| Hotline: 0983.970.780

Hành trình 20 năm của vựa măng tre Bát Độ ở Trấn Yên

Thứ Ba 17/10/2023 , 17:29 (GMT+7)

YÊN BÁI Cách đây tròn 20 năm, cây măng tre Bát Độ lần đầu tiên được trồng tại huyện Trấn Yên với sự ngờ vực. Song đến nay, giá trị cây trồng này đã được khẳng định.

Chật vật tìm đường tiêu thụ

Hiện nay, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đang tiếp tục phấn đấu mở rộng diện tích vùng trồng tre Bát Độ. Bên cạnh đó, tiếp tục hình thành mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, cơ sở thu mua, chế biến để nâng cao giá trị thu nhập cho bà con nông dân. Sản phẩm măng tre Bát Độ hiện không chỉ được tiêu thụ tại thị trường nội địa mà còn được chế biến và xuất khẩu sang thị trường nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Đài Loan.  

Sau 20 năm phát triển, cây tre Bát Độ đã trở thành cây trồng chủ lực, cho hiệu quả kinh tế cao và bền vững ở huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái). Ảnh: Thanh Tiến.

Sau 20 năm phát triển, cây tre Bát Độ đã trở thành cây trồng chủ lực, cho hiệu quả kinh tế cao và bền vững ở huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái). Ảnh: Thanh Tiến.

Bà Trần Thị Hoàn Liên – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ - Phát triển nông nghiệp, Phó Ban quản lý Chương trình tre Bát Độ huyện Trấn Yên cho biết: Chương trình tre măng Bát Độ trên địa bàn huyện đã được phát triển ổn định, bền vững hơn 20 năm qua. Năm 2002, tỉnh Yên Bái có chủ trương phát triển cây tre măng Bát Độ tại 2 huyện Yên Bình và Trấn Yên. Năm 2003 là năm đầu tiên bắt đầu triển khai trồng và toàn huyện đã trồng được 60ha cây măng tre Bát Độ ở một số xã như Kiên Thành, Y Can, Tân Đồng, Đào Thịnh, Việt Thành.

Trong những năm tiếp theo, cấp ủy, chính quyền huyện Trấn Yên tiếp tục tuyên truyền người dân mở rộng diện tích trồng. Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Trấn Yên lần thứ 19 đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển tre Bát Độ giai đoạn 2005 - 2010. Mục tiêu là tạo ra vùng nguyên liệu 1.000ha và tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn bán ra thị trường.

Cây lạ, đất tốt, khí hậu phù hợp nên cây tre Bát Độ trồng ở Trấn Yên ra rất nhiều măng. Mặc dù vậy ở thời điểm năm 2005 – 2006, việc tìm đầu ra cho măng tre hết sức chật vật. Trước nguy cơ có sản phẩm mà không có nơi bán, huyện đã loay hoay tìm thị trường tiêu thụ, tìm doanh nghiệp chế biến.

Ban quản lý Chương trình tre Bát Độ của huyện phải thành lập đoàn công tác đi tới các tỉnh như Hà Nội, Hòa Bình, Hải Dương, Hà Giang... để tìm doanh nghiệp thu mua sản phẩm măng. Thế rồi, đã có doanh nghiệp đầu tiên tìm đến ký kết thu mua sản phẩm. Đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp vào địa bàn huyện để thu mua sản phẩm, liên kết sản xuất với người dân và các HTX. Mạng lưới thu mua măng tre được phân bổ rộng khắp trong vùng nguyên liệu. Nhờ đó, giá trị của măng Bát Độ thương phẩm ngày càng tăng cao, giúp cho bà con vùng cao yên tâm gắn bó và mở rộng diện tích.

Năm nào huyện Trấn Yên cũng tổ chức lễ ra quân trồng tre Bát Độ để khuyến khích người dân mở rộng diện tích. Ảnh: Thanh Tiến.

Năm nào huyện Trấn Yên cũng tổ chức lễ ra quân trồng tre Bát Độ để khuyến khích người dân mở rộng diện tích. Ảnh: Thanh Tiến.

Đến nay, sau 20 năm, huyện Trấn Yên đã khẳng định cây tre măng Bát Độ là cây trồng chủ lực. Đến năm 2025, huyện phấn đấu duy trì và phát triển vùng nguyên liệu tre măng Bát Độ trên 4.000ha, sản lượng thu hoạch hàng năm đạt 40.000 tấn. Ngoài ra, tập trung liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm bền vững.  

