hơn 1.000ha cà phê của người dân trong khu vực hưởng lợi.
Người dân làng Đăk Mong nói riêng và hàng ngàn hộ dân xã Đăk Krong nói chung đã được hưởng lợi trực tiếp từ dự án này. Trong tinh thần phấn khởi, anh Cao Trọng Lợi (trú xã Đăk Krong) cho hay: “Người dân nơi đây rất mừng. Khi có con đường này, nông thôn nơi đây chắc chắn sẽ đổi thay nhiều, phục vụ nhu cầu sản suất của bà con trong làng Đăk Mong”.
Cũng theo anh Lợi, việc đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông nội đồng đã tạo ra động lực rất lớn cho người dân trong vùng để hướng đến mô hình sản xuất cà phê bền vững. Ngoài ra, những con đường này còn taọ lập ra mô hình cà phê cảnh quan, thúc đẩy du lịch nông thôn trong vùng. Với lợi thế hồ nước lớn, đồi núi, khu vực sản xuất cà phê, cây nông nghiệp ngắn ngày được kết nối bằng những con đường sẽ tạo ra động lực phát triển kinh tế nơi đây.
Nhận xét về dự án đường giao thông phục vụ sản xuất cà phê bền vững tại địa phương, ông Vũ Đăng Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đăk Krong cho biết, Dự án VnSAT đã đem một luồng gió mới thổi vào nền nông nghiệp của xã, đặc biệt là sản xuất cà phê bền vững. “Những km đường giao thông vừa nâng cao giá trị sử dụng, vừa thúc đẩy sản xuất nông nghiệp nông thôn. Kết hợp với cảnh quan xung quanh, nơi đây sẽ hứa hẹn thành một điểm du lịch nông nghiệp gắn với bảo tồn văn hoá””, ông Tuấn nói và cho biết, với những động lực to lớn đó, hy vọng trong thời gian tới, kinh tế nông thôn của xã Đăk Krong sẽ cất cánh.
Ông Lê Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án VnSAT Gia Lai cho biết, VnSAT Gia Lai hỗ trợ đầu tư 5 Tiểu dự án xây dựng đường giao thông nội đồng với tổng giá trị là 64,2 tỷ đồng theo chính sách đầu tư công. Về cơ bản, việc thi công các tuyến đường giao thông nội đồng không gặp nhiều trở ngại. Các khu vực được triển khai đường giao thông phục vụ sản xuất cà phê bền vững phải hoàn thành hoặc đạt hơn 15 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Những vùng này có sự giao thoa văn hoá giữa người dân tộc thiểu số và người Kinh, tiềm năng phát triển du lịch để cây cà phê vừa là sản phẩm vừa là hậu cần cho ngành du lịch.
Trang thông tin có sự đồng hành của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT