| Hotline: 0983.970.780

Hàng trăm hecta chè chết cháy do nắng hạn

Thứ Năm 30/06/2016 , 14:25 (GMT+7)

So với năm 2015, nắng hạn năm nay đến sớm hơn dự kiến khiến hàng trăm ha chè tại huyện Thanh Chương (Nghệ An) đang đứng trước nguy cơ chết cháy.

Điều đáng nói, với việc hái chè bằng máy, tiết diện “sát thương” cao, người trồng lại có tâm lý tận thu khiến cây chè kiệt quệ. Gặp điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nước tưới không đủ, cây chè khó có thể trụ vững…

Thanh Chương là một trong những huyện có diện tích chè nguyên liệu lớn nhất tại Nghệ An với gần 4.400ha. Nắng hạn năm 2015 đã khiến trên 1.000ha chè của địa phương chết cháy. Để phục hồi diện tích chè đã mất, cuối năm 2015, huyện đã chỉ đạo hướng dẫn nhân dân ươm 720 vạn cây giống.

Đến tháng 1/2016, huyện đã trồng được 350ha chè bổ sung ở các xã Thanh Sơn, Thanh Đức, Thanh Lâm... Kế hoạch năm 2016, huyện tiếp tục trồng 300ha chè ở 14 xã vùng chè. Tuy nhiên, khi kế hoạch phục hồi chưa thực hiện xong thì địa phương này lại đang đứng trước nguy cơ mất thêm hàng trăm héc ta chè do nắng hạn đến sớm.

Nắng hạn năm 2015 đi qua đã khiến hơn 1ha chè của gia đình bà Nguyễn Thị Loan, xóm 1, xã Thanh An bị xóa sổ. Số diện tích này, gia đình bà chưa thể trồng mới mà thay vào đó là cây sắn để phục vụ nhu cầu chăn nuôi trước mắt. Diện tích 5ha chè còn lại, năm trước vốn đã kiệt quệ vì nắng hạn, năm nay lại gặp hạn sớm nên đang đứng trước nguy chết cháy.

Bà Loan cho biết: “Những năm trước, mỗi năm gia đình tôi hái 5 - 6 lứa, bình quân 8 tấn/lứa/5ha. Nhưng năm 2015, cây chè bị héo đang trong thời gian phục hồi nên lứa chè xuân coi như không có. Với 5ha chè, qua 2 lứa hái gia đình tôi cũng chỉ thu về trên 10 tấn chè búp. Thu chưa bù đủ chi cho phân bón, nhân công, hiện gần 20 triệu đồng nợ mua phân bón chưa biết lấy gì để trả. Thế mà, giờ chúng lại đang héo queo, héo quắt, không biết có trụ nổi với thời tiết nắng nóng thế này không?”.

Cũng theo bà Loan, vài ngày lại đây, trời nắng to, nhiệt độ cao, thi thoảng lại lất phất vài hạt mưa càng khiến cho tốc độ héo của lá chè càng tăng: “Vùng này nằm gần đập Cầu Cau nhưng điện không kéo đến tận nơi để chạy máy bơm nước, mua máy nổ, khoan giếng tưới cho chè thì không có tiền nên nhiều hộ đành bó tay nhìn chè chết. Mấy trận mưa chưa thấm đất gần đây chỉ tổ làm cây chè chết nhanh hơn thôi”, bà Loan rầu rĩ.

Tại một số huyện trồng chè khác của Nghệ An như Con Cuông, Anh Sơn…, hiện tượng chè héo lá cũng đã xuất hiện cục bộ. Người trồng chè đang nỗ lực thực hiện các biện pháp như tưới đậm, tủ gốc nhằm đảm bảo đủ độ ẩm để giảm mức độ thiệt hại.

Không chỉ đồi chè của gia đình bà Loan mà các hộ khác cũng đang trong tình trạng sống dở, chết dở. Nếu như thời điểm này năm 2015, cây chè vẫn còn xanh tốt thì năm nay đã bắt đầu cháy lá, héo đỏ cành, đặc biệt là những cành vừa được hái bằng máy. Lác đác vài mầm xanh nhú lên giữa những chiếc lá héo khô nhưng yếu ớt không đủ để người trồng chè tin vào sự phục hồi của chúng.

Ông Nguyễn Cảnh Nam, Chủ tịch UBND xã Thanh Anh cho rằng: “Đến thời điểm này, chưa có diện tích chè nào chết hẳn nhưng héo lá, héo cành thì có khoảng 200/413 ha. Nếu trong vòng vài tuần nữa, trời không mưa lớn và tiếp tục nắng nóng như thế này thì cây chè chết chắc.

Nắng hạn năm 2015 đã khiến 150ha chè tại Thanh An bị chết, số còn lại cũng kiệt quệ, cần thời gian để phục hồi. Địa phương vừa trồng mới được 60ha, nhờ nước tưới đảm bảo, được tủ gốc, có cây che bóng nên chưa có hiện tượng chết. Chúng tôi khuyến cáo bà con tập trung tủ gốc giữ ẩm, nếu đủ nước thì tưới đậm, bỏ hết các lứa cắt trong thời gian nắng nóng để giảm thiểu thiệt hại”.

Ông Trần Phi Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thanh Chương cũng xác nhận, hiện nay 14 xã có chè như Thanh An, Thanh Thủy, Hạnh Lâm, Thanh Đức… đều xuất hiện hiện tượng chè bị héo lá. Tuy nhiên, để kết luận cây bị chết do nắng hạn thì còn quá sớm bởi diện tích chè này sẽ được phục hồi nếu trong ít ngày nữa trời đổ mưa.

08-40-35_30
Một số diện tích chè chết năm 2015 được thay thế bằng cây sắn

 

Năm 2015, toàn huyện Thanh Chương có trên 1.000 ha chè bị chết do hạn hán. Số diện tích còn lại dù không chết nhưng kiệt quệ, đang trong thời gian phục hồi nên sản lượng chè nguyên liệu năm nay giảm sút nghiêm trọng, nhiều xưởng chế biến nhỏ đã phải đóng cửa do không đủ nguyên liệu.

Vì vậy, huyện đã khuyến cáo người trồng chè, ngoài việc chăm sóc tốt, giảm số lần cắt chè, cần phải tủ gốc, tưới đậm giữ ẩm nhưng thực tế người trồng chè vẫn không đủ điều kiện đảm bảo. Vì vậy, nếu thời tiết tiếp tục khô hạn thì diện tích chè chết năm nay có nguy cơ tăng cao.

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Vacxin Tembusu nhập khẩu chính ngạch đầu tiên về Việt Nam được đánh giá bài bản

Việc cho phép nhập khẩu vacxin Tembusu chính ngạch giúp người chăn nuôi thủy cầm có một công cụ quan trọng để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Mưa dông khiến nhiều diện tích sầu riêng bị gãy đổ, rụng quả la liệt

Những cơn mưa dông đầu mùa đã khiến nhiều diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị gãy đổ, quả rụng la liệt trước sự bất lực của người dân.

Lúa cỏ có ảnh hưởng đến ngành lúa gạo Việt Nam?

Cần xây dựng một chương trình dài hạn 15 năm (2030 - 2045) về 'Thực trạng và nguy cơ lúa cỏ ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam'.