Xuất khẩu tới nhiều thị trường khó tính

Thấy được hiệu quả kinh tế cao và ổn định, những năm qua, nông dân ở các xã vùng cao của huyện Trấn Yên như Kiên Thành, Hồng Ca, Hưng Khánh, Lương Thịnh, Việt Hồng... đã tiếp tục mở rộng diện tích tre Bát Độ. Hiện nay, huyện Trấn Yên đã hình thành vùng trồng tre Bát Độ trên 4.200ha. Từ một loại cây trồng xa lạ và mới mẻ, đến nay, tre Bát Độ đã trở thành cây trồng cho sản phẩm hàng hóa chủ lực của địa phương. Từ chỗ chật vật tìm đầu ra cho sản phẩm măng tre, hiện nay sản phẩm này không chỉ được tiêu thụ tốt ở thị trường nội địa mà đã được xuất khẩu sang nhiều nước.

Công ty Cổ phần Yên Thành là một trong những doanh nghiệp tiên phong và gắn bó với vùng nguyên liệu tre Bát Độ ngay từ những năm đầu phát triển. Hiện nay, Công ty đã xây dựng nhà máy để thu mua măng tươi và chế biến sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Mỗi năm, Công ty xuất khẩu từ 2.000 – 2.500 tấn sản phẩm măng.

Sản phẩm măng Bát Độ sau chế biến đã đáp ứng được yếu cầu khắt khe của thị trường Nhật Bản, Đài Loan. Ảnh: Thanh Tiến.

Sản phẩm măng Bát Độ sau chế biến đã đáp ứng được yếu cầu khắt khe của thị trường Nhật Bản, Đài Loan. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Nguyễn Đức Dũng – Giám đốc Công ty Cổ phần Yên Thành cho biết: Công ty đã có thời gian gắn bó lâu dài với nông nghiệp và nông dân, trong đó có cây tre Bát Độ của huyện Trấn Yên. Ở giai đoạn đầu, Công ty hình thành những chuỗi liên kết sản xuất từ nông dân đến doanh nghiệp, chủ yếu mang tính chất tự phát.

Vài năm gần đây, khi có Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh Yên Bái chuyên đề về phát triển sản xuất hàng hóa nông, lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, Công ty Cổ phần Yên Thành đã xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất mang tính bền vững, ổn định hơn. Cụ thể, người dân trồng tre ký kết với HTX thu mua và doanh thu mua sản phẩm từ các HTX.  

"Công ty chúng tôi là đơn vị đầu chuỗi làm công tác tiêu thụ và chế biến sản phẩm xuất khẩu. Ngoài ra, Công ty còn tư vấn, hỗ trợ cho các HTX kiến thức để tiếp tục mở rộng, phát triển vùng nguyên liệu măng tre Bát Độ; đầu tư vốn, vật tư, cây giống và kỹ thuật cho bà con nông dân để nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu", ông Nguyễn Đức Dũng cho biết.

Cũng theo ông Dũng, hiện nay, nhu cầu về thực phẩm sạch và thân thiện với môi trường ngày càng tăng cao, đặc biệt là ở các nước có điều kiện kinh tế phát triển. Nguồn nguyên liệu sản phẩm măng Bát Độ của huyện Trấn Yên nói riêng và của tỉnh Yên Bái nói chung mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ của thị trường thế giới. Vì vậy, tỉnh Yên Bái cần có định hướng, quy hoạch để tiếp tục mở rộng diện tích vùng nguyên liệu tại các địa phương còn nhiều đất đồi rừng và có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp.

Sản phẩm măng tre Bát Độ của huyện Trấn Yên được tiêu thụ rất tốt tại thị trường Yên Bái nói riêng và trên cả nước nói chung. Đặc biệt, thị trường của sản phẩm măng tre hiện rất bền vững và rất rộng mở ở các nước phát triển như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và một số nước châu Á, châu Âu khác… Măng Bát độ được ưu chuộng bởi có trọng lượng lớn, ăn giòn, thơm ngọt, dễ chế biến, đặc biệt đây là sản phẩm sạch, sản xuất theo phương thức hữu cơ.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.